Mù Cang Chải náo nức trong ngày hội tựu trường

Không khí rộn rã cờ hoa hiện ra sau chặng đường một bên là vực sâu hun hút, một bên là vách đá dựng đứng và liên tục cua tay áo.
Hòa vào dòng người, phóng viên Vietnam+ đến xã vùng cao của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) để thực mục sở thị không khí tưng bừng, náo nhiệt của các em học sinh vùng khó trước thềm năm học mới.

Đường lên Mù Cang Chải một bên là vực sâu hun hút, một bên là vách đá dựng đứng và liên tục là những khúc cua tay áo thử tài của bác tài xế từ miền xuôi lần đầu lên vùng núi.

Ngày khai trường ở đây như ngày hội. Trên con đường nhỏ bằng bê tông dẫn từ Quốc lộ 32 vào La Pán Tẩn, mới 6 giờ 30 sáng, nhiều cô cậu học trò người Mông xúng xính trong những chiếc áo váy mới, náo nức tới trường.
    
Thấy vị khách lạ dừng ôtô để đi bộ, đám học trò lạ lẫm đưa ánh mắt trong leo lẻo nhìn ngó rồi lại mải miết đi cho kịp giờ. Một lúc sau, thấy khách bắt chuyện, Giàng A Páo (học sinh lớp 5 trường Tiểu học La Pán Tẩn) kể rằng, hôm nay Páo phải dậy từ lúc tờ mờ sáng rồi cuốc bộ hơn 1km để tới trường.

“Nhà Páo xa, đi bộ qua hai quả núi, đường đất gặp mưa thì bẩn và mỏi chân lắm chú ạ. Nhưng được đi học, đến trường gặp bạn bè Páo vui nên không thấy mệt. Vừa rồi nghỉ hè ở nhà, Páo lên nương rẫy giúp bố mẹ, giờ khai giảng lại được đi học rồi,” cậu bé hồn nhiên nói.

Páo bảo, nhà có 2 anh em thì đứa nào cũng được đi học. Bố mẹ Páo ít cái chữ, cả đời quần quật trên nương rẫy, khổ  lắm. Bởi thế, khi thầy cô giáo, cán bộ xã vận động cho anh em Páo đến trường, bố mẹ em đồng ý ngay.

Câu chuyện đi đường chẳng mấy chốc dẫn chúng tôi vào trường Tiểu học La Pán Tẩn. Một sân khấu khá hoành tráng với dàn âm thanh hiện đại được dựng lên ở sân trường để phục vụ cho lễ khai giảng năm học mới. Ở khu vực bên cạnh khán đài, một tốp học sinh trong đội nghi lễ của trường với trống và cờ trong tay đang tập dượt lượt cuối cùng trước khi biểu diễn. Một số em khác còn ôn lại bài hát, điệu múa khèn truyền thống của người Mông để phục vụ các tiết mục văn nghệ…

Đứng bên cổng trường nhìn vào, Vàng Mí Chu, một phụ huynh bảo rằng ngày trước anh không được bố mẹ cho đi học vì đói quá. Vào những năm 1990 ấy, người Mông còn mải miết trên các quả núi để trồng ngô, trồng lúa chứ “cái chữ có ăn được đâu.”

Nhưng bây giờ thì khác, nhờ có cái chữ, người Mông có thể đọc được các kiến thức khoa học để trồng cây, nuôi gia súc, gia cầm sao cho đạt năng suất cao. Và, họ hiểu ra được tầm quan trọng của việc cho con em mình đến trường để học lấy cái chữ.

“Có thời điểm giáp hạt, đói ăn chúng nó bỏ lên nương hết, chả đứa nào chịu đến trường, các thầy lại phải đến tận nơi để ‘bắt’ về, cho ăn rồi ‘bắt’ đi học. Cũng bởi thế mà ở một số gia đình bây giờ, dù bố mẹ có chưa coi trọng cái chữ thì bởi nể sự nhiệt tình của thầy cô nên cũng cho con em tới trường,” một phụ huynh nói.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, thầy giáo Phạm Tiến Quảng, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở La Pán Tẩn cho biết, bên cạnh việc nhận thức của cha mẹ học sinh ngày càng được nâng cao, thì hệ thống giáo dục ngày càng hoàn thiện với trường học được xây dựng khang trang đã thu hút học sinh tới lớp. Bên cạnh đó, ngoài việc các thầy đi vận động thì lãnh đạo địa phương cũng có những đóng góp tích cực, tác động đến cha mẹ học sinh.

Hiện, trường Trung học cơ sở La Pán Tẩn có 250 học sinh. Bước vào năm học mới, cái khó khăn nhất của trường vẫn là cơ sở vật chất. Nhiều đồ dùng, vật dụng hỏng, không sử dụng được nhưng lại không được cấp bổ sung hàng năm… Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn ấy, nhà trường vẫn quyết hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy.

Vị hiệu trưởng này cũng đưa ra quyết tâm trong năm học mới như thu hút học sinh ra lớp đạt 98% chỉ tiêu kế hoạch giao trở lên, hạn chế học sinh bỏ học… Qua đó từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ở cái xã vùng khó khăn này, giúp bà con tiếp cận nhiều hơn nữa với tri thức, phục vụ cuộc sống./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục