Mỹ: Tổng thống Joe Biden ký ban hành đạo luật chi tiêu quốc phòng năm 2024

Chính quyền của Tổng thống Biden được cho là sẽ đầu tư tăng cường năng lực quân sự nhằm cạnh tranh với Trung Quốc và Nga, tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Binh sỹ Mỹ tham gia cuộc huấn luyện của NATO tại Negotino, Bắc Macedonia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Binh sỹ Mỹ tham gia cuộc huấn luyện của NATO tại Negotino, Bắc Macedonia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 22/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2024, cho phép chi tiêu quân sự ở mức kỷ lục 886 tỷ USD, đi kèm theo đó là các chính sách như viện trợ cho Ukraine.

NDAA đã được Quốc hội Mỹ thông qua vào tuần trước. Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua với 87 phiếu thuận và 13 phiếu chống, trong khi Hạ viện bỏ phiếu ủng hộ với tỷ lệ 310 phiếu thuận và 118 phiếu chống.

Đạo luật trên liên quan đến việc tăng lương cho quân nhân, mua tàu chiến và máy bay, cho đến các chính sách như hỗ trợ cho các đối tác nước ngoài. Đạo luật dài gần 3.100 trang này kêu gọi tăng lương 5,2% cho quân nhân và tăng tổng ngân sách quốc phòng thêm khoảng 3%, lên 886 tỷ USD.

NDAA năm nay cũng bao gồm việc gia hạn thêm 4 tháng cho một điều luật quy định về hệ thống giám sát điện tử ở nước ngoài đối với người nước ngoài sắp hết hạn, vốn bị các nhóm bảo mật chỉ trích mạnh mẽ.

Chương trình này cho phép các cơ quan an ninh của Mỹ thực hiện các chương trình giám sát điện tử, thông qua việc theo dõi thư điện tử email của những người không phải là công dân Mỹ ở nước ngoài mà không cần xin lệnh của tòa án.

Với việc thông qua NDAA mới, chính quyền của Tổng thống Biden được cho là sẽ đầu tư tăng cường năng lực quân sự nhằm cạnh tranh với Trung Quốc và Nga, đồng thời tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với các đồng minh như Anh và Australia.

Văn kiện này cũng bao gồm sáng kiến hỗ trợ an ninh Ukraine với các mục tiêu viện trợ đến cuối năm 2026 trong đó có việc phân bổ 300 triệu USD cho Kiev.

Tuy nhiên, con số này quá ít ỏi so với gói viện trợ 61 tỷ USD mà ông Biden từng yêu cầu Quốc hội phê duyệt - hiện vẫn chưa đạt được đồng thuận. /.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục