Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí triển khai lập vùng an toàn ở miền Bắc Syria

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ và người đồng cấp Mỹ nhất trí để các phái đoàn quân sự hai bên sớm gặp nhau ở Ankara và thảo luận về các giai đoạn tiếp theo trong kế hoạch lập vùng an toàn tại Syria.
Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí triển khai lập vùng an toàn ở miền Bắc Syria ảnh 1Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar (phải) và người đồng cấp Mỹ Mark Esper tại cuộc gặp ở Brussels của Bỉ ngày 26/6 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 22/8, hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu đưa tin quốc gia này và Mỹ đã nhất trí lập tức triển khai giai đoạn đầu tiên của kế hoạch thiết lập vùng an toàn ở Syria sau một cuộc điện đàm tối 21/8 vừa qua.

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Hulusi Akar và người đồng cấp Mỹ Mark Esper cũng đã nhất trí để các phái đoàn quân sự hai bên sớm gặp nhau ở Ankara và thảo luận về các giai đoạn tiếp theo trong kế hoạch thiết lập vùng an toàn tại Syria.

Ông Akar cho rằng vùng an toàn ở phía Đông sông Euphrates của Syria nên được thiết lập dựa trên lịch trình đã đề ra.

Trước đó, ông Akar cũng cho biết trung tâm vận hành chung Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đi vào hoạt động đầy đủ trong tuần này tại tỉnh Sanliurfa, gần biên giới Syria.

Ngày 7/8 vừa qua, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí thiết lập vùng an toàn và xây dựng một "hành lang hòa bình" ở miền Bắc Syria nhằm giải tỏa những lo ngại của Ankara về việc vùng lãnh thổ giáp ranh Thổ Nhĩ Kỳ này nằm trong tầm kiểm soát của Các Đơn vị bảo vệ người Kurd (YPG).

Lực lượng này được Mỹ hậu thuẫn nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại coi là một nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà Ankara liệt vào danh sách khủng bố.

Hai quốc gia này cũng khẳng định vùng an toàn sẽ đảm bảo cho việc hồi hương những người tị nạn Syria hiện đang ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa thỏa thuận được những chi tiết then chốt như quy mô vùng an toàn, cũng như cơ cấu chỉ huy lực lượng tuần tra chung tại đây.

Thỏa thuận giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng vấp phải sự phản đối kịch liệt từ Chính phủ Syria khi Damacus cho rằng thỏa thuận này vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Syria, vi phạm luật pháp quốc tế và là hành động leo thang căng thẳng nguy hiểm trong khu vực.

[Thổ Nhĩ Kỳ gia hạn thời gian cho người Syria tị nạn trái phép rời khỏi]

Trong diễn biến liên quan, ngày 22/8, Chính phủ Syria thông báo mở hành lang nhân đạo để dân thường có thể rời khu vực do phiến quân kiểm soát tại vùng Idlip, miền Tây Bắc quốc gia này.

Hãng thông tấn quốc gia Syria (SANA) cho biết chính phủ nước này đã mở hành lang nhân đạo ở Souran, vùng nông thôn phía Bắc tỉnh Hama, để sơ tán những dân thường muốn thoát khỏi khu vực do các phiến quân kiểm soát ở phía Bắc Hama và vùng nông thôn phía Nam Idlip.

Quân đội Syria, với sự hỗ trợ của Nga và Iran, đã giành lại quyền kiểm soát hầu hết các vùng lãnh thổ từ lực lượng phiến quân chống đối chính quyền.

Vùng Idlib là thành trì lớn cuối cùng của phiến quân và là khu vực có vị trí quan trọng chiến lược vì chung biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 5/8 vừa qua, quân đội Syria tuyên bố bắt đầu cuộc tấn công quân sự nhằm vào lực lượng phiến quân được nước ngoài hậu thuẫn ở khu vực này.

Đến ngày 20/8 vừa qua, các phần tử thánh chiến và phiến quân, lực lượng chống đối chính quyền Tổng thống Syria Bashar Al-Assad, đã rút khỏi thị trấn Khan Sheikhun trọng yếu ở Idlip và vùng kiểm soát cuối cùng tại tỉnh Hama.

Đây được xem là thắng lợi quan trọng của Tổng thống Assad trong việc giành lại quyền kiểm soát khu vực Tây Bắc mà phiến quân chiếm đóng ngay từ giai đoạn đầu của cuộc chiến kéo dài 8 năm qua. 

Theo Liên hợp quốc, cuộc xung đột Syria đã khiến tổng cộng hơn 370.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa kể từ khi nổ ra các cuộc biểu tình chống chính phủ vào năm 2011./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục