Theo trang mạng cnn.com, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin ký thỏa thuận vũ khí trị giá 5 tỷ USD với Ấn Độ - một đồng minh chủ chốt của Mỹ - chỉ là thách thức công khai mới nhất của Nga đối với sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng.
Theo thỏa thuận này, Moskva sẽ cung cấp cho New Delhi hệ thống tên lửa phòng không S-400 hiện đại.
Việc Nga-Ấn ký thỏa thuận vũ khí diễn ra trong bối cảnh Lầu Năm Góc đang cố gắng định hình lại các ưu tiên quân sự của mình nhằm đối phó với những tiến bộ quân sự của cả Nga và Trung Quốc - hai nước mà Mỹ hiện coi là “những đối thủ cạnh tranh gần như ngang hàng” với quân đội Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
S-400 là một trong những hệ thống phòng không hàng đầu của Nga. Moskva cũng đang nỗ lực rao bán hệ thống này cho Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh khác của Mỹ.
Những ưu điểm vượt trội của S-400 khiến giới chỉ huy Mỹ vô cùng lo lắng. Cụ thể, S-400 được tích hợp một mạng lưới radar và hệ thống tên lửa phòng không có thể hạn chế quân đội Mỹ hoạt động tự do và không bị giới hạn.
[Ấn Độ, Nga ký thỏa thuận mua 5 hệ thống lá chắn tên lửa S-400]
Lầu Năm Góc muốn định hình lại các ưu tiên quân sự để tập trung vào Nga và Trung Quốc trên một số mặt trận.
Lầu Năm Góc dự kiến sẽ sớm đưa ra một báo cáo chiến lược quân sự mới nhất nhằm tập trung hơn nữa vào việc tái định hình các lực lượng Mỹ.
Để khẳng định cho vấn đề này, Tướng Joseph Dunford - đứng đầu Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Mỹ - cũng đưa ra các đề xuất nhằm thay đổi trọng tâm gần như duy nhất của quân đội Mỹ là chống khủng bố sang việc tập trung nhiều hơn vào các biện pháp đối phó với Nga và Trung Quốc.
Điều đó có thể khiến Mỹ nỗ lực hướng tới việc huấn luyện lực lượng phục vụ cho các cuộc xung đột vũ trang tiềm tàng hơn là cho các hoạt động chống khủng bố.
Ngoài ra, Mỹ cũng đang cân nhắc một đề xuất nhằm tăng cường các nỗ lực “phô diễn lực lượng” không quân và hải quân trên toàn thế giới nhằm chống lại Trung Quốc, và có thể cả Nga.
Một quan chức quốc phòng Mỹ đã mô tả một phần nỗ lực này như một cách “gây áp lực” cho cả hai quốc gia nói trên để họ hiểu rằng họ sẽ luôn phải đối phó với quân đội Mỹ trên toàn cầu, bất chấp những tiến bộ kỹ thuật hay các hoạt động quân sự của họ trong khu vực.
Tất cả những điều này sẽ khiến lực lượng Mỹ ở châu Phi và Trung Đông bị thu hẹp. Tuy nhiên, Tư lệnh Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ Joseph Votel khẳng định rằng điều này không gây ra vấn đề gì đối với các hoạt động của binh sỹ dưới quyền ông ở Vịnh Persian, Iraq, Syria và Afghanistan.
Ông nói: “Chúng tôi đang ở trong một kỷ nguyên mới của cuộc cạnh tranh quyền lực lớn và chúng tôi đã lên kế hoạch phù hợp.”
Việc Nga bán vũ khí cho Ấn Độ chỉ là một trong những nỗ lực của Moskva nhằm củng cố uy tín quân sự của mình và khiến Mỹ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đối phó với quân đội Nga.
Ngày càng có nhiều lo ngại rằng những cải tiến tàu ngầm của Nga sẽ khiến Mỹ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc phát hiện những tàu ngầm đang hoạt động sâu dưới biển, khiến Nga tự do hơn trong việc di chuyển ngay ngoài khơi bờ biển Mỹ.
Theo James Foggo, chỉ huy lực lượng hải quân Mỹ ở châu Âu và Lực lượng liên quân đồng minh của Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đóng tại Naples (Italy), Nga cũng đang gắn các tên lửa hành trình vào các tàu ngầm ở Địa Trung Hải mà “có thể vươn tới bất kỳ thủ đô nào của châu Âu.”
Nhắc đến những tiến bộ hải quân của Nga, Foggo nói: “Điều đó là một mối quan tâm đối với tôi, và nó cũng là mối quan tâm của các đối tác và bạn bè NATO của tôi. Vì vậy, ta luôn phải biết chúng đang ở mức độ nào.”
Foggo đang giám sát một cuộc tập trận lớn do NATO dẫn dắt ở Na Uy và các khu vực khác của Bắc Âu để phô diễn đáng kể khả năng của NATO nhằm đe dọa Nga nếu họ xâm chiếm bất kỳ nước láng giềng châu Âu nào.
["Đối đầu" quân sự giữa Nga-NATO: Vẫn chưa thấy hồi kết]
Cuộc tập trận huy động 31 quốc gia, 45.000 binh lính, 150 máy bay, 60 tàu chiến và hơn 10.000 thiết bị khác.
Tuy nhiên, Nga cũng đang tỏ ra thách thức NATO và Mỹ bằng việc ra mắt thêm một tên lửa hành trình nữa mà Mỹ từ lâu đã cho là vi phạm hiệp ước kiểm soát vũ khí.
Mỹ đã cố gắng gây áp lực buộc Nga phải từ bỏ tên lửa này, nhưng đều vô ích. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis vẫn chưa nói rõ chính quyền Trump sẽ đưa ra dụng kế hoạch gì để đối phó với tên lửa của Nga.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ trả lời ngay khi chúng tôi cho rằng đó là kế hoạch phù hợp.”
Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết những tiến bộ trong công nghệ tàu ngầm và vũ khí mới của Nga sẽ không thể ngăn cản quân đội Mỹ, song các chương trình này đang bắt đầu buộc quân đội Mỹ phải hướng sang cách đối phó với cả Nga và Trung Quốc.
Cả hai quốc gia này đều đang nghiên cứu vũ khí siêu thanh với tốc độ nhanh hơn gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Mỹ cũng đang nghiên cứu vũ khí siêu thanh, do đó, đây sẽ là một cuộc đua xem nước nào sẽ thành công trước./.