Mỹ: Kiếm được hàng triệu USD nhờ gian lận tái chế rác thải

Kể từ năm 1987, chính quyền California đã có nhiều biện pháp chi trả bằng tiền mặt để hạn chế việc hơn 300 tỷ lon, chai đựng nước giải khát bị đưa vào các bãi rác chôn lấp.
Mỹ: Kiếm được hàng triệu USD nhờ gian lận tái chế rác thải ảnh 1(Nguồn: Resource-Recyling)

Cho đến khi các quan chức California, Mỹ buộc tội một gia đình 8 người vì đã gian lận trong chương trình tái chế của tiểu bang, với số tiền lên tới hàng triệu USD, nhiều người mới biết được rằng người ta có thể kiểm tiền “bẩn” nhờ những vỏ chai lọ đã qua sử dụng.

Kể từ năm 1987, chính quyền California đã có nhiều biện pháp chi trả bằng tiền mặt để hạn chế việc hơn 300 tỷ lon, chai đựng nước giải khát bị đưa vào các bãi rác chôn lấp.

Theo đó, chương trình California Redemption Value (CRV) cho phép hầu hết các chai và lon nước uống được bán trong tiểu bang đều có thêm môt khoản phụ phí từ 5 đến 10 xu, được gọi là Giá trị chuộc lại, để sau này người tiêu dùng có thể nhận lại tiền khi tái chế hộp.

[Thời trang mở ra lối sống bền vững từ các chất liệu tự nhiên, tái chế]

Tuy nhiên, những kẻ xấu đã nhanh chóng lợi dụng kẽ hở của chương trình này, vốn chỉ dựa trên các báo cáo từ những người xử lý vật liệu tái chế, để kiếm tiền một cách nhanh chóng.

Việc California có nguy cơ mất hàng chục triệu USD cho các hoạt động gian lận tái chế thật ra là một vấn đề hoàn toàn có thể lường trước được. Đặc biệt là những đối tượng lừa đảo này rất khó để có thể xác định.

Để lấy lại tiền, một người hoàn toàn có thể giao nộp một số lượng lớn vỏ chai mà không cần xác minh danh tính ngoài một tờ giấy có viết tên. Dựa trên thông tin này, các trung tâm tái chế có thể tăng số tiền thực họ thu được, hoặc thống kê con số sai lệch.

Bên cạnh đó, chương trình tái chế CRVcủa California có một lỗ hổng rất lớn. Đó là người ta không thể xác định được lon nước này ban đầu có được mua tại California hay không. Điều đó có nghĩa là bạn hoàn toàn có thể mua nước ở một bang khác, không mất phụ phí, sau đó mang vỏ lon sang California và lĩnh tiền.

Đó là cách gia đình 8 người nói trên bị cáo buộc gian lận số tiền 7 triệu USD của tiểu bang. Họ đã sử dụng những vỏ lon được lấy từ Arizona, thậm chí thu mua phế liệu từ nơi khác với số lượng lớn, sau đó mang tới California. Theo các công tố viên, hành vi này có thể cấu thành tội trộm cắp số lượng lớn và gian lận.

Trong tình huống này, quy mô lớn của vụ gian lận đã khiến các điều tra viên nghi ngờ và tiến hành tìm hiểu. Tuy nhiên, ở một số trường hợp khác, những kẻ gian lận lại bị phát hiện một cách tình cờ.

Một lần, cảnh sát đã theo dõi một chiếc xe tải từ Arizona tấp vào một trung tâm tái chế. Ngoài ra, những kẻ gian lận này còn bán các vỏ lon trên các đường phố của bang California, với lời hứa là khách hàng có thể kiếm lời từ chúng.

Một báo cáo từ năm 2014 cho thấy mỗi năm có 22 tỷ lon nước ngọt được bán ở bên ngoài tiểu bang California. Và nếu chỉ 3% trong số chúng được đưa vào chương trình tái chế của tiểu bang, nó có thể gây thiệt hại hơn 33 triệu USD.

Theo CalRecyle, cơ quan quản lý chương trình, có một cách để quản lý số lượng lon tái chế, đó là theo khối lượng. CalRecyle cho rằng không một ai có thể thu gom được 45kg đồ tái chế theo chương trình của California trong vòng 1 ngày. Theo đó, cần đảm bảo để các cá nhân không lách luật bằng cách giao rác tái chế suốt ngày, cử người khác hoặc sử dụng các phương tiện khác nhau để gao vật liệu.

Và để đối phó với quy định này, một người xử ý rác hoàn toàn có thể mua nguyên liệu từ một trung tâm tái chế, chia thành các túi nhẹ hơn quy định, sau đó phân phối đến các trung tâm khác nhau.

Tuy nhiên, việc các gian lận về tái chế này diễn ra dai dẳng và hàng ngày không chỉ là do cách quản lý lỏng lẻo của chương trình tái chế. Những người có liên quan cho rằng hiện nay, sự phẫn nộ và giận dữ của dư luận vẫn còn chưa đủ mạnh để gây sức ép lên các nhà quản lý nhằm xử lý vấn đề một cách triệt để.

Và vì còn có rất nhiều người thu lợi được từ những hoạt động gian lận này, nhiều người sẽ không sẵn sàng để thay đổi chúng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục