Mỹ-Trung sẽ bước vào cuộc Chiến tranh Lạnh về công nghệ?

Sự đối địch giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ vẫn còn đó, tuy nhiên, cả hai bên sẽ đều chịu tổn thất nếu họ “tùy hứng” bước vào con đường dẫn tới cuộc Chiến tranh Lạnh về công nghệ.
Mỹ-Trung sẽ bước vào cuộc Chiến tranh Lạnh về công nghệ? ảnh 1Xếp hàng mua điện thoại Apple ở Trung Quốc. (Nguồn: Getty Images)

Trang mạng asia.nikkei.com vừa đăng bài bình luận của James Steinberg, giáo sư chính trị học tại Đại học Syracuse và là cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ về nguy cơ đối đầu Mỹ-Trung trong lĩnh vực công nghệ.

Nội dung như sau:

Các chính khách và giới phân tích ở hai bờ Thái Bình Dương đang ngày một trở nên bi quan về quan hệ Mỹ-Trung, với nỗi lo sợ rằng hai cường quốc có thể bước vào cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Tuy nhiên, cuộc Chiến tranh Lạnh lần này không tập trung ở mặt trận hạt nhân mà là trong lĩnh vực công nghệ.

Sự bi quan này được thúc đẩy bởi một loạt mâu thuẫn ngày một trở nên nghiêm trọng - về việc Trung Quốc mở rộng hiện diện ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, các cáo buộc về tấn công mạng và hoạt động gián điệp, các tuyên bố về đánh cắp sở hữu trí tuệ và những hoạt động thương mại không công bằng, việc Trung Quốc ngược đãi những người bất đồng chính kiến và các nhóm thiểu số...

Các quan điểm cực đoan cho rằng hai cường quốc đang đứng bên bờ vực một cuộc Chiến tranh Lạnh mới chỉ mang tính cường điệu hóa.

Hiện có nhiều khác biệt quan trọng giữa mối căng thẳng Mỹ-Trung hiện nay với sự thù địch Mỹ-Xô trước kia, điều khiến chúng ta phải cẩn trọng trong việc đưa ra dự đoán tiêu cực như vậy.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy mâu thuẫn Mỹ-Trung hiện nay sẽ dẫn tới sự chia tách thế giới thành 2 khối công nghệ, mỗi bên sẽ tìm kiếm quyền tự thống trị, “tự cung tự cấp” và cố gắng hạn chế khả năng tiếp cận của phía bên kia với các bí mật công nghệ của mình.

Năm ngoái, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson cảnh báo: "Tôi nhận thấy nguy cơ xuất hiện một Bức màn Sắt kinh tế - điều sẽ khiến các bên dựng lên các bức tường mới và phá hủy nền kinh tế toàn cầu mà chúng ta từng biết tới."

Tại Trung Quốc, cách tiếp cận này được thấy rõ trong kế hoạch “Made in China 2025," một nỗ lực trên diện rộng để cung cấp sự hậu thuẫn của chính phủ cho các ngành công nghiệp chính và loại bỏ các công ty của phương Tây khỏi Trung Quốc vốn cung cấp các công nghệ mang tính cạnh tranh. Kế hoạch này kêu gọi Trung Quốc đến năm 2025 “tự cung tự cấp” tới 70% trong các ngành công nghệ cao.

[Công nghệ - mặt trận mới trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc]

Về phần mình, Chính phủ Mỹ đang bận tìm cách vừa thúc đẩy năng lực công nghệ của Mỹ và vừa ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các thành quả đổi mới của Mỹ.

Năm 2018, Lầu Năm Góc công bố kế hoạch dành thêm 2 tỷ USD để hỗ trợ nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo.

Cùng lúc đó, chính quyền đang xây dựng các “bức tường công nghệ." Các hành động mới đây của Mỹ bao gồm việc ban hành Đạo luật Hiện đại hóa Đánh giá Rủi ro Đầu tư Nước ngoài (FIRRMA) để củng cố sự giám sát của chính phủ Mỹ với các dự án đầu tư nước ngoài trong các ngành công nghệ mới liên quan đến an ninh quốc gia; lệnh cấm các công ty Mỹ dùng thiết bị của Huawei và ZTE của Trung Quốc (cả 2 công ty đang bị cáo buộc cung cấp công nghệ cấm cho Iran); và đưa 44 công ty Trung Quốc mới vào danh sách kiểm soát xuất khẩu.

Chắc chắn rằng hiện có nhiều rủi ro liên quan đến việc chuyển giao công nghệ. Cả hai bên đều nhận thức rõ về các lợi thế quân sự và kinh tế của việc giữ độc quyền các công nghệ chủ chốt. Tuy nhiên bất kỳ nỗ lực nào nhằm chia tách các hệ thống Mỹ-Trung thành hai khối đối đầu đều phải trả giá. Sự phụ thuộc lẫn nhau là chất xúc tác cho chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy hiệu quả và giảm giá thành.

Sự hợp tác quốc tế đã tạo ra các bước đột phá lớn và các trao đổi về khoa học đã tạo ra sự hiểu biết lẫn nhau lớn hơn. Sự phụ thuộc lẫn nhau có thể gây ra nhiều điểm yếu, nhưng đó là những điểm yếu chung, bởi vậy cả hai bên đều có thể bị tổn thất trong trường hợp đối đầu, điều khiến các nhà lãnh đạo né tránh xung đột khi có thể cũng như né tránh sự leo thang nguy hiểm khi xung đột xảy ra.

Ngược lại, việc chia tách có thể gây ra “cảm giác sai lầm” rằng bên này có thể áp đảo bên kia mà không gặp phải hao tổn nào, điều làm gia tăng nguy cơ rằng một cuộc xung đột nhỏ hay sự hiểu lầm có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Hơn nữa, bất kỳ nỗ lực nào nhằm xây dựng rào chắn công nghệ sẽ đều thất bại. Các nỗ lực trước đây nhằm kiểm soát công nghệ đã cho thấy việc quyết định xem công nghệ nào cần được kiểm soát, và sau đó thực thi quyết định đó, là cực kỳ khó khăn.

Đặc biệt, bởi công nghệ vốn được ứng dụng rất nhiều trong thương mại cũng như quân sự, việc kiểm soát chúng sẽ đặt ra gánh nặng lớn với cả chính phủ và khu vực tư nhân, gia tăng chi phí của các công ty và khiến đối thủ cạnh tranh có được lợi thế quan trọng tại các nước không lựa chọn hệ thống do Mỹ kiểm soát.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa Mỹ và các đối tác phải “đứng yên”. Như những gì đã thấy trong thời kỳ chạy đua hạt nhân, hiện có một số công nghệ nếu bị chia sẻ sẽ trở nên rất nguy hiểm và cần được bảo vệ trước nguy cơ bị đánh cắp hay chuyển giao.

Vai trò của chính phủ trong việc đảm bảo rằng Mỹ và các đối tác có công nghệ tối tân nhất là điều rất cần thiết, đặc biệt với các công nghệ có thể bị thị trường đánh giá thấp, mặc dù công cuộc đổi mới xuất phát từ khu vực tư nhân sang chính phủ chứ không phải chiều ngược lại.

Thay vì gây ra sức ép với các đồng minh, Mỹ nên xây dựng cơ chế hợp tác để chia sẻ thông tin và phối hợp các chiến lược giữa các nước bạn hữu.

Sự đối địch giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ vẫn còn đó. Tuy nhiên, cả hai bên sẽ đều chịu tổn thất nếu họ “tùy hứng” bước vào con đường dẫn tới cuộc Chiến tranh Lạnh về công nghệ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục