Mỹ chính trị hóa COVID-19 và gieo rắc hạt giống ngờ vực?

Một số cựu chính khách quốc tế lên tiếng chỉ trích Mỹ, trực tiếp hoặc gián tiếp cho rằng chính quyền Washington đã chính trị hóa dịch COVID-19 và gieo rắc hạt giống ngờ vực.
Mỹ chính trị hóa COVID-19 và gieo rắc hạt giống ngờ vực? ảnh 1Trụ sở Tổ chức Y tế Thế giới. (Nguồn: AFP)

Theo báo Liên hợp buổi sáng của Singapore có chi nhánh ở Hong Kong, tại diễn đàn trực tuyến về hợp tác chống dịch bệnh do Trung Quốc chủ trì diễn ra vào tối 9/6 vừa qua, một số cựu chính khách quốc tế được mời tham gia đã “không hẹn mà gặp," cùng lên tiếng chỉ trích Mỹ, trực tiếp hoặc gián tiếp cho rằng chính quyền Washington đã chính trị hóa dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19) và gieo rắc hạt giống ngờ vực.

Họ kêu gọi các nước đặt lợi ích toàn cầu lên trên lợi ích quốc gia, tăng cường hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống dịch bệnh và ủng hộ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát huy vai trò của mình.

Trung Quốc đã tranh cãi với một số nước phương Tây liên quan đến các vấn đề như đi tìm nguồn gốc và làm rõ trách nhiệm gây ra dịch bệnh COVID-19. Sau khi dịch bệnh lan rộng ở Mỹ, chính quyền Tổng thống Trump thường xuyên chĩa mũi dùi về phía Bắc Kinh, trong khi Trung Quốc cáo buộc lại Mỹ đang “đổ lỗi” và bôi nhọ Trung Quốc.

Giới chức Trung Quốc gần đây đã tích cực “biến thủ thành công” trong câu chuyện COVID-19, sắp xếp thế công-thủ ở cấp độ pháp lý và dư luận quốc tế hậu đại dịch.

Phát biểu tại diễn đàn nói trên, cựu Thủ tướng Nhật Bản Fukuda Yasuo cho rằng hợp tác của cộng đồng quốc tế trong công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh COVID-19 là chưa đủ, một số nước đã không có sự tin tưởng lẫn nhau và đây là điều rất đáng tiếc.

Ông nói: “Một số quốc gia không sẵn sàng thúc đẩy hợp tác để đối phó với cuộc khủng hoảng của toàn nhân loại, quá bận rộn trong việc buộc tội và chỉ trích người khác, điều này sẽ dẫn đến sự ngờ vực nghiêm trọng hơn."

Mặc dù không chỉ đích danh nhưng cựu Tổng thống Kyrgyzstan Roza Otunbayeva cũng ngầm ám chỉ Mỹ đã “lợi dụng dịch bệnh để chơi trò chính trị," “gieo rắc hạt giống ngờ vực." Bà cho rằng trước cuộc khủng hoảng toàn cầu do COVID-19, các nước phải tăng cường hợp tác và tìm cách giảm căng thẳng giữa các nước lớn.

[Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố "cắt đứt quan hệ" với WHO]

Trước đó vào ngày 7/6, Văn phòng Thông tin Quốc Vụ viện Trung Quốc đã công bố Sách Trắng dài hơn 37.000 từ, nội dung ghi lại lịch trình chống dịch COVID-19 của Trung Quốc, nhấn mạnh Trung Quốc là một quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và cũng là nước có nhiều đóng góp trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh trên toàn cầu, vì vậy nên được ghi nhận chứ không phải bị chỉ trích.

Sách Trắng của Trung Quốc cũng bác bỏ những phát ngôn của các nước phương Tây về yêu sách truy cứu trách nhiệm và đòi Trung Quốc bồi thường liên quan đến dịch bệnh lần này.

Trước việc Trung Quốc tổ chức diễn đàn trực tuyến về hợp tác chống dịch nói trên, một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đang tích cực cạnh tranh để giành quyền phát ngôn quốc tế trong vấn đề COVID-19, cố gắng sửa chữa những định kiến và hiểu lầm của dư luận bên ngoài về Trung Quốc nhằm cải thiện hình ảnh quốc tế của nước này.

Mỹ chính trị hóa COVID-19 và gieo rắc hạt giống ngờ vực? ảnh 2Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới trung tâm y tế ở Brooklyn, New York (Mỹ) ngày 2/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Liên quan đến vấn đề truy tìm nguồn gốc virus gây ra dịch bệnh COVID-19, cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd cho rằng thắc mắc của cộng đồng quốc tế về khởi nguồn của dịch bệnh, cách dịch bệnh đã lan rộng ở Trung Quốc và trên thế giới cũng như các cải tiến cần được đưa ra… là hoàn toàn hợp lý, đáp án cho những vấn đề này sẽ giúp nhân loại ứng phó tốt hơn với các dịch bệnh tương tự dựa trên khoa học và thực tế. Tuy nhiên, ông đồng tình rằng các bên nên vượt ra ngoài chính trị, sử dụng các phương pháp khoa học và thực tế khách quan để giải quyết các vấn đề.

Sau khi dịch bệnh bùng phát, Mỹ - nhà tài trợ “vàng” lớn nhất của WHO, đã chỉ trích WHO bất lực trong việc đối phó với dịch bệnh và trở thành một con rối của Trung Quốc, đồng thời lấy đây là lý do để tuyên bố rút khỏi tổ chức này.

Cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd bày tỏ lo ngại về điều này, ông nói: “WHO có thể không hoàn hảo, nhưng họ cũng rất thiếu nguồn tài chính. Điều đáng lo ngại hơn hiện nay là (vai trò của) họ đang bị suy yếu nghiêm trọng."

Ông Kevin Rudd từng dốc sức xây dựng một lộ trình chi tiết cho việc cải cách của WHO khi ông lãnh đạo Ủy ban đa phương quốc tế vào năm 2016. Ông nói: “Cách làm như vậy mới là những gì chúng ta nên thúc đẩy khi bàn về WHO, chứ không phải cách tiếp cận chính trị."

Cựu Tổng thống Croatia Stjepan Mesic cho rằng thái độ của Mỹ đối với WHO, hợp tác quốc tế và toàn cầu hóa kinh tế sau khi dịch bệnh bùng phát khiến dư luận bất an. Ông kêu gọi Mỹ sớm thay đổi quan điểm về thế giới cũng như các cường quốc khác và đóng vai trò mang tính xây dựng trong các vấn đề quan trọng như dịch bệnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục