Mỹ sẽ đối thoại với Myanmar nhằm cải thiện quan hệ

Mỹ sẽ tiến hành đối thoại với Myanmar nhằm cải thiện quan hệ song phương, song Washington sẽ không nới lỏng trừng phạt Myanmar.  
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, ông Kurt Campbell, ngày 28/9 cho biết nước này sẽ tiến hành đối thoại với Myanmar nhằm cải thiện quan hệ song phương, song đồng thời nhấn mạnh Washington sẽ không ngay lập tức nới lỏng các biện pháp trừng phạt Myanmar.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, phát biểu với báo giới, ông Campbell nêu rõ Mỹ dự định đối thoại trực tiếp với chính quyền Myanmar để vạch lộ trình cho mối quan hệ tốt đẹp hơn sau khi lãnh đạo Myanmar quan tâm tham gia (đối thoại) với Washington.

Ông cho biết Mỹ muốn tiến hành một "tiến trình tương tác liên tục" sau những cuộc tiếp xúc rời rạc trong những năm qua.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Campbell nêu rõ ông sẽ tham dự cuộc đối thoại trên. Cũng theo ông, việc tiếp xúc trực tiếp của Mỹ với giới lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á này sẽ cho phép chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama hiểu rõ hơn mối quan hệ về quân sự giữa chính quyền Myanmar với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

Tháng trước, Thượng nghị sỹ Jim Webb của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã có chuyến đi tới Myanmar. Chính khách này đã gặp Chủ tịch Hội đồng Hòa bình và Phát triển Nhà nước Myanmar, Thống tướng Than Shwe, Thủ tướng Thein Sein, lãnh đạo của một số chính đảng, trong đó có cả thủ lĩnh phe đối lập Aung San Suu Kyi.

Phát biểu sau chuyến thăm, ông Webb bày tỏ hy vọng chuyến đi có thể đem tới một "cách tiếp cận mới" cho quan hệ Mỹ - Myanmar, kể cả việc cân nhắc lại các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ với nước này.

Liên quan các lệnh trừng phạt của phương Tây, phát biểu tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc ngày 28/9, Thủ tướng Myanmar Thein Sein nêu rõ các lệnh trừng phạt đối với nước này mang động cơ chính trị và nên bị dỡ bỏ.

Ông cho rằng một số cường quốc đã phải viện tới trừng phạt kinh tế để gây áp lực với các nước đang phát triển. Myanmar coi những lệnh trừng phạt này là bất công và cần phải dừng lại.

Mỹ và Liên minh châu Âu đã áp đặt trừng phạt Myanmar để phản đối việc nước này tiếp tục quản thúc tại gia thủ lĩnh đối lập Aung San Suu Kyi và từ chối công nhận kết quả bầu cử năm 1990./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục