Ve sầu "xâm lăng" Mỹ

Mỹ đối mặt cuộc "xâm lăng" của hàng triệu ve sầu

Nước Mỹ sắp phải đối mặt với cuộc "xâm lăng" lớn của hàng triệu con ve sầu đang chuẩn bị thức dậy sau giấc ngủ kéo dài 17 năm.
Nước Mỹ sắp phải đối mặt với một cuộc "xâm lăng" lớn của hàng triệu con ve sầu đang chuẩn bị thức dậy sau giấc ngủ kéo dài 17 năm. Từ nay đến cuối tháng Năm, loài côn trùng trông giống như những con dế lớn này, sau 17 năm ngủ vùi trong đất, sẽ ngoi lên khỏi mặt đất để sinh sôi nảy nở.

Có thể hình dung một cảnh tượng như thế này: Bầu trời các bang bờ biển miền Đông nước Mỹ sẽ bị phủ kín bởi hàng triệu con ve sầu đi tìm "bạn tình" trong mùa giao phối. Các bang Bắc Carolina và New Jersey là những bang đầu tiên chứng kiến hàng triệu vết đốm trên bầu trời.

Loài ve sầu ở vùng duyên hải phía Đông nước Mỹ được xem là loài côn trùng ngủ lâu nhất trong các loài, với mỗi giấc ngủ kéo dài gần hai thập kỷ. Chúng thường thức giấc trong khoảng thời gian từ trung tuần tháng Tư đến cuối tháng Năm hàng năm, nhưng cuộc tấn công dữ dội sẽ chỉ thực sự bắt đầu vào cuối tháng Năm, khi nhiệt độ trung bình ở miền Đông nước Mỹ vào khoảng 17 độ C.

Vào lúc cao điểm, mật độ ve sầu có thể lên tới vài triệu con trên một km2, tương đương với cứ mỗi mét vuông lại có khoảng 1-2 nghìn con ve sầu tụ lại thành đàn và đồng thanh ca bản hợp xướng đinh tai nhức óc.

Mặc dù ve sầu phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng hiện tượng có tính chu kỳ này chỉ xảy ra ở nước Mỹ. Những chú ve sầu này có một chu kỳ sống và xuất hiện khác thường. Trong vòng 16 năm đầu đời, chúng sống dưới lòng đất, lấy dinh dưỡng từ rễ cây và lột xác vài lần. Đến lần lột xác cuối cùng, chúng sẽ ngoi lên mặt đất và bắt đầu tìm kiếm "bạn tình" để giao phối.

Sau khi giao phối, ve sầu cái đào những rãnh nhỏ trên vỏ các cành cây và đẻ trứng vào đó. Khi trứng nở, ấu trùng ve rơi xuống và chui sâu vào lòng đất khoảng 20 cm, bắt đầu vòng đời 17 năm. Khi mùa giao phối kết thúc, những con ve sầu trưởng thành sẽ chết trong bản hợp xướng chói tai, để lại những chú ve sầu non tiếp tục chu kỳ sống của mình cho tới khi nhìn thấy ánh sáng Mặt trời.

Có 15 lứa ve sầu, được đánh số theo dãy số thứ tự La Mã. Hầu hết chúng có vòng đời 17 năm, tuy nhiên kỳ sinh sản diễn ra 13 năm một lần và xen kẽ nhau, do đó mỗi năm có ít nhất một lứa nở trứng. Nhưng không phải tất cả các lứa được tạo ra ngang nhau về số lượng và lứa "Brood II" là lứa lớn nhất.

Mỗi khi chu kỳ ngủ 17 năm của ve sầu kết thúc, số lượng của chúng tăng vọt hàng trăm lần. Mặc dù không gây hại cho người và cây cối, ve sầu vẫn gây phiền toái bởi thứ âm thanh chói tai nhức óc và kéo dài mà chúng phát ra để tìm kiếm "bạn tình"./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục