Tròn 8 tháng nữa, nước Mỹ mới bước vào cuộc tổng tuyển cử lần thứ 57 bầu lại tổng thống, toàn bộ 435 ghế Hạ viện, 33 trong số 100 ghế Thượng viện, 11 trong 50 số ghế thống đốc bang cùng các cấp hành pháp và lập pháp các địa phương. Thế nhưng, ngay lúc này có thể khẳng định rất hiếm khi có một kỳ bầu cử nào diễn ra nhiều rắc rối và lắm âu lo như vòng bầu cử sơ bộ năm 2012 của đảng Cộng hòa.
Rắc rối và lo âu bởi lẽ, qua 13 cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên (chưa tính các cuộc bầu cử trong ngày "Siêu Thứ Ba," cử tri đảng Cộng hòa vẫn còn băn khoăn tự hỏi "Ai hơn ai?." Danh sách ứng cử viên tổng thống 2012 của đảng "Con Voi" có tới khoảng 10 khuôn mặt.
Thế nhưng, trước khi kết thúc năm 2011 để bước vào cuộc đua, theo thăm dò của NBC/WSJ, có tới 51% xác định chất lượng ứng cử viên Cộng hòa năm 2012 chỉ ở mức trung bình và 27% xác định là yếu hơn so với các kỳ bầu cử trước. Đã có 6 chính khách "đứt gánh giữa đường" vì các lý do khác nhau và đến cuối tháng Hai vừa qua, trong khi các ứng cử viên còn lại đang quyết liệt chạy đua, giới chức lãnh đạo đảng Cộng hòa lại bí mật săn lùng một gương mặt mới mà họ cho là có đủ sức đánh bại đối thủ gần như chắc chắn của đảng Dân chủ - đương kim Tổng thống Barack Obama.
Và cho tới cuộc thăm dò ngày 27/2 vừa qua của CBS/NYT vẫn có tới 62% cử tri Cộng hòa ủng hộ tìm một chính khách khác thay thế 4 ứng cử viên còn lại gồm cựu Thống đốc Mitt Romney, cựu Thượng nghị sỹ Rick Santorum, cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich và Hạ nghị sỹ Ron Paul.
Đến ngày "Siêu thứ Ba" 6/3, theo cách gọi của người Mỹ, với ba ứng cử viên cùng thắng trong 11 cuộc bầu cử sơ bộ đồng loạt diễn ra tại 11 bang, cả người thắng nhiều và kẻ thua cuộc vẫn đều tự nhận mình là người có khả năng hơn để ngăn chặn ông Obama tái đắc cử.
Sau một loạt chiến thắng gần đây và với các kết quả không tồi trong ngày 6/3, uy tín của ông Romney đang lên với 38% ý kiến ủng hộ so với 32% dành cho ông Santorum và 13% dành cho ông Gingrich và ông Paul. Nếu so găng tay đôi giữa hai ứng cử viên hàng đầu, ông Romney dẫn ông Santorum với tỷ lệ 50%-45%. Có tới 72,8% cử tri Cộng hòa nói rằng họ sẽ hài lòng nếu ông Romney trở thành người đại diện chính thức của họ trong cuộc chạy đua chiếc ghế ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng với ông Obama.
Tuy vậy, cả giới lãnh đạo lẫn cử tri Cộng hòa chưa thể yên tâm vì với kết quả 24 cuộc bầu cử sơ bộ đã hoàn tất sau ngày 6/3, tuy đang có lợi thế, nhưng ông Romney vẫn còn phải đi một quãng đường khá xa, nếu không muốn nói là rất xa, mới tới được cái đích tối thiểu 1.144 trong tổng cộng 2.284 suất ghế đại biểu tham dự Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa vào cuối tháng Tám tới tại bang Florida để được đề cử làm ứng cử viên chính thức của đảng này tham gia cuộc bầu cử ngày 6/11 tới.
Với thực tế này, các chuyên gia cho rằng vòng bầu cử sơ bộ trong nội bộ đảng Cộng hòa có khả năng phải kéo dài tới tận ngày đại hội. Đây là một chiều hướng tiếp tục gây lo lắng cho giới lãnh đạo Cộng hòa bởi lẽ họ không những phải tiếp tục tiêu phí tiền bạc mà còn không thể sớm tập trung vào đối thủ vòng chung kết là ông Obama.
Theo kết quả thăm dò công bố ngày 6/3 của NBC /WSJ, trong số 800 cử tri Cộng hòa trên cả nước được phỏng vấn ngẫu nhiên trong các ngày 2-5/3 vừa qua, có 70% thừa nhận tiến trình bầu cử sơ bộ kéo dài đã gây tổn thương cho đảng Cộng hòa nói chung và cá nhân các ứng cử viên nói riêng. Tỷ phú Donald Trump, người hậu thuẫn ông Romney, ngày 6/3 cũng đã phải lên tiếng kêu gọi các ứng cử viên Cộng hòa "hãy ngừng sát phạt lẫn nhau để tập trung vào đối thủ chính là Barack Obama." Giới lãnh đạo và cử tri Cộng hòa còn lo lắng hơn khi kinh tế Mỹ xuất hiện những dấu hiệu tốt dần lên, khiến uy tín của Tổng thống Obama và đảng Dân chủ cũng tăng theo.
Có tới ba ứng cử viên cùng thắng, các cuộc bầu cử sơ bộ ngày 3/6 tới vẫn chưa thể trả lời được câu hỏi: Ứng cử viên Cộng hòa nào sẽ tiếp tục ở lại và có khả năng được đề cử và ai sẽ lại theo chân 6 ứng cử viên đã đứt gánh giữa đường. Người đi, kẻ ở lại là lẽ đương nhiên trong mọi cuộc chơi, nhưng đến bao giờ thì vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ.
Với đảng Dân chủ, trên danh nghĩa cũng có 3-4 ứng cử viên khác đăng ký tranh cử như chuyên gia bảo hiểm Darcy Richardson, nghệ sỹ Vermin Supreme hay doanh nhân Warren Mosler, nhưng xem ra chẳng ai địch nổi ông Obama, do vậy ngay cả tên tuổi của họ hầu như cũng không thấy xuất hiện trên báo chí.
Tổng thống Obama năm nay tái tranh cử với không ít lợi thế. Ưu thế lớn nhất là vì ông là đương kim tổng thống có "binh hùng tướng mạnh" ở khắp các địa phương. Trong 56 kỳ bầu cử tổng thống gần đây, có 31 tổng thống đương nhiệm tham gia, trong đó 21 người đắc cử nhiệm kỳ hai. Mặc dù uy tín giảm từ 79% khi lên cầm quyền xuống 40%-42% vào cuối năm 2011, nhưng tỷ lệ cử tri ủng hộ ông Obama vẫn cao hơn 2 trong số 3 tổng thống gần đây tái cử nhiệm kỳ hai là ông Ronan Reagan (34% năm 1983) và ông Bill Clinton (37% năm 1996).
Đến ngày 6/3, theo thăm dò của Real Clear Politics, tỷ lệ cử tri cả nước hài lòng với cách điều hành đất nước của ông Obama đã tăng lên mức 50%. Đây là mức ủng hộ cao nhất của người dân Mỹ dành cho ông chủ hiện tại của Nhà Trắng kể từ khi trùm khủng bố quốc tế Osama bin Laden bị tiêu diệt ngày 1/5/2011.
Theo thăm dò của NBC/WSJ, nếu cuộc bầu cử tổng thống Mỹ được tổ chức ngay vào thời điểm này, ông Obama có thể đánh bại tất cả các đối thủ đảng Cộng hòa, hạ gục ông Romney với tỷ lệ 50%-44%, thắng ông Santorum với tỷ số 53%-39%, dẫn ông Paul và ông Gingrich với các tỷ lệ tương ứng 50%-42% và 54%-37%.
Tuy nhiên, nếu vẫn dựa trên những con số, đảng Cộng hòa chưa phải đã hết hy vọng. Theo kết quả thăm dò ngày 15/2 vừa qua của Real Clear Politics, trong xã hội Mỹ hiện đang tồn tại một tâm lý tiêu cực, có thể gây trở ngại không nhỏ cho nỗ lực tái đắc cử nhiệm kỳ hai của ông Obama. Ở thời điểm hiện tại, có tới 59% người dân Mỹ nói rằng nước Mỹ đang đi chệch đường so với chỉ có 35% xác định nước Mỹ đang đi đúng hướng.
Chỉ có 44% tán thành kết quả điều hành kinh tế của ông Obama so với 50% không hài lòng. Một con số từ lịch sử bầu cử cho biết từ năm 1972 đến nay, đảng Dân chủ mới chỉ giành chiến thắng 4 trong 10 cuộc bầu cử tổng thống Mỹ./.
Rắc rối và lo âu bởi lẽ, qua 13 cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên (chưa tính các cuộc bầu cử trong ngày "Siêu Thứ Ba," cử tri đảng Cộng hòa vẫn còn băn khoăn tự hỏi "Ai hơn ai?." Danh sách ứng cử viên tổng thống 2012 của đảng "Con Voi" có tới khoảng 10 khuôn mặt.
Thế nhưng, trước khi kết thúc năm 2011 để bước vào cuộc đua, theo thăm dò của NBC/WSJ, có tới 51% xác định chất lượng ứng cử viên Cộng hòa năm 2012 chỉ ở mức trung bình và 27% xác định là yếu hơn so với các kỳ bầu cử trước. Đã có 6 chính khách "đứt gánh giữa đường" vì các lý do khác nhau và đến cuối tháng Hai vừa qua, trong khi các ứng cử viên còn lại đang quyết liệt chạy đua, giới chức lãnh đạo đảng Cộng hòa lại bí mật săn lùng một gương mặt mới mà họ cho là có đủ sức đánh bại đối thủ gần như chắc chắn của đảng Dân chủ - đương kim Tổng thống Barack Obama.
Và cho tới cuộc thăm dò ngày 27/2 vừa qua của CBS/NYT vẫn có tới 62% cử tri Cộng hòa ủng hộ tìm một chính khách khác thay thế 4 ứng cử viên còn lại gồm cựu Thống đốc Mitt Romney, cựu Thượng nghị sỹ Rick Santorum, cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich và Hạ nghị sỹ Ron Paul.
Đến ngày "Siêu thứ Ba" 6/3, theo cách gọi của người Mỹ, với ba ứng cử viên cùng thắng trong 11 cuộc bầu cử sơ bộ đồng loạt diễn ra tại 11 bang, cả người thắng nhiều và kẻ thua cuộc vẫn đều tự nhận mình là người có khả năng hơn để ngăn chặn ông Obama tái đắc cử.
Sau một loạt chiến thắng gần đây và với các kết quả không tồi trong ngày 6/3, uy tín của ông Romney đang lên với 38% ý kiến ủng hộ so với 32% dành cho ông Santorum và 13% dành cho ông Gingrich và ông Paul. Nếu so găng tay đôi giữa hai ứng cử viên hàng đầu, ông Romney dẫn ông Santorum với tỷ lệ 50%-45%. Có tới 72,8% cử tri Cộng hòa nói rằng họ sẽ hài lòng nếu ông Romney trở thành người đại diện chính thức của họ trong cuộc chạy đua chiếc ghế ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng với ông Obama.
Tuy vậy, cả giới lãnh đạo lẫn cử tri Cộng hòa chưa thể yên tâm vì với kết quả 24 cuộc bầu cử sơ bộ đã hoàn tất sau ngày 6/3, tuy đang có lợi thế, nhưng ông Romney vẫn còn phải đi một quãng đường khá xa, nếu không muốn nói là rất xa, mới tới được cái đích tối thiểu 1.144 trong tổng cộng 2.284 suất ghế đại biểu tham dự Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa vào cuối tháng Tám tới tại bang Florida để được đề cử làm ứng cử viên chính thức của đảng này tham gia cuộc bầu cử ngày 6/11 tới.
Với thực tế này, các chuyên gia cho rằng vòng bầu cử sơ bộ trong nội bộ đảng Cộng hòa có khả năng phải kéo dài tới tận ngày đại hội. Đây là một chiều hướng tiếp tục gây lo lắng cho giới lãnh đạo Cộng hòa bởi lẽ họ không những phải tiếp tục tiêu phí tiền bạc mà còn không thể sớm tập trung vào đối thủ vòng chung kết là ông Obama.
Theo kết quả thăm dò công bố ngày 6/3 của NBC /WSJ, trong số 800 cử tri Cộng hòa trên cả nước được phỏng vấn ngẫu nhiên trong các ngày 2-5/3 vừa qua, có 70% thừa nhận tiến trình bầu cử sơ bộ kéo dài đã gây tổn thương cho đảng Cộng hòa nói chung và cá nhân các ứng cử viên nói riêng. Tỷ phú Donald Trump, người hậu thuẫn ông Romney, ngày 6/3 cũng đã phải lên tiếng kêu gọi các ứng cử viên Cộng hòa "hãy ngừng sát phạt lẫn nhau để tập trung vào đối thủ chính là Barack Obama." Giới lãnh đạo và cử tri Cộng hòa còn lo lắng hơn khi kinh tế Mỹ xuất hiện những dấu hiệu tốt dần lên, khiến uy tín của Tổng thống Obama và đảng Dân chủ cũng tăng theo.
Có tới ba ứng cử viên cùng thắng, các cuộc bầu cử sơ bộ ngày 3/6 tới vẫn chưa thể trả lời được câu hỏi: Ứng cử viên Cộng hòa nào sẽ tiếp tục ở lại và có khả năng được đề cử và ai sẽ lại theo chân 6 ứng cử viên đã đứt gánh giữa đường. Người đi, kẻ ở lại là lẽ đương nhiên trong mọi cuộc chơi, nhưng đến bao giờ thì vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ.
Với đảng Dân chủ, trên danh nghĩa cũng có 3-4 ứng cử viên khác đăng ký tranh cử như chuyên gia bảo hiểm Darcy Richardson, nghệ sỹ Vermin Supreme hay doanh nhân Warren Mosler, nhưng xem ra chẳng ai địch nổi ông Obama, do vậy ngay cả tên tuổi của họ hầu như cũng không thấy xuất hiện trên báo chí.
Tổng thống Obama năm nay tái tranh cử với không ít lợi thế. Ưu thế lớn nhất là vì ông là đương kim tổng thống có "binh hùng tướng mạnh" ở khắp các địa phương. Trong 56 kỳ bầu cử tổng thống gần đây, có 31 tổng thống đương nhiệm tham gia, trong đó 21 người đắc cử nhiệm kỳ hai. Mặc dù uy tín giảm từ 79% khi lên cầm quyền xuống 40%-42% vào cuối năm 2011, nhưng tỷ lệ cử tri ủng hộ ông Obama vẫn cao hơn 2 trong số 3 tổng thống gần đây tái cử nhiệm kỳ hai là ông Ronan Reagan (34% năm 1983) và ông Bill Clinton (37% năm 1996).
Đến ngày 6/3, theo thăm dò của Real Clear Politics, tỷ lệ cử tri cả nước hài lòng với cách điều hành đất nước của ông Obama đã tăng lên mức 50%. Đây là mức ủng hộ cao nhất của người dân Mỹ dành cho ông chủ hiện tại của Nhà Trắng kể từ khi trùm khủng bố quốc tế Osama bin Laden bị tiêu diệt ngày 1/5/2011.
Theo thăm dò của NBC/WSJ, nếu cuộc bầu cử tổng thống Mỹ được tổ chức ngay vào thời điểm này, ông Obama có thể đánh bại tất cả các đối thủ đảng Cộng hòa, hạ gục ông Romney với tỷ lệ 50%-44%, thắng ông Santorum với tỷ số 53%-39%, dẫn ông Paul và ông Gingrich với các tỷ lệ tương ứng 50%-42% và 54%-37%.
Tuy nhiên, nếu vẫn dựa trên những con số, đảng Cộng hòa chưa phải đã hết hy vọng. Theo kết quả thăm dò ngày 15/2 vừa qua của Real Clear Politics, trong xã hội Mỹ hiện đang tồn tại một tâm lý tiêu cực, có thể gây trở ngại không nhỏ cho nỗ lực tái đắc cử nhiệm kỳ hai của ông Obama. Ở thời điểm hiện tại, có tới 59% người dân Mỹ nói rằng nước Mỹ đang đi chệch đường so với chỉ có 35% xác định nước Mỹ đang đi đúng hướng.
Chỉ có 44% tán thành kết quả điều hành kinh tế của ông Obama so với 50% không hài lòng. Một con số từ lịch sử bầu cử cho biết từ năm 1972 đến nay, đảng Dân chủ mới chỉ giành chiến thắng 4 trong 10 cuộc bầu cử tổng thống Mỹ./.
Thái Hùng (TTXVN)