Mozambique triển khai lực lượng tinh nhuệ chống khủng bố, nạn bắt cóc

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, việc triển khai quân đội này được thông báo cùng với việc Tổng thống Filipe Nyusi bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Nội vụ mới.
Mozambique triển khai lực lượng tinh nhuệ chống khủng bố, nạn bắt cóc ảnh 1Lực lượng an ninh Mozambique. (Nguồn: plataformamedia)

Ngày 11/11, Mozambique đã triển khai một lực lượng đặc biệt gồm binh sỹ và cảnh sát tinh nhuệ nhằm chống lại phiến quân có quan hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại tỉnh Cabo Delgado ở miền Bắc quốc gia nằm ở Đông Nam châu Phi này. 

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, việc triển khai quân đội này được thông báo cùng với việc Tổng thống Filipe Nyusi bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Nội vụ mới.

Bộ trưởng Quốc phòng mới của Mozambique, ông Cristovao Chume, là chỉ huy hàng đầu của Mozambique ở tỉnh Cabo Delgado, sẽ chỉ huy cuộc tấn công chống lại quân nổi dậy.

Những thay đổi này cũng nhằm mục đích ngăn chặn làn sóng bắt cóc ở tỉnh Cabo Delgado và những khu vực khác ở Mozambique, trong bối cảnh có báo cáo cho rằng một số cảnh sát đã tham gia vào các vụ bắt cóc.

Phát biểu trước lực lượng an ninh, Tư lệnh cảnh sát Mozambique Bernardino Rafael cho biết cả hành động khủng bố lẫn bắt cóc đều là tội ác khiến người dân kinh hoàng.

Ông Rafael nhấn mạnh: "Chủ nghĩa khủng bố tạo ra nỗi kinh hoàng trong người dân Mozambique, gây sợ hãi và ngăn cản sự phát triển và đầu tư ở đất nước chúng ta. Đó là lý do tại sao cuộc chiến chống khủng bố và cuộc chiến chống bắt cóc phải được tiến hành như nhau."

Hiện tại, có hơn 3.100 binh sỹ chủ yếu là đến từ các nước châu Phi, dẫn đầu là đội quân Rwanda, đã triển khai tới miền Bắc Mozambique, và chính phủ cho biết họ đã giành lại quyền kiểm soát phần lớn khu vực.

Theo ông Rafael, lực lượng mới sẽ thay thế các ngoại binh khi họ kết thúc nhiệm vụ và về nước. Ông cũng cho biết thêm Rwanda sẽ hỗ trợ đào tạo binh sỹ.

[Quân đội EU bắt đầu sứ mệnh huấn luyện quân sự tại Mozambique]

Ít nhất 3.340 người đã thiệt mạng và hơn 800.000 người phải rời bỏ nhà cửa kể từ khi tình hình bất ổn bắt đầu tại Mozambique vào năm 2017.

Các tỉnh phía Bắc của nước này vẫn được đánh giá là kém phát triển hơn nhiều so với khu vực phía Nam xung quanh thủ đô Maputo-mặc dù khu vực này là nơi có một số khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất thế giới.

Tập đoàn dầu khí Total (Pháp) đã phải dừng dự án khí đốt tự nhiên trị giá 20 tỷ USD vì bạo lực, tước đi nguồn thu nhập mà Chính phủ Mozambique đang rất cần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục