Mỹ và Trung Quốc tăng cường cạnh tranh ảnh hưởng tại Nepal

Với môi trường địa chiến lược toàn cầu ngày càng tập trung vào châu Á, cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung đang ngày càng gay gắt ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Mỹ và Trung Quốc tăng cường cạnh tranh ảnh hưởng tại Nepal ảnh 1(Nguồn: invert)

Theo chuyên trang Think China của báo Liên hợp Buổi sáng, Singapore, trong khi điều cuối cùng Nepal muốn là bị cuốn vào cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, nước này đang gây chú ý với việc gần đây Quốc hội thông qua thỏa thuận giữa cơ quan viện trợ nước ngoài Millennium Challenge Corporation (MCC) của Mỹ với Nepal trị giá 500 triệu USD.

Cả Mỹ và Nepal đều phủ nhận rằng khoản tài trợ này gắn liền với Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.

Với môi trường địa chiến lược toàn cầu ngày càng tập trung vào châu Á, cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung đang ngày càng gay gắt ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Những người chơi (các nước lớn) toàn cầu đang cạnh tranh để làm cho sự hiện diện của họ được cảm nhận, đặc biệt là ở tiểu lục địa Nam Á, trong đó Ấn Độ có truyền thống là cường quốc thống trị, trong khi Trung Quốc cũng đang tranh giành vị trí này.

Mỹ xa xôi về mặt địa lý có vẻ sẽ mở rộng các lựa chọn của mình trong việc chống lại Trung Quốc, đặc biệt là bằng cách giành được sự ủng hộ của Ấn Độ đối với Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hợp tác cùng nhau với mục tiêu chung là thúc đẩy một khu vực tự do, cởi mở và bao trùm trong lĩnh vực hàng hải.

Bên cạnh các quốc gia hàng hải khác ở Nam Á, Nepal thuộc dãy Himalaya được Mỹ quan tâm trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vốn sẽ tập trung vào "mọi ngóc ngách của khu vực, từ Đông Bắc Á và Đông Nam Á đến Nam Á và châu Đại Dương, bao gồm Những hòn đảo Thái Bình Dương."

Quan hệ lịch sử

Nepal nằm ở chân núi Everest hùng vĩ và chiếm vị trí địa chiến lược quan trọng ở Nam Á. Ở phía Bắc, Nepal có đường biên giới dài 1.414 km với Trung Quốc và 1.850 km đường biên giới với Ấn Độ ở phía Đông, Tây và Nam.

Theo truyền thống, Nepal đã duy trì quan hệ chặt chẽ hơn với Ấn Độ. Trên thực tế, cho đến cuối những năm 1940, bản sắc của Nepal trên các diễn đàn quốc tế gắn chặt với bản sắc của Ấn Độ thuộc Anh.

Nhưng sau khi Ấn Độ giành độc lập vào năm 1947, Nepal đã khẳng định chủ quyền của mình và chính thức hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ và Ấn Độ vào năm 1947, và với Pháp vào năm 1949, trong đó Nepal cũng đã nộp đơn xin gia nhập Liên hợp quốc.

Nepal chỉ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc sau đó vào năm 1955. Tuy nhiên, vì Nepal có đường biên giới dài với Trung Quốc nên Trung Quốc luôn chú ý đến các động thái của Mỹ và Ấn Độ ở Nepal.

Từ những ngày đầu cho đến nay, chính sách của Mỹ đối với Nepal là xây dựng một xã hội hòa bình, thịnh vượng và dân chủ, trong khi chính sách Nepal của Trung Quốc được đặc trưng bởi 5 nguyên tắc Panchsheel với trọng tâm là tuân thủ chính sách "một Trung Quốc."

(5 nguyên tắc Panchsheel gồm tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không xâm lược lẫn nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng và cùng có lợi; cùng chung sống hòa bình).

Những hứa hẹn về BRI của Trung Quốc

Do căng thẳng giữa Ấn Độ và Nepal trong những năm gần đây, Trung Quốc đã được Chính phủ Nepal chào đón nồng nhiệt. Điều này thể hiện rõ ràng từ quyết định của Nepal trong việc ủng hộ sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) vào tháng 5/2017, mang lại cho Trung Quốc sự hiện diện mang tính biểu tượng rất cần thiết ở Nepal.

Các phương tiện truyền thông quốc tế cho rằng việc Nepal tham gia BRI là một tổn thất chiến lược đối với Ấn Độ. Trong khi Ấn Độ từ chối ký kết tham gia BRI, với lý do các vấn đề chủ quyền đối với Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), đi qua lãnh thổ tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan, thì Nepal gọi đây là một thỏa thuận lịch sử.

Với 35 dự án ban đầu được xác định trong khuôn khổ BRI, đây là một trong những hợp tác theo định hướng phát triển lớn nhất giữa Trung Quốc và Nepal trong 6 thập kỷ qua trong mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Mặc dù các phương thức tài chính của các dự án BRI không được công khai, Chính phủ Nepal đã ghi nhận công lao trong việc tái thiết quan hệ với Trung Quốc.

Viện trợ của Mỹ và Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Trong bối cảnh cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc, Mỹ đã tiếp cận Nepal với khoản tài trợ phát triển trị giá 500 triệu USD dưới sự hỗ trợ của cơ quan viện trợ nước ngoài Millennium Challenge Corporation (MCC).

MCC đã ký thỏa thuận với Nepal vào tháng 9/2017, ba tháng sau khi Nepal ký Bản ghi nhớ (MOU) về BRI với Trung Quốc.

Mỹ và Trung Quốc tăng cường cạnh tranh ảnh hưởng tại Nepal ảnh 2Người dân mua bán tại một khu chợ ở Nepal, ngày 19/1. (Nguồn: Reuters)

Theo Hiến pháp mới của Nepal, thỏa thuận với MCC cần phải được Quốc hội phê chuẩn. Với khung thời gian 5 năm được đưa ra, việc phê chuẩn đã nhanh chóng gây tranh cãi vì đây được coi là một phần của Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu.

Thỏa thuận giữa MCC và Nepal đã được chú ý kể từ ngày ký và không có điều khoản nào trong thỏa thuận đưa Nepal trở thành một bên của Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Nepal, nước đang rất cần hỗ trợ phát triển, đặc biệt là khi xem xét tác động của COVID-19 đối với nền kinh tế của mình và những thất bại trong lĩnh vực du lịch, đã coi việc phê chuẩn thỏa thuận MCC-Nepal là một bước quan trọng đối với tình trạng tài chính của nước này.

Thủ tướng Sher Bahadur Deuba đã bị phe đối lập chỉ trích nặng nề vì đã thỏa hiệp với chính sách đối ngoại của Nepal bằng cách phê chuẩn thỏa thuận MCC-Nepal.

Trong sự kiện này, thỏa thuận với MCC cuối cùng đã được phê duyệt vào ngày 27/2/2022, chỉ một ngày trước thời hạn, nhưng chỉ sau khi Tuyên bố diễn giải 12 điểm giải quyết tất cả các nghi ngờ và làm rõ liên quan đến các khoản tài trợ của MCC được đính kèm.

Chương trình do Nhà nước tài trợ (SPP) của Mỹ

Chương trình Đối tác Nhà nước của Mỹ (SPP) là một chương trình khác đang gây nhiều tranh cãi. Thông qua SPP được triển khai vào năm 1991, Mỹ tìm cách hợp tác với "các quốc gia trên thế giới để thúc đẩy khả năng tiếp cận, tăng cường khả năng quân sự, cải thiện khả năng tương tác và nâng cao các nguyên tắc quản trị có trách nhiệm."

[Lào, Bangladesh, Nepal ra khỏi danh sách các nước kém phát triển nhất]

Trong trường hợp của Nepal, Lực lượng Vệ binh Quốc gia bang Utah của Mỹ dự kiến sẽ tổ chức các cuộc tập trận quân sự với Quân đội Nepal về các mục tiêu nhân đạo và kiểm soát thảm họa, nhưng các kế hoạch này tới nay vẫn chưa được triển khai.

Ngược dòng lịch sử, Nepal đã phải hứng chịu một trận động đất kinh hoàng với cường độ 4,3 độ Richter vào tháng 4/2015. Sau đó, Nepal đã ký một số thỏa thuận với Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ để đào tạo lực lượng an ninh của mình về các chiến thuật quản lý thảm họa.

Về vấn đề đó, Nepal đã yêu cầu Mỹ huấn luyện lực lượng Nepal trong các hoạt động cứu trợ thảm họa. Do đó, một tờ thông tin về SPP của Đại sứ quán Mỹ tại Nepal nêu rõ rằng Nepal đã hai lần đề nghị "Mỹ tham gia vào SPP, lần đầu vào năm 2015 và một lần nữa vào năm 2017 và Mỹ chấp nhận yêu cầu của Nepal vào năm 2019."

Tuy nhiên, với nhiều nghi ngờ hơn là các chi tiết được công chúng biết đến, SPP đã đặt ra một số câu hỏi về ý định của Nepal trong việc đưa quân đội nước ngoài tới đất Nepal trong thời gian dài hơn, bất kể mục đích của họ là gì.

SPP nhận nhiều chỉ trích hơn sau khi được liên kết với Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu.

Quan trọng là trong khi đã làm rõ về thỏa thuận MCC, Mỹ không phủ nhận rằng SPP là một công cụ trong kế hoạch lớn hơn của Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong cùng một tờ thông tin, Đại sứ quán Mỹ tại Nepal cho biết "SPP được đề cập trong Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng báo cáo này có sau hai lần yêu cầu tham gia SPP của Nepal, bắt đầu từ năm 2015 - trước khi có Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương."

Mỹ và Trung Quốc tăng cường cạnh tranh ảnh hưởng tại Nepal ảnh 3Tướng Mỹ Charles Flynn đến Nepal tháng 6/2022. (Nguồn: thinkchina.sg)

Sau khi chính phủ hiện tại phê chuẩn MCC, Mỹ đã cử tướng Charles Flynn đến Nepal tháng 6/2022 để gặp Thủ tướng Deuba, Tư lệnh quân đội Nepal và Bộ trưởng Ngoại giao cùng một số quan chức khác.

Điều này nhằm mở đường cho chuyến thăm cấp nhà nước sắp tới của Thủ tướng Deuba. Tuy nhiên, giữa các cuộc phản đối trong chính phủ và phe đối lập, quốc hội Nepal đã quyết định loại bỏ SPP.

Các khoản vay của Trung Quốc so với các khoản viện trợ của Mỹ

Với sự phê chuẩn của MCC-Nepal, Trung Quốc và Mỹ dường như đang cạnh tranh trực tiếp với nhau ở Nepal.

Bản ghi nhớ về BRI với Nepal đã đưa Trung Quốc vào vị thế mạnh hơn so với Ấn Độ và Mỹ. Tuy nhiên, BRI vẫn tiếp tục mang tính biểu tượng, trước những cáo buộc toàn cầu về bẫy nợ. Các quan chức chính phủ và chính phủ của Nepal cũng đã nói về sở thích của họ là nhận "các khoản vay ưu đãi" và "viện trợ" cho Nepal thay vì các khoản vay lãi suất cao. Mặt khác, MCC hoàn toàn là một chương trình trợ cấp.

Trong con mắt công chúng, MCC và BRI đều vẫn còn gây tranh cãi. Tuy nhiên, Mỹ đã chứng minh ý định của mình là rõ ràng với nhiều lần làm rõ. BRI của Trung Quốc vẫn bị ảnh hưởng bởi những điều phi thực tế liên quan đến các dự án như Mạng lưới kết nối đa chiều xuyên Himalaya, nhằm xây dựng đường sắt và đường bộ xuyên qua dãy Himalaya hùng vĩ.

Mặc dù Ấn Độ tiếp tục là đối tác phát triển hàng đầu ở Nepal, cuộc cạnh tranh toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại, an ninh, không gian mạng, công nghệ... ở Nepal đã lên một tầm cao mới.

Thủy điện sẽ là vùng tranh chấp kế tiếp

Nepal có 6.000 con sông và 4 lưu vực sông chính, đó là Sapta Koshi, Sapta Gandaki, Karnali, Mahakali và Southern River. Về tổng thể, những con sông này có tiềm năng sản xuất hơn 42.000 MW năng lượng sạch.

Tiềm năng khổng lồ này sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu điện năng trong nước của Nepal mà còn đủ để xuất khẩu sang các nước láng giềng. Ví dụ, Ấn Độ đã đầu tư vào một số dự án thủy điện lớn ở Nepal. Tháng 6/2022, Nepal bắt đầu xuất khẩu điện sang Ấn Độ.

Mặt khác, Trung Quốc và Mỹ đã xác định tiềm năng thủy điện của Nepal và các khoản đầu tư lớn theo BRI và MCC cũng cam kết như vậy. Quan trọng là, một số dự án thủy điện trong khuôn khổ MCC và BRI được lên kế hoạch ở miền Nam Nepal (vùng Terai) gần biên giới mở với Ấn Độ, điều này có thể gây ra những lo ngại về an ninh cho Ấn Độ.

Trái ngược với các dự án của Trung Quốc, hỗ trợ phát triển của Mỹ trong khuôn khổ MCC nhằm cung cấp điện cho nhu cầu trong nước và giúp Nepal tạo ra doanh thu bằng cách cung cấp điện dư thừa tại các thị trường Ấn Độ.

Các chuyên gia không thấy bất an ở Ấn Độ vì có một yếu tố gắn kết giữa Mỹ, Nepal và Ấn Độ. Tuy nhiên, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Terai là cực kỳ quan trọng đối với an ninh của Ấn Độ và bản thân Nepal do Trung Quốc không cung cấp thông tin rõ ràng về tài chính trong vấn đề này.

Cuộc cạnh tranh siêu cường giữa Mỹ và Trung Quốc ở Nepal chủ yếu xoay quanh việc xây dựng không gian chiến lược mạnh mẽ, giải quyết những bất an của họ trên dãy Himalaya và tìm kiếm các cơ hội kinh doanh cũng mang tính chiến lược.

Trung Quốc có tranh chấp biên giới với Ấn Độ và cạnh tranh toàn cầu với Mỹ trong hầu hết mọi lĩnh vực.

Cần phải nhận thức rõ rằng hợp tác Mỹ-Ấn để phát triển và quan hệ đối tác chiến lược lớn hơn của họ theo cơ chế Bộ Tứ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là nhằm chống lại sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Trên hết, SPP gây tranh cãi khiến Trung Quốc bối rối khi Bắc Kinh nhìn thấy các thành viên Mỹ của Lực lượng Bảo vệ An ninh Quốc gia (NSG) trên đất ở Nepal. Bất kể ý định và mục đích của họ, Trung Quốc coi SPP là xung đột trực tiếp với lợi ích của họ ở Nepal.

Mặt khác, trong khi duy trì chính sách đối ngoại không liên kết của mình, Nepal đang định hướng lại các ưu tiên trong chính sách đối ngoại bằng cách tránh mọi sai lầm có thể cản trở lợi ích quốc gia.

Mặc dù Nepal cũng có những dè dặt tương tự về MCC, nhưng nước này đã chọn cách giải quyết thông qua đối thoại với Mỹ và xem xét các lợi ích kinh tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục