Mỹ: Cho phép thăm dò dầu khí ở vùng Bắc Cực

Theo thông báo của Bộ Nội vụ Mỹ, sẽ có gần 500 hợp đồng khoan thăm dò được cấp phép tại vùng biển Chukchi trong vùng biển Bắc Cực.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 3/10 thông báo sẽ cho phép triển khai các hợp đồng khoan thăm dò dầu khí ở vùng biển Bắc Cực, ngoài khơi bang Alaska mà Chính quyền của cựu Tổng thống George W. Bush năm 2008 đã đưa ra đấu thầu và cấp giấy phép với giá 2,7 tỷ USD.

Đây được coi là một thắng lợi lớn đối với các tập đoàn và công ty dầu khí của Mỹ trong nỗ lực vận động Chính quyền và Quốc hội cho phép khai thác nguồn tài nguyên ở các vùng biển ngoài khơi.

Theo thông báo của Bộ Nội vụ Mỹ, sẽ có gần 500 hợp đồng khoan thăm dò được cấp phép tại vùng biển Chukchi trong vùng biển Bắc Cực.

Quyết định cấp phép này được công bố trong lúc các nhóm hoạt động về môi trường tiếp tục phản đối, đâm đơn lên tòa án nhằm ngăn chặn các hoạt động mà họ cho là sẽ phá hủy hệ sinh thái của vùng biển này, nhất là nguy cơ tràn dầu như thảm họa tại Vịnh Mexico tháng 4/2010.

Một trong những công ty được cấp giấy phép thăm dò là Tập đoàn dầu khí đa quốc gia Royal Dutch Shell với kế hoạch bắt đầu các hoạt động về mặt kỹ thuật và công nghệ tại vùng biển này vào năm 2012.

Các nhóm hoạt động về môi trường cho rằng quyết định ngày 3/10 là sự nhượng bộ mới nhất của Chính quyền Obama trước các công ty dầu khí.

Để đi tới quyết định còn gây tranh cãi này, tháng trước Nhà Trắng đã rút bỏ bản dự thảo quy định về khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà các doanh nghiệp than phiền là có thể làm mất nhiều việc làm.

Việc cấp giấy phép khoan thăm dò chỉ được thực hiện khi Bộ Nội vụ Mỹ đã đáp ứng yêu cầu của Tòa án liên bang về việc đánh giá lại các tác động của các hoạt động này đối với môi trường.

Các nhà lập pháp và các quan chức bang Alaska ủng hộ việc khai thác dầu khí ở ngoài khơi bang nhà, cho rằng việc này sẽ góp phần giúp Mỹ bớt lệ thuộc vào nguồn dầu nhập khẩu.

Chính quyền bang Alaska thông báo sẽ mở cửa khoảng 7 triệu hécta (15 triệu acres) đất và mặt nước cho các hợp đồng thăm dò.

Lệnh cấm khai thác dầu khí ngoài khơi bờ biển nước Mỹ được áp đặt từ năm 1981. Tháng 7/2008, trong bối cảnh giá dầu quốc tế tăng cao bất thường, cựu Tổng thống Bush tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm, nhưng năm 2009 khi lên nắm quyền, ông Obama đã tạm ngừng các hoạt động này.

Tháng 3/2010, ông Obama tuyên bố sẽ mở rộng việc khai thác các mỏ dầu gần biển nhằm bảo đảm an ninh năng lượng của Mỹ.

Theo Cơ quan quản lý Địa chất của Mỹ, khu vực Bắc Cực có trữ lượng dầu khí chiếm khoảng 20% trữ lượng chưa từng được phát hiện của thế giới.

Theo báo cáo năm 2009 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), 43 trong tổng số 61 mỏ dầu và khí lớn tại Bắc Cực là nằm ở phần lãnh thổ Nga.

Đầu tháng Chín vừa qua, Tập đoàn dầu mỏ lớn nhất của Mỹ Exxon Mobil và Tập đoàn Rosneft của Nga đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với vốn đầu tư ban đầu trị giá 3,2 tỷ USD, theo đó Nga mở đường cho Exxon Mobil tiếp cận nguồn dầu khí của Nga ở Bắc Cực và Mỹ mở đường cho Rosneft tiếp cận các dự án thăm dò, khai thác của Exxon Mobil tại khu vực Bắc Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục