Mỹ và Triều Tiên có tiến tới ký được hợp tác hòa bình?

Đúng dịp kỷ niệm 65 năm ký Hiệp định đình chiến Triều Tiên, dư luận dấy lên đồn đoán rằng sẽ có một Hiệp ước Hòa bình sớm được ký kết, chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo này.
Mỹ và Triều Tiên có tiến tới ký được hợp tác hòa bình? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều ở Singapore ngày 12/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Mạng tin nationalinterest.org mới đây có bài phân tích của tiến sỹ Patrick M. Cronin, cố vấn cấp cao đồng thời là Giám đốc cấp cao của Chương trình an ninh châu Á-Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ Mới, trong đó nhấn mạnh rằng lịch sử đã cho thấy Bình Nhưỡng là một bên đàm phán thiên về yêu sách nên Washington cần chú ý và có kế hoạch phù hợp.

Đúng dịp kỷ niệm 65 năm ngày Mỹ, Triều Tiên và các bên liên quan ký kết Thỏa thuận đình chiến tạm dừng cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), dư luận dấy lên những đồn đoán cho rằng sẽ có một Hiệp ước Hòa bình sớm được ký kết, chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo này.

Các bên liên quan đã có những tín hiệu tốt cùng hướng tới một hiệp ước hòa bình trong tương lai. Tuy nhiên, sẽ thật là khác biệt nếu Mỹ vội vã từ bỏ các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc cũng như những đảm bảo về an ninh mà Washington đang cung cấp cho hai đồng minh khu vực (Hàn Quốc và Nhật Bản), đặc biệt trước thời điểm Bình Nhưỡng có những bước đi rõ ràng tiến tới giải giáp hạt nhân.

Hơn sáu tuần đã trôi qua kể từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore ngày 12/6, cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã khiến cộng đồng quốc tế thất vọng với những tiến triển chậm chạp đạt được sau đàm phán.

Những hình ảnh vệ tinh mới đây đã cho thấy Triều Tiên tiến hành phá hủy cơ sở phóng vệ tinh Sohae, một động thái thể hiện thiện chí phi hạt nhân hóa của chính quyền Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, những tiến triển chậm chạp đó không làm các chuyên gia Mỹ quá ngạc nhiên bởi bản thân họ cũng đã rất lo lắng khi công tác chuẩn bị cho cuộc gặp lịch sử Trump-Kim còn nhiều vấn đề chưa được kỹ lưỡng.

Cuộc gặp thượng đỉnh đã mang lại cho hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều cơ hội phá bỏ tảng băng trong quan hệ song phương để bắt đầu một giai đoạn mới nhưng không phải để giải quyết sự thù địch kéo dài nhiều thập kỷ hoặc khiến Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.

Thay vào đó, chiến lược đàm phán của Triều Tiên đúng như dự đoán từ trước là sử dụng "chiến lược câu giờ," đưa ra nhiều đòi hỏi nhưng sau đó không có hành động cụ thể. Rõ ràng Bình Nhưỡng đã trì hoãn việc trao trả hài cốt những binh sĩ Mỹ bị thiệt mạng trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên cũng chỉ để nhằm nhấn mạnh đến lễ kỷ niệm ngày ký kết thỏa thuận đình chiến mà chính quyền Kim Jong-un đang muốn được thay thế bằng một hiệp ước hòa bình.

Ngay trong nội bộ đảng Cộng hòa của ông Trump, rất nhiều người đã lo ngại rằng tổng thống sẽ tiến tới một thỏa thuận vốn được cho là "phớt lờ" lợi ích quốc gia của Mỹ. Những lo ngại này càng trở thành vấn đề "bức xúc" hơn sau tuyên bố mới đây của ông Trump rằng bản thân ông đã bác đề nghị của đội ngũ cố vấn về việc cần có khung thời gian cho vấn đề phi hạt nhân hóa. Điều đó có nghĩa rằng thay vì yêu cầu Triều Tiên có những nhượng bộ nhất định trong vòng 6 tháng tới, chính quyền Mỹ lại cho phép thực thi chính sách ngoại giao "thử nghiệm" kéo dài trong hai năm rưỡi nữa.

Tuy nhiên, ông Trump cũng đang hướng tới một sự thay đổi hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên, ông muốn "cho hòa bình một cơ hội" - như câu nói bất hủ của ca sỹ John Lennon.

["Thứ tự hành động" cho tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên]

Những tính toán chủ yếu là việc giảm bớt những gánh nặng về an ninh của Mỹ đối với bán đảo Triều Tiên sẽ cho phép Washington tập trung vào việc tăng cường tính cạnh tranh cũng như khả năng "so tài" với các cường quốc khác trên thế giới.

Hơn nữa, với một bản dự thảo về Hiệp ước Hòa bình sẵn trong tay, ông Trump có thể tiến hành chiến dịch vận động tranh cử cho nhiệm kỳ 2 (năm 2020) với tư thế hiên ngang vì đã có thành tích: chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên, xóa bỏ mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng và đồng thời đưa số binh sĩ Mỹ đang đồn trú ở Hàn Quốc về nước.

Với tình hình thực tế hiện nay, một hiệp ước hòa bình vội vã chắc chắn sẽ khiến Mỹ trở nên "yếu thế" không chỉ ở trên trường quốc tế mà cả với những lợi ích quốc gia của chính họ. Hầu hết các bên liên quan ở khu vực Đông Bắc Á đều có quan điểm khác nhau về một bán đảo Triều Tiên hòa bình và không có vũ khí hạt nhân.

Đặc biệt, Trung Quốc đang nỗ lực đẩy quân đội Mỹ ra khỏi quốc gia láng giềng của mình trong khi vẫn muốn giữ Triều Tiên như một khách hàng cấp quốc gia. Hơn nữa, với việc Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ủng hộ một bản đồ kinh tế mới cho bán đảo Triều Tiên, trong đó đề xuất phát triển cơ sở hạ tầng liên kết với miền Bắc, Bắc Kinh chắc chắn sẽ sử dụng sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của mình để cùng với Seoul tạo nên mối liên kết khu vực.

Ký ức về Thỏa thuận đình chiến năm 1953 có thể là cơ hội cho Mỹ cân nhắc những lợi ích của một hiệp ước hòa bình mà - nếu không có sự tham vấn và hợp tác thích hợp với các đồng minh của Mỹ trong khu vực - có thể gia tăng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc và "sát hạch" mối quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ.

Mỹ và Triều Tiên có tiến tới ký được hợp tác hòa bình? ảnh 2(Nguồn: Ireporterworld)

Cách thức tốt nhất để có tiến triển là theo đuổi lập trường dung hòa giữa chủ nghĩa biệt lập mà chính quyền Donald Trump đang theo đuổi và chủ nghĩa đối kháng của thời chiến tranh lạnh vốn bao trùm bán đảo Triều Tiên nhiều thập kỷ qua.

Chính quyền Mỹ cần chuẩn bị tốt để thực thi một chính sách ngoại giao theo đó nền tảng liên minh Mỹ-Hàn được duy trì mạnh mẽ và được liên tục củng cố. Điều đó có thể dẫn đến một khuôn khổ hợp tác mà cả Triều Tiên và Hàn Quốc tìm cách kết hợp phi hạt nhân hóa với sự hỗ trợ về công nghệ. Tuy nhiên, Mỹ cần thận trọng trong phối hợp với Hàn Quốc để đưa Triều Tiên trở thành đối tượng hợp tác hơn là đối thủ để đấu tranh.

Viễn cảnh hòa bình đòi hỏi phải có nhiều tầm nhìn theo đó một bán đảo Triều Tiên có sự chuyển đổi về kinh tế. Tuy nhiên, nếu có sự khác biệt về quan điểm giữa Mỹ và Hàn Quốc thì Trung Quốc chắc chắn sẽ khai thác một cách tối đa.

Đã đến lúc Mỹ không nên quá vội vã đạt được một hiệp ước hòa bình mà không đếm xỉa đến việc liệu liên minh Mỹ-Hàn có thể thích ứng với một chế độ hòa bình mới trên bán đảo này như thế nào.

Thiếu vắng sự rõ ràng trong kế hoạch này, thách thức của Trung Quốc đối với những luật lệ mà Mỹ áp đặt ở Đông Bắc Á và khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương sẽ chỉ trở nên sâu sắc hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục