Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 14/2, nhiều người dân tại thành phố này đã xuống đường biểu tình phản đối nạn bạo lực phân biệt chủng tộc nhằm vào người gốc Á tại đây sau khi một phụ nữ gốc Hàn Quốc bị một kẻ lạ mặt sát hại tại căn hộ trong khu China Town của người gốc Hoa vào rạng sáng cùng ngày.
Cảnh sát đã bắt được hung thủ Assamad Nash, người da màu, 25 tuổi, ngay sau khi đối tượng sát hại cô Christina Yuna Lee, 35 tuổi.
Đây là vụ việc mới nhất trong hàng loạt vụ tấn công nhằm vào người gốc Á xảy ra tại New York trong thời gian gần đây.
Tuần trước, một quan chức của Phái bộ Hàn quốc tại Liên hợp quốc đã bị kẻ lạ hành hung phải cấp cứu khi ông đang đi trên đại lộ 5 (5th Avenue), con phố trung tâm đông đúc bậc nhất ở New York.
[Mỹ: Gia tăng số vụ phạm tội nhằm vào người châu Á ở Los Angeles]
Giữa tháng Một, một phụ nữ gốc Trung Quốc bị một người đàn ông da màu cố tình đẩy xuống đường ray khi đoàn tàu đang lao tới tại ga tàu trung tâm ngay gần Quảng trường Thời đại khiến cô thiệt mạng.
Người dân thành phố New York nói chung và cộng đồng người gốc Á nói riêng hiện đang phải sống trong cảm giác lo âu, thiếu an toàn, bởi các vụ tấn công bạo lực nhằm vào người gốc Á xảy ra thường xuyên và mỗi người đều có thể trở thành nạn nhân bất cứ lúc nào.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, anh Kuhyun Kwon, người Hàn Quốc, sinh viên Đại học Albany, New York, cho rằng đây là những vụ tấn công có chủ đích nhằm vào người gốc Á.
Theo anh, rõ ràng có một bộ phận người Mỹ kỳ thị người gốc Á và điều này cần phải được thay đổi.
Số liệu cảnh sát New York công bố cho thấy số vụ tấn công nhằm vào người gốc Á tăng mạnh từ 30 vụ trong năm 2020 lên tới 133 vụ trong năm 2021, tương đương tăng 343%.
Giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân thứ nhất dẫn tới tình trạng người gốc Á bị tấn công nhiều kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra bởi một bộ phận người Mỹ có tâm lý đổ lỗi cho người châu Á là nguồn cơn gây bùng phát đại dịch.
Nguyên nhân thứ hai là đại dịch xảy ra khiến nhiều người mất việc, mất chỗ ở, rơi vào khủng hoảng tinh thần nghiêm trọng nhưng đã không được các cơ sở y tế tâm thần giúp đỡ kịp thời bởi chính những nơi này cũng phải ngừng hoạt động vì đại dịch.
Thị trưởng thành phố New York Eric Adams và Thống đốc bang New York Kathy Hochul đã công bố các kế hoạch triển khai thêm lực lượng cảnh sát để đảm bảo an ninh cho người dân, đặc biệt là cộng đồng người gốc Á, ở các khu vực dễ xảy ra các vụ tấn công như bến xe bến tàu điện ngầm.
Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề có thể giải quyết nhanh chóng và chỉ khi đời sống của cộng đồng dân nghèo, đặc biệt là cộng đồng người da màu, được cải thiện về mọi mặt, thì những vụ việc đau lòng như vừa xảy ra mới có thể giảm bớt./.