Mỹ đã khuyên Nhật Bản tham vấn Trung Quốc trước khi mua Senkaku

Mỹ từng khuyên Nhật Bản tham vấn Trung Quốc trước khi mua Senkaku

Mỹ từng hối thúc Nhật Bản tham vấn Trung Quốc trước khi mua lại quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông từ một chủ sở hữu tư nhân hồi năm 2012.
Mỹ từng khuyên Nhật Bản tham vấn Trung Quốc trước khi mua Senkaku ảnh 1Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. (Nguồn: Getty Images)

Theo một bức thư điện tử chuyển tiếp cho Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton mới công bố ngày 30/1, Mỹ từng hối thúc Nhật Bản tham vấn Trung Quốc trước khi mua lại quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông từ một chủ sở hữu tư nhân hồi năm 2012 mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.

Trong bức thư điện tử đề ngày 3/9/2012, một tuần trước khi Nhật Bản mua lại quần đảo mà Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư Đài, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương hồi đó là Kurt Campbell cho biết ông đã hối thúc Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản lúc đó là Kenichiro Sasae và Chính phủ Nhật Bản "tham vấn và thông báo Bắc Kinh về các kế hoạch của mình."

Ông khẳng định đã đề nghị Nhật Bản tham vấn trước với Bắc Kinh khi ông gặp Thứ trưởng Sasae ngày 7/8/2012 tại Tokyo. Vào thời điểm đó, Chính phủ Nhật Bản "vừa kết thúc một vòng tranh luận và hiển nhiên là các đối tác Trung Quốc rất tức giận."

Trong thông điệp gửi các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Campbell nói: "Tuy nhiên, ông Sasae tin rằng Trung Quốc trên thực tế hiểu rõ sự cần thiết của hành động này và sẽ chấp nhận chúng. (Tôi không chắc chắn lắm)."

Ngày 11/9/2012, Chính phủ Nhật Bản đã mua lại 3 trong số 5 hòn đảo chính thuộc quần đảo Senkaku từ một chủ sở hữu tư nhân, đưa nhóm đảo này nằm dưới quyền kiểm soát của Tokyo. Hành động này đã khiến Trung Quốc tức giận và bùng phát làn sóng biểu tình chống Nhật Bản tại nước này.

Bức thư điện tử với tiêu đề "cuộc điện thoại của Sasae" được viết ngay sau khi ông Sasae gọi điện thông báo với Washington ý định của Tokyo về việc đưa quần đảo này nằm dưới quyền kiểm soát của Chính phủ Nhật Bản.

Bức thư điện tử này được Bộ Ngoại giao Mỹ giải mật hôm 29/1 liên quan đến việc cựu Ngoại trưởng Clinton sử dụng thư điện tử cá nhân để xử lý công việc khi còn đương chức, vấn đề đã trở thành chủ đề nổi bật trong chiến dịch tranh cử tổng thống của bà./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục