"Tối hậu thư" cho BP

Mỹ ra "tối hậu thư" cho hãng BP xử lý vụ tràn dầu

Mỹ đã ra thời hạn chót tối đa là ba ngày để Tập đoàn năng lượng khổng lồ BP trình các dự án về bít giếng dầu bị vỡ ở Vịnh Mexico.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra thời hạn chót tối đa là ba ngày để Tập đoàn năng lượng khổng lồ BP của Anh trình các dự án về bít giếng dầu bị vỡ khiến dầu thô trào ra vùng Vịnh Mexico suốt bảy tuần qua.

Chính phủ Mỹ cũng yêu cầu BP trong khoảng thời gian này cố gắng thu hồi lại khối lượng dầu tràn.

Trong thư gửi Giám đốc Điều hành BP Doug Suttles, Đô đốc James Watson phụ trách đội tuần tra bờ biển cho biết trong vòng 72 giờ kể từ khi nhận được bức thư này, BP sẽ phải trình kế hoạch liên quan đến các sáng kiến mới về xử lý vụ tràn dầu.

Trong một lá thư khác gửi Tổng Giám đốc BP Tony Hayward, Đô đốc lực lượng tuần tra bờ biển Thad Allen, người đứng đầu nỗ lực đối phó với vụ dầu loang của chính phủ liên bang, yêu cầu BP công bố các kế hoạch khắc phục sự cố tràn dầu một cách "chi tiết hơn và minh bạch hơn" để "đảm bảo rằng BP tôn trọng các cam kết dọn sạch khu vực bờ biển Đông Nam nước Mỹ." Đô đốc Allen cũng đề nghị tập đoàn dầu khí Anh hồi đáp trước các đơn đòi bồi thường mà BP nhận được cho đến nay.

Bên cạnh đó, giới chức Mỹ cũng hy vọng có thể tăng gấp đôi lượng dầu thu hồi được từ khối lượng dầu bị trào ra khỏi giếng dầu của BP và có thể tiến tới thu hồi gần như hoàn toàn lượng dầu bị thất thoát ra biển. Chiếc nắp hình phễu được đưa tới Vịnh Mexico tuần trước dùng để hút dầu tràn đã được nối với một ống thép dẫn tới một tàu chở dầu thả neo gần đó.

Đô đốc Allen cho biết trong tuần tới, BP sẽ cho gắn một thiết bị bổ sung vào chiếc phễu này để có thể thu hồi tới 28.000 thùng dầu/ngày (tương đương gần 4,5 triệu lít dầu), gần gấp đôi lượng dầu thu lại được ở thời điểm hiện tại.

Tối hậu thư mà giới chức Mỹ gửi cho BP được đưa ra trong bối cảnh các quan chức của BP và của Chính phủ Mỹ dự kiến gặp nhau để thảo luận về phản ứng của BP trước các đơn đòi bồi thường thiệt hại của các cá nhân, gia đình và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi vụ dầu loang.

Tổng thống Obama dự kiến sẽ trở lại khu vực Vịnh Mexico vào đầu tuần tới để xem xét ảnh hưởng của vụ dầu loang đối với các vùng ven biển Mississippi, Alabama và Florida. Đây là chuyến thăm thứ tư của ông Obama tới khu vực xảy ra thảm họa dầu loang kể từ sau sự cố nổ và chìm giàn khoan Deepwater Horizon tháng Tư vừa qua.

Bộ trưởng Môi trường Mỹ Ken Salazar cam đoan rằng các nỗ lực khoan giếng dầu phụ sẽ được tiếp tục "một cách chắc chắn hơn."

Cùng ngày 9/6, Ủy ban Năng lượng và Môi trường của Hạ viện Mỹ cho biết đã mời những người đứng đầu các công ty dầu khí lớn trên thế giới tham dự phiên điều trần về thảm họa thủy triều đen trước Quốc hội Mỹ vào tuần tới. Theo kế hoạch, Tổng Giám đốc BP Hayward sẽ điều trần về các nỗ lực của công ty nhằm ngăn chặn dầu rò rỉ từ một giếng dầu bị vỡ nằm cách mặt biển 1.500m.

Các ủy ban tại hai viện Quốc hội Mỹ đều có kế hoạch tổ chức các phiên điều trần về vấn đề an toàn của các giếng dầu ngoài khơi, công việc dọn sạch dầu loang và trách nhiệm pháp lý của các công ty dầu khí.

Vụ tràn dầu ở Vịnh Mexico đe dọa gây ra thảm họa sinh thái lớn ở vùng bờ biển nước Mỹ. Hơn 70 người ở bang Louisiana đã gặp vấn đề về sức khỏe liên quan đến thảm họa thủy triều đen ở Vịnh Mexico.

Giới chức y tế bang cho biết trong số những người có các triệu chứng rát họng, ho, khó thở, đau mắt, buồn nôn, đau ngực và đau đầu, có 50 người làm việc trên các giàn khoan dầu hoặc tham gia chiến dịch làm sạch môi trường ở vùng biển này. Theo báo cáo của Bộ Y tế bang Louisiana, khoảng 30 người trong số này bị ốm sau khi tiếp xúc với dầu và các hóa chất đổ xuống biển để tẩy rửa môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục