Mỹ: Đổi mới nguồn lực trong nước là chìa khóa của chính sách đối ngoại

Theo Ngoại trưởng Blinken, Mỹ đang bị một số nước trên thế giới đánh giá là tụt hậu, vì vậy việc Mỹ cần làm lúc này để chứng minh điều ngược lại - đó là đầu tư phát triển nội lực, làm mới chính mình.
Mỹ: Đổi mới nguồn lực trong nước là chìa khóa của chính sách đối ngoại ảnh 1Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại Washington, D.C. ngày 5/4/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phát biểu tại trường Đại học Maryland ngày 9/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh nước Mỹ cần đầu tư nhiều hơn vào phát triển và làm mới nguồn lực trong nước để củng cố vị thế trên trường quốc tế. Ông đồng thời khẳng định đây là chìa khóa cho chính sách đối ngoại của nước Mỹ.

Theo Ngoại trưởng Blinken, hiện Mỹ đang bị một số nước trên thế giới nhìn nhận là tụt hậu, vì vậy để chứng minh điều ngược lại việc Mỹ cần làm trong lúc này đó là đầu tư phát triển nội lực, làm mới chính mình.

Ông cũng trích dẫn một báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho biết Mỹ hiện xếp thứ 13 về cơ sở hạ tầng trong khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc đã chi tiêu nhiều gấp 3 lần và cũng đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển.

Ngoại trưởng Blinken nêu rõ Mỹ vẫn là một quốc gia hùng mạnh và có nền kinh tế mạnh nhất, nhưng để tiếp tục duy trì vị thế này, Mỹ cần chú trọng tới công cuộc đổi mới với trọng tâm là đầu tư mạnh trong nước.

[Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đề cử 5 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao]

Ông nhận định Trung Quốc là cường quốc đang lên và những thách thức về khả năng cạnh tranh đối với nước Mỹ không chỉ từ Bắc Kinh mà từ nhiều nước khác.

Bài phát biểu của Ngoại trưởng Blinken đã phản ánh điều mà chính quyền của Tổng thống Joe Biden gọi là "chính sách đối ngoại cho tầng lớp trung lưu" với trọng tâm là thúc đẩy khả năng cạnh tranh trong và ngoài nước cũng như thu hẹp quy mô các cam kết quân sự tốn kém.

Tổng thống Biden đã ra lệnh rút toàn bộ binh lính tại Afghanistan về nước, chấm dứt cuộc chiến kéo dài 20 năm của Mỹ tại nước này mà theo tính toán của trường Đại học Brown, Washington đã phải đổ vào đây hơn 2.200 tỷ USD.

Dự kiến Thượng viện Mỹ sẽ sớm phê chuẩn dự luật đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD - một trong những ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Biden - nhằm xây dựng thêm các cây cầu, tuyến đường mới và hệ thống đường giao thông dành cho xe điện, cải thiện hệ thống cung cấp nước sạch và kết nối Internet tốc độ cao trên phạm vi toàn lãnh thổ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục