Các quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ sẽ thăm Nga, Hàn Quốc vào tuần tới để thảo luận việc nối lại cuộc đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của Cộng hòa dân chủ Nhân dân Triều Tiên sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-Il qua đời.
Ngày 27/1, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Glyn Davies, đặc phái viên Mỹ phụ trách chính sách Triều Tiên, sẽ tới Mátxcơva ngày 31/1 tới "để tăng cường quan hệ hợp tác và chia sẻ các quan điểm về Triều Tiên."
Dự kiến, ông Davies sẽ gặp Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov và ông Grigoriy Logvinov, Đại sứ lưu động phụ trách đàm phán sáu bên. Chuyến đi của ông Davies cùng đặc phái viên Mỹ về đàm phán sáu bên, Clifford Hart, sẽ kết thúc ngày 3/2 tới.
Trong khi đó, từ ngày 31/1-1/2, ông Kurt Campbell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, sẽ đến thủ đô Seoul của Hàn Quốc để thảo luận với giới chức nước này về "các vấn đề song phương, khu vực và thế giới, trong đó có những diễn biến gần đây ở Triều Tiên."
Trước đó, ngày 19/1 vừa qua, ông Campbell đã có các cuộc gặp với các quan chức cấp cao Hàn Quốc và Nhật Bản tại Washington để bàn về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, trong đó có việc thúc giục nước này tái cam kết các thỏa thuận trước đây để kết thúc chương trình hạt nhân của mình.
Cũng trong chuyến công du của mình, từ ngày 1-3/2, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Campbell sẽ thăm Việt Nam để thảo luận các vấn đề song phương và khu vực; thăm Phnom Penh, từ ngày 3-4/2, để bàn về vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 2012 của Campuchia cũng như những biện pháp tăng cường quan hệ song phương.
Sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-Il qua đời, Mỹ đang đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao nhằm nối lại cuộc đàm phán sáu bên. Washington cũng đang cân nhắc nối lại chương trình viện trợ lương thực cho Triều Tiên. Tiến trình đàm phán sáu bên (gồm Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên) về phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên đã bị đình trệ từ năm 2008 đến nay.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 27/1, Quỹ Hòa bình Triều Tiên (KPF) có trụ sở tại Seoul đã gửi chuyến hàng viện trợ bột mì đầu tiên tới Triều Tiên kể từ sau sự ra đi đột ngột của nhà lãnh đạo Kim Jong-Il hồi tháng 12/2011.
Theo các quan chức KPF, chuyến hàng viện trợ gồm 250 tấn bột mì đã được chuyển bằng 7 xe tải tới thành phố biên giới Kaesong của Triều Tiên. Số bột mì trên sẽ được cung cấp cho một trường tiểu học, một trung tâm chăm sóc trẻ em và một trường mẫu giáo ở tỉnh Bắc Hwanghae, gần khu tổ hợp công nghiệp Kaesong. Tổ chức này hy vọng các hoạt động nhân đạo và gửi hàng cứu trợ cho Triều Tiên sẽ giúp hai miền liên Triều xích lại gần hơn tiến trình hòa bình.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết viện trợ nhân đạo của Hàn Quốc cho Triều Tiên trong năm 2011 chỉ đạt 19,6 tỷ won (khoảng 17,5 triệu USD), giảm 51,5% so với con số 40,4 tỷ won của năm 2010./.
Ngày 27/1, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Glyn Davies, đặc phái viên Mỹ phụ trách chính sách Triều Tiên, sẽ tới Mátxcơva ngày 31/1 tới "để tăng cường quan hệ hợp tác và chia sẻ các quan điểm về Triều Tiên."
Dự kiến, ông Davies sẽ gặp Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov và ông Grigoriy Logvinov, Đại sứ lưu động phụ trách đàm phán sáu bên. Chuyến đi của ông Davies cùng đặc phái viên Mỹ về đàm phán sáu bên, Clifford Hart, sẽ kết thúc ngày 3/2 tới.
Trong khi đó, từ ngày 31/1-1/2, ông Kurt Campbell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, sẽ đến thủ đô Seoul của Hàn Quốc để thảo luận với giới chức nước này về "các vấn đề song phương, khu vực và thế giới, trong đó có những diễn biến gần đây ở Triều Tiên."
Trước đó, ngày 19/1 vừa qua, ông Campbell đã có các cuộc gặp với các quan chức cấp cao Hàn Quốc và Nhật Bản tại Washington để bàn về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, trong đó có việc thúc giục nước này tái cam kết các thỏa thuận trước đây để kết thúc chương trình hạt nhân của mình.
Cũng trong chuyến công du của mình, từ ngày 1-3/2, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Campbell sẽ thăm Việt Nam để thảo luận các vấn đề song phương và khu vực; thăm Phnom Penh, từ ngày 3-4/2, để bàn về vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 2012 của Campuchia cũng như những biện pháp tăng cường quan hệ song phương.
Sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-Il qua đời, Mỹ đang đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao nhằm nối lại cuộc đàm phán sáu bên. Washington cũng đang cân nhắc nối lại chương trình viện trợ lương thực cho Triều Tiên. Tiến trình đàm phán sáu bên (gồm Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên) về phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên đã bị đình trệ từ năm 2008 đến nay.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 27/1, Quỹ Hòa bình Triều Tiên (KPF) có trụ sở tại Seoul đã gửi chuyến hàng viện trợ bột mì đầu tiên tới Triều Tiên kể từ sau sự ra đi đột ngột của nhà lãnh đạo Kim Jong-Il hồi tháng 12/2011.
Theo các quan chức KPF, chuyến hàng viện trợ gồm 250 tấn bột mì đã được chuyển bằng 7 xe tải tới thành phố biên giới Kaesong của Triều Tiên. Số bột mì trên sẽ được cung cấp cho một trường tiểu học, một trung tâm chăm sóc trẻ em và một trường mẫu giáo ở tỉnh Bắc Hwanghae, gần khu tổ hợp công nghiệp Kaesong. Tổ chức này hy vọng các hoạt động nhân đạo và gửi hàng cứu trợ cho Triều Tiên sẽ giúp hai miền liên Triều xích lại gần hơn tiến trình hòa bình.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết viện trợ nhân đạo của Hàn Quốc cho Triều Tiên trong năm 2011 chỉ đạt 19,6 tỷ won (khoảng 17,5 triệu USD), giảm 51,5% so với con số 40,4 tỷ won của năm 2010./.
(TTXVN/Vietnam+)