Mỹ và Indonesia lần đầu đối thoại chính sách ngoại giao-quốc phòng

Hai bên tái khẳng định ý định của các nhà lãnh đạo trong việc nâng cấp quan hệ Mỹ-Indonesia lên Đối tác Chiến lược Toàn diện nhằm tăng cường hợp tác hơn nữa trên nhiều lĩnh vực.
Mỹ và Indonesia lần đầu đối thoại chính sách ngoại giao-quốc phòng ảnh 1Các quan chức dẫn đầu phái đoàn 2 nước tại đối thoại. (Nguồn: X)

Ngày 23/10 theo giờ địa phương, tại thủ đô Washington D.C đã diễn ra Đối thoại Chính sách Ngoại giao và Quốc phòng lần đầu tiên theo mô hình 2+2 giữa các quan chức cấp cao Mỹ và Indonesia.

Dẫn đầu phái đoàn Mỹ là Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Tiến sỹ Ely Ratner.

Dẫn đầu phái đoàn Indonesia là Vụ trưởng phụ trách các vấn đề Mỹ và châu Âu của Bộ Ngoại giao Umar Hadi và Vụ trưởng Vụ Chiến lược Quốc phòng của Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Bambang Trisnohadi.

[Mỹ và Indonesia hợp tác phát triển chương trình năng lượng hạt nhân]

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hai bên tái khẳng định ý định của các nhà lãnh đạo trong việc nâng cấp quan hệ Mỹ-Indonesia lên Đối tác Chiến lược Toàn diện nhằm tăng cường hợp tác hơn nữa trên nhiều lĩnh vực.

Trợ lý Ngoại trưởng Kritenbrink hoan nghênh cơ hội thúc đẩy các ưu tiên chung trong chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Indonesia Joko Widodo vào tháng 11

Hai bên cũng mong chờ lễ kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương vào năm 2024 và cam kết tăng cường kết nối giữa nhân dân hai nước.

Thông cáo khẳng định Mỹ công nhận vai trò lãnh đạo của Indonesia với tư cách là Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2023 và tái khẳng định đánh giá cao vai trò của Indonesia với tư cách là quốc gia điều phối quan hệ đối thoại Mỹ-ASEAN.

Các quan chức Mỹ khẳng định việc Washington tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Hai bên nhấn mạnh vai trò của ASEAN trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Phía Mỹ bày tỏ đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Indonesia trong việc xây dựng lòng tin hướng tới một giải pháp toàn diện, hòa bình và dân chủ cho cuộc khủng hoảng ở Myanmar.

Hai bên kêu gọi chính quyền quân sự có hành động cụ thể để chấm dứt ngay bạo lực và tạo môi trường thuận lợi cho việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo.

Các quan chức của cả hai nước cũng nhắc lại tầm quan trọng của việc đạt được tiến bộ trong Đồng thuận 5 điểm của ASEAN.

Cả hai nước cam kết hỗ trợ Lào trên cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2024 trong việc thu hút tất cả các bên liên quan ở Myanmar hướng tới một giải pháp toàn diện, hòa bình và dân chủ.

Hai bên nhấn mạnh hợp tác với ASEAN là trung tâm để đạt được thịnh vượng và an ninh, cả ở khu vực và toàn cầu.

Hai bên đã trao đổi quan điểm về một loạt vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu, trong đó có những diễn biến ở Trung Đông và Biển Đông.

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Ratner chúc mừng Bộ Quốc phòng Indonesia kết thúc thành công cuộc tập trận Siêu lá chắn Garuda năm 2023, vốn đã phát triển thành một trong những cuộc tập trận quân sự đa phương lớn nhất trong khu vực, với sự tham gia của Mỹ, Indonesia cùng 5 quốc gia đối tác và 11 nước quan sát viên.

Với tư cách là đối tác quân sự lớn nhất của Indonesia, Mỹ tái khẳng định cam kết hỗ trợ hiện đại hóa lực lượng quốc phòng của Indonesia.

Quan chức hai nước hoan nghênh ý định nâng cao vị thế hợp tác quốc phòng Mỹ-Indonesia.

Ngoài ra, hai bên cũng thăm dò cách thức tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh hàng hải, quân y, gìn giữ hòa bình, tìm kiếm hài cốt tù binh/người mất tích (POW/MIA) sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, cũng như diễn tập quân sự song phương và đa phương.

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) và hoan nghênh những nỗ lực nhằm kết thúc cơ bản các cuộc đàm phán IPEF về Trụ cột kinh tế sạch và Trụ cột kinh tế công bằng trong Tuần lễ các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11 tới.

Quan chức hai nước tiếp tục chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của chuỗi cung ứng an toàn, cơ sở hạ tầng xanh và thiết yếu, cũng như an ninh kinh tế khu vực, mối đe dọa do khủng hoảng khí hậu và nhu cầu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.

Các quan chức hai nước cũng thảo luận các bước tiếp theo để hiện thực hóa các sáng kiến hợp tác mới liên quan đến khoáng sản quan trọng, an ninh mạng và an ninh hàng hải, chất bán dẫn, Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) và các lò phản ứng module quy mô nhỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục