Mỹ-Trung tìm kiếm thỏa hiệp trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược mới

Quan hệ Mỹ-Trung đang ở vào giai đoạn thay đổi sâu sắc, từ 40 năm can dự mang tính chiến lược chuyển sang thực trạng mà chính quyền Washington hiện nay gọi là một thời kỳ cạnh tranh chiến lược mới.
Mỹ-Trung tìm kiếm thỏa hiệp trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược mới ảnh 1Mỹ-Trung vẫn đang đi tìm một thỏa thuận thương mại. (Nguồn: SCMP)

Quan hệ Mỹ-Trung đang ở vào giai đoạn thay đổi sâu sắc, từ 40 năm can dự mang tính chiến lược chuyển sang thực trạng mà chính quyền Washington hiện nay gọi là một thời kỳ cạnh tranh chiến lược mới. Điều này đã được nêu trong hàng loạt tài liệu và hành động của Mỹ, trong đó phải kể đến Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ công bố hồi tháng 12/2017, Chiến lược Quốc phòng Mỹ công bố tháng 1/2018 và cuộc chiến thương mại hiện nay (khai hỏa từ tháng 6/2018).

Mối quan hệ Mỹ-Trung ngày càng xấu đi được thể hiện thông qua hàng loạt đáp trả của Bắc Kinh, như hủy chiến thăm Bắc Kinh của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong tháng này, từ chối xúc tiến cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Chủ tịch Tập Cận Bình trong tháng 10/2018 và hoãn vô thời hạn Đối thoại An ninh và Ngoại giao được lên kế hoạch từ trước giữa hai nước. Ngoài ra, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giữa hai nước cũng suy giảm nhanh chóng. Đây không phải là những diễn biến vụn vặt trong mối quan hệ Mỹ-Trung.

Vì vậy, câu hỏi ở đây là ban lãnh đạo Trung Quốc nhìn nhận những thay đổi trong chiến lược của Mỹ như thế nào?

Mối quan ngại trước tiên đối với thị trường toàn cầu là triển vọng hóa giải cuộc thương chiến này. Trong khi đó, trong nhìn nhận của Trung Quốc, dường như ban lãnh đạo nước này đang phân tích theo chiều hướng rằng chính quyền Mỹ bị chia rẽ bởi 3 nhóm phái khác biệt. Thứ nhất, nhóm gồm những người đang tìm cách hoàn tất một thỏa thuận thương mại để nhanh chóng giảm thiểu mức thâm hụt thương mại song phương hiện nay trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể.

[Doanh nghiệp Mỹ “thấm đòn” từ cuộc chiến thuế quan và lãi suất tăng]

Nhóm thứ hai là những người đang tranh cãi về một thỏa thuận thương mại tự do quy mô lớn hơn với Bắc Kinh vốn có thể giải quyết những hạn chế mang tính cấu trúc trong quan hệ thương mại. Nhóm thứ ba là những người “ép” thực hiện một thỏa thuận “thặng dư thương mại” để xử lý vấn đề thâm hụt thương mại, những hạn chế về cấu trúc, thay đổi cơ chế đầu tư nước ngoài (đặc biệt về chuyển giao công nghệ và bảo vệ sở hữu trí tuệ) cũng như vai trò tương lai của chính sách công nghiệp của Trung Quốc.

Ngoài ra, cũng có những quan điểm ở Trung Quốc cho rằng một vài nhân vật ở Nhà Trắng không muốn đạt bất kỳ một thỏa thuận nào, thay vì muốn Mỹ đưa ra một chiến lược mới nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Vậy Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đối phó theo hướng nào nhất? Thật khó hình dung một viễn cảnh mà theo đó Tập Cận Bình có thể dễ dàng chấp thuận một kết cục kiểu “thặng dư thương mại” vốn là nền tảng trọng tâm trong các luồng ý kiến ở chính quyền Mỹ. Vì vậy, một chiến lược khác đối với Trung Quốc là đẩy mạnh thực hiện chủ nghĩa dân tộc để đáp trả chiến lược “kiềm chế” của Mỹ.

Khi đó, Bắc Kinh cần tiếp tục tăng cường quan hệ với Nga, cải thiện quan hệ với Ấn Độ và Nhật Bản, đồng thời tăng cường nỗ lực hợp tác với các nước thứ ba nhằm ngăn chặn sức ép của Mỹ muốn kéo các nước này ra khỏi vòng tay của Trung Quốc.

Nếu Trung Quốc chọn thương lượng, thì đó phải là cách thương lượng đi theo hướng xây dựng một thỏa thuận nào đó mà chính quyền Trump thấy chấp thuận được, nhưng không bị Bắc Kinh hoặc thế giới coi đó là làm mất thể diện của Trung Quốc trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc đem lại cho Bắc Kinh uy thế chính trị. Thế nhưng, điều này rất khó đạt được. Thực tế, nếu chính quyền Trump càng công khai nói rằng Bắc Kinh phải nhượng bộ thì càng khó có thể đạt được thỏa thuận nói trên.

Mặc dù vậy, có những dấu hiệu cho thấy cả hai bên đều cố gắng thương lượng thêm một lần nữa. Trong đó, khả năng Trump và Tập Cận Bình gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tới đây là một tiến triển tích cực.

Một thỏa thuận như trên có thể bao gồm những thỏa thuận mà hai bên đạt được hồi tháng 12/2017 về giảm thâm hụt và việc áp đặt các mức thuế quan, theo khung thời gian nhằm giải quyết những vấn đề về mặt cấu trúc. Tuy nhiên, hiện tồn tại những vấn đề chính trị đối với cả hai phía. Nếu Trump tỏ ra yếu thế sau cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra vào tháng 11 tới thì ông có nguy cơ đối mặt với quá trình luận tội, hoặc chịu tác động tiêu cực bởi cuộc điều tra của công tố viên Mueller thì những yếu tố này sẽ làm suy giảm sức mạnh và năng lực của Trump để đi đến một thỏa thuận với Bắc Kinh.

Thực ra, nhiều khả năng Trump còn muốn “mạnh tay” hơn nữa với Trung Quốc. Còn về phía Bắc Kinh, một kết quả tốt đối với phe Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ có thể tạo cho Trump năng lực chính trị đáng kể để ký kết một thỏa thuận.

Trong khi đó, bản thân Tập Cận Bình không bộc lộ dấu hiệu nào cho thấy ông bị vướng vào những vấn đề chính trị nội bộ, xét từ góc độ quyền lực mà ông nắm hiện nay. Tuy nhiên, giới chỉ trích sẽ để mắt đến từng bước đi sai lầm của Tập Cận Bình. Vì vậy, tình thế khó khăn của Tập Cận Bình sẽ là mong muốn hóa giải cuộc chiến thương mại xuất phát từ động lực tăng trưởng kinh tế trong nước, nhưng lại không muốn bị nhìn nhận là “nhún nhường" Mỹ.

Khi tính đến các yếu tố trên, hai bên nhiều khả năng sẽ ký kết một thỏa thuận hơn là không. Tuy nhiên, những khả năng bị chệch hướng do những tính toán về chính trị và chính sách là có thật. Một thỏa thuận như vậy sẽ mang tính chiến thuật hơn là chiến lược, tức “câu giờ” trong giai đoạn thương chiến, trong khi nguy cơ xảy ra một cuộc chiến kinh tế quy mô rộng lớn hơn giữa hai nước lại hiện hữu trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục