Theo hãng tin Reuters và đài Sputnik, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19) tại các nơi đông dân và tiết lộ một gói kích thích mà ông mô tả là lớn nhất thế giới nhằm làm dịu đà suy thoái kinh tế.
Tình trạng khẩn cấp, trao cho nhà chức trách nhiều quyền lớn nhằm ép buộc người dân ở nhà và đóng cửa các cơ sở kinh doanh, sẽ kéo dài đến ngày 6/5 tới và được áp đặt tại thủ đô Tokyo và 6 quận khác- chiếm khoảng 44% dân số Nhật Bản.
Chính phủ cũng phê chuẩn gói kích thích kinh tế trị giá 108 nghìn tỷ yen (990 tỷ USD), tương đương 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản, nhằm giảm bớt tác động từ dịch bệnh đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này.
Tỷ lệ đó lớn hơn mức của gói kích thích kinh tế thời COVID-19 của Mỹ vốn chiếm 11% GDP và gói của Đức tương đương 5% GDP.
Chi tiêu tài chính trực tiếp lên tới 39,5 nghìn tỷ yen, tương đương 7% GDP, tăng hơn gấp đôi số tiền mà Nhật Bản đã chi sau sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers hồi năm 2008.
Nhật Bản sẽ bán số lượng kỷ lục trái phiếu bổ sung trị giá hơn 18 nghìn tỷ yen để tài trợ cho gói kích thích kinh tế đó, làm tăng thêm khoản nợ khổng lồ vốn đã gấp đôi quy mô nền kinh tế của nước này.
Trong khi gói kích thích kinh tế có thể làm giảm các động trước mắt từ dịch bệnh, các nhà lập pháp dự báo sự chi tiêu thậm chí sẽ lớn hơn nhằm ngăn chặn tình trạng phá sản và thất nghiệp.
Theo giới phân tích, tăng trưởng kinh tế, vốn đã suy giảm trong quý 4/2019, sẽ sụt giảm thêm hai quý nữa, gây sức ép đối với chính phủ và ngân hàng trung ương phải hành động nhiều hơn.
Họ nhận định: "Chính phủ có thể sẽ sớm cấp một ngân quỹ bổ sung khác nhằm kích thích kinh tế với sự chi tiêu thậm chí lớn hơn."
[Reuters: Kinh tế Nhật Bản được dự đoán rơi vào suy thoái sâu năm nay]
Trong khi đó, theo quan sát viên kiêm chuyên gia phân tích Piotr Tsvetov của Đài Sputnik, ngoài mối lo ngại về COVID-19, mục tiêu quan trọng của Chính phủ Nhật Bản là chương trình tăng cường sức mạnh quân sự của nước này.
Cách đây vài ngày, tờ báo Japan Times của Nhật Bản đưa tin nước này đã quyết định tự chế tạo máy bay tàng hình nhờ sử dụng phát triển khoa học và công nghệ của riêng mình trong việc tạo ra các công nghệ tàng hình.
Chính phủ Nhật Bản không hài lòng với đề xuất của các hãng nổi tiếng từ Mỹ như Lockheed Martin Corp., Boeing cũng như PLC BAE Systems của Anh.
Họ quyết định nhà thầu hàng đầu trong dự án này là một hãng nổi tiếng không kém nhưng là hãng Mitsubishi Heavy Industries của Nhật Bản với hợp đồng trị giá 40 tỷ USD.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã quyết định mua 42 máy bay F-35B của Mỹ. Đây là loại máy bay có thể cất cánh từ đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng.
Những máy bay này rất phù hợp đối với các hàng không mẫu hạm.
Nhật Bản chưa có tàu sân bay nhưng nước này sở hữu tàu sân bay trực thăng lớp Izumo có thể dễ dàng chuyển đổi thành tàu sân bay. Để làm được điều này, họ cần máy bay F-35B.
Các nhà báo từ tờ Japan Times cho rằng chính phủ đang thực hiện các bước như vậy để vũ trang nhằm chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở châu Á.
Tất nhiên, sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc bao gồm cả trong lĩnh vực quân sự cũng như chương trình tên lửa hạt nhân của Triều Tiên có thể khiến một người dân bình thường của Nhật Bản cảm thấy sợ hãi.
Tuy nhiên, đây chỉ là cái cớ cho việc tái vũ trang của Nhật Bản. Trên thực tế, mong muốn tăng cường tiềm lực quân sự của Nhật Bản luôn là đường hướng chính sách truyền thống của giai cấp thống trị nước này.
Như vậy, "vũ trang bình thường" theo cách nói của ông Abe là việc làm cần thiết đối với Nhật Bản không phải là để bảo vệ các dân tộc ở Đông Nam Á khỏi mối đe dọa Trung Quốc mà là nhằm đạt được các mục tiêu địa chiến lược của riêng họ.
Lịch sử nhắc nhớ chúng ta rằng các dân tộc khác trên thế giới có thể phải trả giá đắt để quân đội Nhật Bản đạt được mục đích này.
Ông Abe không muốn nhớ lại những bài học của lịch sử. Ngay từ đầu nhiệm kỳ của mình, với tư cách là nhà lãnh đạo đất nước, ông đã tuyên bố rằng cần sửa đổi điều khoản hòa bình của Hiến pháp.
Điều khoản này cấm Nhật Bản có lực lượng vũ trang riêng. Tuy nhiên, Nhật Bản, với sự thông đồng của Mỹ, đã tạo ra Lực lượng Phòng vệ của họ, với số lượng 300.000 quân và vũ khí hiện đại vượt trội so với quân đội của nhiều quốc gia châu Âu.
Song, ông Abe mong muốn Hiến pháp phải hợp pháp hóa Lực lượng Phòng vệ để luật pháp nước này công nhận quyền của quốc gia Nhật Bản có lực lượng vũ trang riêng.
Điều này đã được ông Abe công khai tuyên bố vài ngày trước tại một cuộc họp nhân dịp lễ tốt nghiệp tại Học viện Quân sự Quốc gia. Chính phủ Nhật Bản tiếp tục dẫn dắt đất nước theo con đường quân sự hóa./.