Mỹ-Hàn thảo luận về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Mỹ bày tỏ mong muốn Hàn Quốc tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một sáng kiến do Tổng thống Joe Biden công bố nhằm tăng cường hợp tác với các đối tác về kinh tế và thương mại.
Mỹ-Hàn thảo luận về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh 1Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Katherine Tai (thứ 2, phải) và Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yeo Han-koo (thứ 2, trái) thăm nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn ở Auburn, bang Michigan, Mỹ, ngày 16/3/2022. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Ngày 31/3, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yeo Han-koo và Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã thảo luận về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) cùng một số vấn đề thương mại quan trọng khác, trong đó có thương mại điện tử và thuế thép.

Đây là lần tiếp xúc thứ 6 giữa quan chức này kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố kế hoạch chi tiết của IPEF hồi tháng 10/2021.

IPEF kêu gọi tăng cường hợp tác với các nước đối tác trong một loạt vấn đề kinh tế và thương mại, bao gồm thương mại kỹ thuật số, chuỗi cung ứng và năng lượng sạch. Mỹ mong muốn Hàn Quốc tham gia sáng kiến này.

Bộ Thương mại Hàn Quốc dẫn lời Bộ trưởng Yeo Han-koo nêu rõ: “Hàn Quốc tiếp tục thảo luận về IPEF giữa các bộ liên quan và với các chuyên gia thông qua một nhóm công tác. Chúng tôi hoan nghênh sáng kiến này trong bối cảnh cần có sự hợp tác trong khu vực và đây là một trục kinh tế quan trọng của nền kinh tế toàn cầu.”

[Quan chức Mỹ và Hàn Quốc thảo luận về vấn đề chuỗi cung ứng]

Trước đó, tại phiên điều trần trước Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện Mỹ, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai khẳng định sáng kiến của Mỹ về IPEF sẽ đem lại những lợi ích đáng kể, dù các cuộc thảo luận trong khuôn khổ sáng kiến này sẽ không đề cập đến cắt giảm các loại thuế quan. 

Bà Tai nêu rõ dù các bên không thảo luận về giảm thuế quan trong khuôn khổ IPEF, song những thành quả ý nghĩa về kinh tế là một phần trong kế hoạch hợp tác của Mỹ với các đối tác khu vực.

Theo bà, các thỏa thuận tự do thương mại đã giúp các nước cắt giảm nhiều thuế quan, song xu hướng toàn cầu hóa cũng gây quan ngại cho Mỹ khi tác động tiêu cực đến việc làm tại nước này, bao gồm cả ngành sản xuất.

Do đó, với IPEF, Mỹ mong muốn cùng các đối tác tham gia vào đối thoại thương mại thế kỷ 21, hướng tới những thành quả kinh tế ý nghĩa mới.

Trong khuôn khổ cơ chế này, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) sẽ dẫn dắt các nỗ lực nhằm đưa ra một thỏa thuận thương mại với các đối tác trong khu vực, bao gồm các điều khoản về các cam kết đối với lao động chất lượng cao, môi trường bền vững, kinh tế số, quy định nông nghiệp dựa trên khoa học./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục