Mỹ sẽ ''buông dây cương'' chỉ huy trên Bán đảo Triều Tiên?

Tướng Mỹ về hưu Burwell Bell cảnh báo rằng Mỹ không nên cố gắng chuyển giao quyền chỉ huy thời chiến (OPCON) cho Hàn Quốc trong khi Triều Tiên vẫn sở hữu vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ngày 27/2/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ngày 27/2/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhật báo The Hankyoreh của Hàn Quốc đã đăng bài phân tích của tác giả Kim Jung-sup, Nghiên cứu viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Sejong (Hàn Quốc) với nhận định rằng nếu nước Mỹ vội vàng đưa ra quyết định chuyển giao quyền chỉ huy thời chiến (OPCON) trước sức ép của Hàn Quốc thì điều này có thể sẽ làm rạn nứt quan hệ đồng minh lâu năm giữa Washington và Seoul.

Tướng Mỹ về hưu Burwell Bell, người từng đảm nhận vai trò Tư lệnh Bộ chỉ huy liên quân Hàn-Mỹ dưới thời chính quyền Roh Moo-hyun, đã từng cảnh báo rằng Mỹ không nên cố gắng chuyển giao OPCON cho Hàn Quốc trong khi Triều Tiên vẫn sở hữu vũ khí hạt nhân.

Đó thực sự là một tuyên bố khá sốc. Tướng Burwell Bell lập luận rằng nếu việc chuyển giao OPCON được tiến hành, Mỹ có thể không còn nỗ lực hết mình vì đồng minh, trong khi Triều Tiên lại rất có thể sẽ giành chiến thắng áp đảo trước Hàn Quốc.

Theo Nhật báo The Hankyoreh, mặc dù đây chỉ là phát ngôn của một cựu chỉ huy quân đội Mỹ từng phụ trách các hoạt động trên toàn bộ Bán đảo Triều Tiên, song Hàn Quốc cũng không nên xem nhẹ điều này.

Ngay cả ở Hàn Quốc, hiện nhiều người vẫn lớn tiếng cho rằng sẽ là quá sớm để thực hiện việc chuyển giao OPCON nếu như mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên vẫn còn hiện hữu.

Trên thực tế, việc chuyển giao OPCON chỉ biểu thị sự thay đổi trong cơ cấu chỉ huy quân sự của liên minh Hàn-Mỹ. Lực lượng Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc vẫn sẽ được duy trì và Bộ chỉ huy lực lượng liên quân (CFC) Hàn-Mỹ không thay đổi.

Thay đổi quan trọng duy nhất là một tướng Hàn Quốc sẽ đảm nhận vai trò chỉ huy trưởng, trong khi một tướng Mỹ sẽ là cấp phó. Tuy nhiên, điều đó có nghĩa gì khi lại có quan điểm cho rằng Triều Tiên "cuối cùng sẽ đánh bại Hàn Quốc"?

Liệu thông điệp ở đây có phải là việc Mỹ cam kết bảo vệ Bán đảo Triều Tiên không dựa trên lợi ích quốc gia và các giá trị chung của liên quân Hàn-Mỹ mà chỉ dựa trên quốc tịch của chỉ huy CFC?

Nhật báo The Hankyoreh nhận định, trong bối cảnh cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, chính quyền tân Tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khôi phục các liên minh. Tuy nhiên, quốc gia nào sẽ tin tưởng giao vận mệnh của mình cho Mỹ nếu Washington bất ngờ từ bỏ liên minh vào thời điểm quan trọng?

Đây không chỉ là vấn đề về liên minh. Nếu Mỹ không bảo vệ được đồng minh Hàn Quốc (không có vũ khí hạt nhân) trước mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên thì khi đó toàn bộ hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu sẽ rơi vào khủng hoảng.

Hệ thống đó gắn bó chặt chẽ với chiếc ô hạt nhân: một cam kết về khả năng răn đe mở rộng do các cường quốc hạt nhân dành cho các quốc gia đồng minh.

Trên thực tế, có sự đánh đổi giữa một bên là cam kết bảo vệ các quốc gia không có vũ khí hạt nhân khỏi các mối đe dọa hạt nhân và một bên là các nước tự kiềm chế không trang bị vũ khí hạt nhân cho mình.

Chắc chắn cần phải tăng cường khả năng của quân đội Hàn Quốc để ứng phó với mối đe dọa hạt nhân. Điều này cũng sẽ giúp ích khi quân đội Hàn Quốc nắm quyền chỉ huy và chủ động thực hiện OPCON.

Tuy nhiên, về cơ bản mối đe dọa hạt nhân là thứ cần được giải quyết bằng khả năng của liên minh chứ không phải bởi quân đội Hàn Quốc.

[Ba lý do ông Joe Biden nên tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên]

Theo nghĩa đó, ứng phó với mối đe dọa hạt nhân nên được hiểu một cách chính xác là điều mà cả Hàn Quốc và Mỹ phải hợp tác với nhau trước và sau khi chuyển giao OPCON chứ không phải là một số biến số hoặc điều kiện quan trọng cho chính việc chuyển giao.

Vậy tại sao Tướng Burwell Bell lại đưa ra lập luận trên trong khi đó thực sự không chỉ là quan điểm cá nhân của một tướng về hưu? Tại sao chính phủ Mỹ tiếp tục chần chừ trong vấn đề chuyển giao OPCON và chỉ tập trung vào việc đáp ứng "các điều kiện tiên quyết?"

Mỹ sẽ ''buông dây cương'' chỉ huy trên Bán đảo Triều Tiên? ảnh 1Binh sỹ Hàn Quốc và Mỹ tham gia cuộc tập trận chung ở Pocheon, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một trong những tính toán chính có thể đơn giản là Mỹ không muốn "buông dây cương" chỉ huy trên Bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh môi trường an ninh đang liên tục thay đổi do có sự cạnh tranh với Trung Quốc cùng các yếu tố khác.

Đó cũng có thể là do Mỹ lo ngại sẽ mất kiểm soát trong trường hợp quân đội Hàn Quốc bị suy yếu vào thời điểm xảy ra khủng hoảng, chẳng hạn như một cuộc đụng xung đột cục bộ.

Điều quan trọng cần xem xét ở đây là lập trường của Mỹ về việc chuyển giao OPCON có thể thay đổi tùy theo chiến lược riêng của họ. Vào năm 2007, chính quyền Roh Moo-hyun ở Hàn Quốc và George W. Bush ở Mỹ đã đồng ý thực hiện việc chuyển giao vào tháng 4/2012.

Tuy nhiên, lúc đó chính quyền Mỹ đã tìm cách đẩy thời hạn chuyển giao lên sớm hơn. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã rơi vào tình trạng "rối như canh hẹ" khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là Donald Rumsfeld yêu cầu việc chuyển giao diễn ra trước thời hạn (vào tháng 10/2009), khẳng định sự tin tưởng của ông vào khả năng của quân đội Hàn Quốc.

Vào thời điểm đó, Mỹ đã bị sa lầy vào "cuộc chiến chống khủng bố" ở Iraq và Afghanistan nên hy vọng Lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK) - vốn đã trở thành "lực lượng cố định" - có thể được sử dụng một cách linh hoạt hơn.

Từ khía cạnh này có thể thấy vấn đề OPCON, cũng giống như các chính sách của Mỹ liên quan đến USFK và mối quan hệ đồng minh với Hàn Quốc, đều có thể thay đổi.

Ngay cả khi Hàn Quốc sẵn sàng nhường vai trò chỉ huy CFC cho Mỹ thì điều đó cũng không thể khiến Washington thuận lòng.

Đây là một lý do khác để việc chuyển giao OPCON không nên được thực hiện chỉ để thúc đẩy khả năng lập kế hoạch và tiến hành chiến tranh của quân đội Hàn Quốc cũng như củng cố khả năng phòng thủ của quân đội Hàn Quốc trên Bán đảo Triều Tiên.

Sau khi vận động với cam kết theo đuổi việc chuyển giao OPCON, cựu Tổng thống Hàn Quốc Roh Tae-woo cuối cùng đã đạt được một thỏa thuận chỉ liên quan đến việc chuyển giao quyền kiểm soát hoạt động trong thời bình.

Nhà nghiên cứu Kim Jung-sup ở Hàn Quốc đi đến kết luận rằng: "30 năm sau, những lập luận tương tự về việc 'chuyển giao quá sớm' mà chúng ta đã thấy vào những năm 1980 lại một lần nữa được chứng minh. Điều này khiến tôi nghĩ rằng có thể tới năm 2050, tức là sau 30 năm nữa, chúng ta lại có thể vẫn đổ lỗi cho cái gọi là 'môi trường an ninh nghiêm trọng' như hiện nay"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục