Theo theatlantic.com, Tổng thống Joe Biden cam kết với thế giới rằng “Nước Mỹ đã trở lại,” nhưng nỗ lực của ông để giành lại vị trí lãnh đạo toàn cầu không nên đánh đổi bằng những người bạn thân thiết nhất của Mỹ.
Tại hội nghị ngoại trưởng NATO gần nửa tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã chỉ trích gay gắt nỗ lực của Đức nhằm mua thêm khí đốt tự nhiên từ Nga thông qua dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2.
Tổng thống Biden và ông Blinken cảnh báo rằng “đường ống này là một ý tưởng tồi, không tốt cho cả châu Âu và Mỹ. Cuối cùng, dự án này đi ngược lại các mục tiêu an ninh của chính Liên minh châu Âu (EU)."
Chính quyền Tổng thống Biden không chỉ tiếp tục chính sách trừng phạt của cựu Tổng thống Donald Trump đối với một đồng minh quan trọng mà còn đang xem xét các biện pháp nghiêm khắc hơn.
Tuyên bố của ông Blinken cũng phản ánh một lỗ hổng lớn trong chính sách đối ngoại thời ông Obama: trịnh thượng cho rằng các quốc gia khác không hiểu lợi ích của chính họ. Nhưng việc Mỹ tập trung vào việc dừng một dự án năng lượng quốc gia quan trọng đối với Đức càng sai lầm hơn khi mà chiến lược của chính quyền Tổng thống Biden nhằm xử lý mối lo ngại an ninh hàng đầu của Mỹ - sự trỗi dậy của Trung Quốc - lại hoàn toàn phụ thuộc ngày càng sâu sắc vào sự hợp tác của các đồng minh.
Tổng thống Biden có một lựa chọn: Liệu ông có nên ưu tiên mối lo ngại đối với Nga, một cường quốc đối thủ hay chọc tức Mỹ nhưng ít nghiêm trọng hơn (so với Trung Quốc), hay nên củng cố sự ủng hộ từ các đồng minh của Mỹ? Và chính quyền ông Biden đang đứng trước bờ vực của việc chọn sai phương án.
[Những vấn đề đe dọa mối quan hệ Mỹ-EU thời ông Joe Biden]
Sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn năng lượng của Nga là đáng kể: các nước EU nhập khẩu 30% dầu thô, 40% khí đốt tự nhiên và 42% than đá từ Nga.
Tuy nhiên, việc Mỹ phản đối dự án Dòng chảy phương Bắc 2 lại gây cảm giác bất lợi, vì sự hội nhập của thị trường khí đốt châu Âu đã làm suy yếu phần lớn khả năng của Nga trong việc hỗ trợ mạnh mẽ các nước khác bằng cách đe dọa cắt nguồn cung cấp năng lượng.
Có một số lý do khiến Tổng thống Biden phản đối dự án đường ống dẫn khí đốt này. Dự án sẽ tăng gấp đôi công suất khí đốt hiện nay từ Nga đến Đức, bỏ qua Ukraine và do đó khiến quốc gia Đông Âu này mất 3 tỷ USD tiền doanh thu vận chuyển.
Các đồng minh Trung Âu của NATO kịch liệt phản đối Dòng chảy phương Bắc 2, lo ngại sự phụ thuộc lâu dài vào Nga - và Đức không sẵn lòng đối đầu với mối đe dọa đó.
Giờ đây, Mỹ là nước xuất khẩu ròng năng lượng, có thể cung cấp một giải pháp thay thế có lợi thế về mặt thương mại: vận chuyển khí đốt hóa lỏng đến các bến cảng ở các nước Baltic và Ba Lan.
Quốc hội Mỹ cũng đang cố gắng làm suy yếu Dòng chảy phương Bắc 2 bằng cách tăng cường các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các công ty đặt đường ống hoặc cung cấp bảo hiểm hoặc chứng nhận cho việc xây dựng đường ống này.
Thượng nghị sỹ bang Texas Ted Cruz thậm chí đã đặt cược uy tín của ông khi đề cử ông Bill Burns làm Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương (CIA) vì ông này cam kết sẽ thực hiện các lệnh trừng phạt theo luật, mà tổng thống có thể khước từ.
Việc Tổng thống Biden phản đối Dòng chảy phương Bắc 2 trên nhiều phương diện là sự lặp lại lập trường của Tổng thống Ronald Reagan chống lại đường ống dẫn dầu ở Siberia mà Liên Xô và Đức đã xây dựng vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước.
Và khả năng thành công của ông Biden trong việc ngừng dự án này cũng không lớn hơn so với những nỗ lực tương tự của ông Reagan đối với dự án Siberia: Dòng chảy phương Bắc 2 đã hoàn thành 95% hạng mục và Đức đã ngoan cố phớt lờ sự phản đối của cả Mỹ và các quốc gia láng giềng Trung Âu trong suốt hơn một thập kỷ qua.
Đức, quốc gia đang ngừng sản xuất điện hạt nhân, đang rất lo ngại về nguồn cung năng lượng sẵn có và đang gấp rút tìm kiếm các nguồn carbon thấp.
Yêu cầu Chính phủ Đức hy sinh các mục tiêu trong nước sẽ là đạo đức giả, vì chính Biden cũng đã ưu tiên bảo vệ các thị trường Mỹ trong chính sách đối ngoại của ông. Biden không muốn phải trả giá chính trị cho việc khôi phục Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - một khối thương mại mà các nhóm lao động lớn của Mỹ phản đối - hoặc tập trung nỗ lực để phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển mà Mỹ đang gây áp lực buộc Trung Quốc tuân thủ.
Mỹ hy vọng các quốc gia khác sẽ đưa ra những thỏa hiệp khó khăn liên quan đến lợi ích trong nước trong khi chính Washington lại không sẵn sàng làm điều tương tự.
Tranh cãi về Dòng chảy phương Bắc 2 diễn ra khi Mỹ hối thúc châu Âu phối hợp để có cách tiếp cận phù hợp hơn đối với Trung Quốc. Trong chuyến công du châu Âu và dự hội nghị NATO, Blinken đã thể hiện rõ mong muốn của Mỹ hồi sinh các cuộc đối thoại Mỹ-EU về Trung Quốc.
Mỹ đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc thuyết phục các đồng minh không sử dụng thiết bị của Huawei trong hệ thống mạng di động 5G của họ. EU đã hưởng ứng Mỹ trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc.
Việc chính quyền Biden phản đối một thỏa thuận thương mại EU-Trung Quốc đã giúp ngăn cản việc phê chuẩn thỏa thuận. Châu Âu đang nhận ra rằng sự đàn áp của Trung Quốc ở Tân Cương là đi ngược lại các tiêu chuẩn nhân quyền của họ - và việc Bắc Kinh trả đũa bừa bãi các biện pháp trừng phạt nhẹ không phải là điềm báo tốt.
EU đang phát triển chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đức thậm chí còn cử một tàu chiến để giúp tuần tra khu vực Biển Đông. Giờ là thời điểm lý tưởng để Mỹ và các nền dân chủ châu Âu xây dựng một cách tiếp cận chung để đối phó với Trung Quốc./.