Ngày 28/10, một tòa phúc thẩm của Mỹ tuyên bố lệnh cấm vũ khí tấn công của bang California vẫn có hiệu lực, trong khi Tổng chưởng lý bang Rob Bonta kháng cáo quyết định của tòa án cấp thấp hơn cho rằng lệnh cấm trong vòng 30 năm này là vi hiến.
Hội đồng Thẩm phán Tòa án lưu động số 9 của Mỹ đã không công nhận tính hiệu lực của phán quyết do Thẩm phán Roger Benitez tại San Diego ban hành vào tuần trước khi vụ việc vẫn đang được xem xét.
Tòa vẫn bảo lưu hiệu lực lệnh cấm vũ khí tấn công của bang California, đồng thời trích dẫn toàn bộ kết luận của tòa trong một trường hợp tương tự cho thấy bang này "sẽ chịu thiệt hại không thể khắc phục được nếu bãi bỏ lệnh cấm."
Hội đồng Thẩm phán của Tòa lưu động cũng nhất trí sẽ nhanh chóng xem xét kháng cáo của Tổng chưởng lý Rob Bonta, trong đó ủng hộ luật cấm súng đạn.
Tổng chưởng lý Bonta đã hoan nghênh phán quyết của tòa. Ông cho rằng vũ khí tấn công không được phép hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày, đồng thời đề cập đến hậu quả vụ xả súng hàng loạt hồi đầu tuần này tại thành phố Lewiston, bang Maine, khiến 18 người thiệt mạng và 13 người bị thương.
[Tổng thống Mỹ kêu gọi cấm vũ khí tấn công sau vụ xả súng ở California]
Vào ngày 19/10 vừa qua, là người đứng về phía những người ủng hộ quyền sử dụng súng, Thẩm phán Benitez ra phán quyết cho rằng lệnh cấm vũ khí tấn công đã tước đoạt quyền sở hữu các loại súng bán tự động như AR-15 của những công dân tuân thủ luật pháp, vi phạm Tu chính án thứ hai của Hiến pháp Mỹ.
Năm 1989, California trở thành bang đầu tiên của Mỹ cấm vũ khí tấn công. Động thái này diễn ra sau vụ nổ súng tại một trường học khiến 5 học sinh thiệt mạng.
Kể từ đó, bang California đã hạn chế sản xuất, phân phối, vận chuyển, nhập khẩu, bán hoặc sở hữu các loại súng thuộc diện "vũ khí tấn công" theo quy định.
Những loại súng như vậy được định nghĩa là súng có cải tiến kết cấu nhất định có thể gây nguy hiểm cho cộng đồng và dễ bị các đối tượng xấu sử dụng cho mục đích phạm tội./.