Ngày 10/1, Bộ Ngoại giao Mỹ đã sửa đổi những khuyến cáo đối với các công dân nước mình về việc đi du lịch tới Cuba, theo đó cơ quan ngoại giao nước này khuyến nghị người dân Mỹ nên "Cân nhắc" về việc tới thăm đảo quốc này, thay cho cảnh báo "Không nên" tới Cuba mà cơ quan này từng đưa ra vào hồi tháng 9 vừa qua, với lý do có nguy cơ sẽ trở thành nạn nhân của cái gọi là "các cuộc tấn công sóng âm."
Theo phóng viên TTXVN tại Cuba, phát biểu tại một hội nghị trực tuyến diễn ra cùng ngày, Phó Thư ký Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Michele Thoren Bond cho biết việc khuyến nghị mới này không phải do thay đổi về tình hình tại Cuba, mà là vì "cần nhất quán trong vấn đề phân loại rủi ro ở các quốc gia khác nhau."
Tuyên bố trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi tại phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ, các quan chức của Bộ Ngoại giao nước này đã thừa nhận không có bằng chứng về cái gọi là "các cuộc tấn công sóng âm" có liên quan tới vấn đề sức khỏe của các nhà ngoại giao nước này tại La Habana.
Một quan chức cấp cao giấu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chính quyền của Tổng thống Donal Trump quyết định vẫn sẽ chưa đưa nhân viên của mình trở lại làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở La Habana, sau khi bản báo cáo sơ bộ của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) khẳng định không tìm ra bằng chứng về cuộc tấn công sóng âm trên.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày 10/1, một quan chức cấp cao của Canada cho biết sau 8 tháng điều tra, các điều tra viên vẫn chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến việc các nhà ngoại giao Canada và Mỹ tại Cuba gặp các vấn đề về sức khỏe.
Trao đổi về vấn đề này với báo giới, quan chức trên cho biết 27 nhân viên ngoại giao Canada và thành viên gia đình họ tại Cuba đã được tiến hành kiểm tra sức khỏe sau khi những người này khẳng định trong khoảng thời gian từ tháng 4-12/2017 rằng họ có các triệu chứng như chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, chảy máu cam và mất ngủ.
Trong số này, 8 người đã phải về Canada để điều trị, song không có ai phải nhập viện hay bị thương tổn vĩnh viễn. Ngoài ra, 3 gia đình của nhân viên ngoại đã từ chối quay lại Cuba do lo ngại về sức khỏe.
Quan chức này nhận định đây là một tình huống "độc nhất vô nhị" trên thế giới khi y học không xác định được nguyên nhân gây ra triệu chứng bất thường trên.
Tuy nhiên, ông không xác nhận việc phái bộ ngoại giao của Canada tại La Habana có bị đóng cửa hay không. Ottawa cũng cho rằng không có bất cứ nguy cơ nào đe dọa du khách Canada tại Cuba.
Cuộc điều tra trên do Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) phối hợp với giới chức Mỹ và Cuba tiến hành đã không để xác định được mối nghi ngờ của Washington về một cuộc tấn công bằng sóng âm, hay tìm ra được nguyên nhân dẫn đến những triệu chứng trên.
Các nạn nhân bị ảnh hưởng bao gồm các quan chức phụ trách về vấn đề toàn cầu, nhập cư và quốc phòng tại Đại sứ quán Canada, cũng như thân nhân của họ. Trong hai trường hợp gần đây nhất vào tháng 8-12 vào năm ngoái, các nạn nhân khẳng định họ cảm nhận được các sóng áp lực.
Không giống các nhân viên ngoại giao Mỹ, không có nhân viên ngoại giao nào của Canada nghe thấy âm thanh khả nghi nào trước khi bị các triệu chứng trên.
Giới chức Canada đang kiểm tra môi trường nước, không khí tại khu vực Đại sứ quán và nơi ở của các nhân viên tại Cuba, song các đầu mối này cũng chưa mang lại kết quả./.