Với nhiệm vụ là cơ quan kiểm tra tài chính công của quốc gia, Kiểm toán Nhà nước đã góp phần quan trọng cùng với Chính phủ ổn định kinh tế trong năm vừa qua.
Bước sang năm 2012, Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng đã có chia sẻ với phóng viên TTXVN về những kế hoạch của ngành kiểm toán trong thời gian tới.
- Thưa ông, kết thúc năm 2011, Kiểm toán Nhà nước đã đạt được những kết quả nào ?
Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng: Trong năm 2011, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành 152 cuộc kiểm toán theo kế hoạch, đến 15/12/2011 toàn ngành đã kết thúc toàn bộ các cuộc kiểm toán tại các đơn vị.
Hiện nay, Kiểm toán Nhà nước đang tổng hợp kết quả kiểm toán, dự kiến các báo cáo sẽ phát hành trước Tết Nguyên đán theo đúng quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước. Kết quả kiểm toán được gửi đến các cơ quan chức năng có liên quan và thực hiện công khai đúng theo quy định.
Năm 2011, Kiểm toán Nhà nước cũng thực hiện nhiều biện pháp nâng cao chất lượng kiểm toán, thực hiện nhiều cuộc kiểm tra, thanh tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán, phối hợp tốt với các địa phương, bộ, ngành, các cơ quan chức năng trong thực hiện nhiệm vụ và giám sát hoạt động kiểm toán.
Tháng 10/2011, tôi cũng đã ký Chỉ thị về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ và nâng cao chất lượng của ngành kiểm toán.
Qua kiểm toán năm 2011, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị các cơ quan chức năng có liên quan hoàn thiện nhiều chế độ, chính sách để phù hợp với tình hình thực tế.
Năm 2011, Kiểm toán Nhà nước cũng thực hiện nhiều cuộc kiểm toán quan trọng, được dư luận xã hội quan tâm như kiểm toán Tập đoàn Điện lực Việt Nam, kiểm toán chuyên đề trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu giai đoạn 2009-2010, kiểm toán thực hiện một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội… và báo cáo thông tin kịp thời về kết quả kiểm toán giúp Chính phủ, Quốc hội trong công tác quản lý, điều hành, giám sát.
- Vậy trong năm 2012, Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung kiểm toán vào những lĩnh vực nào ?
Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng: Những năm gần đây, Kiểm toán Nhà nước đã từng bước thực hiện kiểm toán hoạt động, trong thời gian tới, đặc biệt là năm 2012 toàn ngành sẽ đẩy mạnh kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề theo từng lĩnh vực mà dư luận xã hội đang quan tâm, đặt trọng tâm vào lĩnh vực quản lý như xăng dầu, điện, than, đất đai, phát triển nhà và đô thị, khai thác tài nguyên, khoáng sản, giáo dục và đào tạo, môi trường, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Về quy mô, Kế hoạch kiểm toán năm 2012 không tăng so với năm 2011 để tập trung thời gian và nhân lực nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm toán, đẩy mạnh kiểm toán chuyên đề.
Ngoài kế hoạch kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản nhà nước thường xuyên hàng năm, mỗi Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành và khu vực đều thực hiện ít nhất 1 cuộc kiểm toán chuyên đề.
Đặc biệt năm 2012, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện 16 cuộc kiểm toán chuyên đề, tăng 11 chuyên đề so với năm 2011, trong đó có chuyên đề hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/ 2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ; chuyên đề quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường giai đoạn 2009-2011; chuyên đề quản lý và sử dụng đất tại một số dự án, một số địa phương; chuyên đề hỗ trợ người nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2012, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiến hành thực hiện kiểm toán với phương châm tiếp cận nhiều chiều, trên nhiều phương diện để các kết luận, kiến nghị mang tính khả thi cao, cung cấp thông tin kịp thời phục vụ quản lý, điều hành của các cơ quan chức năng, Chính phủ, Quốc hội.
Đối với những trường hợp vi phạm pháp luật có dấu hiệu tham ô, tham nhũng hoặc lãng phí cần thiết phải hoàn chỉnh bằng chứng kiểm toán để kịp thời lập và chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền.
- Để thực hiện kiểm toán tốt những lĩnh vực mà dư luận xã hội quan tâm như trên, ông đã đặt ra những yêu cầu gì để nâng cao chất lượng công tác kiểm toán ?
Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng: Mọi người đều biết sản phẩm trí tuệ cuối cùng của hoạt động kiểm toán nhà nước chính là các thông tin trong Báo cáo kiểm toán. Giá trị của Báo cáo kiểm toán đã được quy định rất rõ trong Luật Kiểm toán nhà nước. Giá trị có ý nghĩa sâu xa hơn của Báo cáo kiểm toán còn là sự thừa nhận, sự ủng hộ của xã hội đối với các kết luận và kiến nghị kiểm toán.
Báo cáo kiểm toán hàng năm muốn ghi đậm dấu ấn về hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội thì phải đảm bảo chất lượng. Chất lượng không chỉ riêng ở các kiến nghị xử lý về tài chính mà còn là những kết luận và kiến nghị xác đáng về công tác quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước tầm vĩ mô.
Muốn nâng cao chất lượng kiểm toán, theo tôi, trước hết phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên song song với việc nâng cao năng lực quản lý và điều hành của thủ trưởng đơn vị.
Kiểm toán Nhà nước sẽ tiếp tục đổi mới công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ; nâng cao hiệu quả của việc áp dụng các chuẩn mực, quy trình, phương pháp kiểm toán và đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát chất lượng kiểm toán, kiểm soát đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên; tăng cường kiểm toán tổng hợp, giảm dần kiểm toán chi tiết và tập trung thời gian kiểm toán công tác quản lý, điều hành.
Tôi cho rằng kết quả của hoạt động kiểm toán nhà nước không chỉ có tác động mạnh mẽ đến kinh tế-xã hội mà còn là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý nghiên cứu và kịp thời đề ra các giải pháp có tính khả thi và phù hợp với thực tiễn, đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
Đây là vấn đề cốt lõi nhất, mang tính bản chất của hoạt động kiểm toán nhà nước và sự khác biệt giữa Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan cùng thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra khác trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị.
Đó cũng chính là sự tin cậy và yêu cầu của Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với hoạt động kiểm toán nhà nước trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế quốc tế.
- Như vậy, Kiểm toán Nhà nước sẽ đặt phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp và văn hoá ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước lên hàng đầu ?
Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng: Luật Kiểm toán nhà nước quy định: “Kiểm toán Nhà nước là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.” Như vậy, địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước không cho phép bất cứ cán bộ, kiểm toán viên nào được “lạm quyền” và vụ lợi.
Luật quy định: “Khi có hành vi vi phạm pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”
Trong hoạt động thực tiễn, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước còn ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến chất lượng của từng cuộc kiểm toán.
Chính vì vậy, để không ngừng nâng cao chất lượng kiểm toán và giữ gìn uy tín của Kiểm toán Nhà nước, trước hết, thủ trưởng các đơn vị phải tăng cường công tác giám sát, kiểm tra chất lượng kiểm toán, kiểm soát việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên, chú trọng giữ vững đoàn kết nội bộ, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, của từng cán bộ, kiểm toán viên trong thực hiện công vụ.
Vụ Pháp chế, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ sẽ tăng cường kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra, thanh tra đột xuất.
Mỗi cán bộ, kiểm toán viên phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật kiến thức, chính sách mới trong thực tiễn, thường xuyên rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, tác phong, ứng xử với các đơn vị được kiểm toán để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Kiểm toán Nhà nước sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử. Khi đơn vị xảy ra vi phạm, cấp ủy, thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước và trước pháp luật.
Tổng Kiểm toán Nhà nước và các Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước phụ trách các đơn vị kiên quyết không vì “bệnh thành tích” mà né tránh hoặc xử lý không nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm pháp luật.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bước sang năm 2012, Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng đã có chia sẻ với phóng viên TTXVN về những kế hoạch của ngành kiểm toán trong thời gian tới.
- Thưa ông, kết thúc năm 2011, Kiểm toán Nhà nước đã đạt được những kết quả nào ?
Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng: Trong năm 2011, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành 152 cuộc kiểm toán theo kế hoạch, đến 15/12/2011 toàn ngành đã kết thúc toàn bộ các cuộc kiểm toán tại các đơn vị.
Hiện nay, Kiểm toán Nhà nước đang tổng hợp kết quả kiểm toán, dự kiến các báo cáo sẽ phát hành trước Tết Nguyên đán theo đúng quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước. Kết quả kiểm toán được gửi đến các cơ quan chức năng có liên quan và thực hiện công khai đúng theo quy định.
Năm 2011, Kiểm toán Nhà nước cũng thực hiện nhiều biện pháp nâng cao chất lượng kiểm toán, thực hiện nhiều cuộc kiểm tra, thanh tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán, phối hợp tốt với các địa phương, bộ, ngành, các cơ quan chức năng trong thực hiện nhiệm vụ và giám sát hoạt động kiểm toán.
Tháng 10/2011, tôi cũng đã ký Chỉ thị về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ và nâng cao chất lượng của ngành kiểm toán.
Qua kiểm toán năm 2011, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị các cơ quan chức năng có liên quan hoàn thiện nhiều chế độ, chính sách để phù hợp với tình hình thực tế.
Năm 2011, Kiểm toán Nhà nước cũng thực hiện nhiều cuộc kiểm toán quan trọng, được dư luận xã hội quan tâm như kiểm toán Tập đoàn Điện lực Việt Nam, kiểm toán chuyên đề trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu giai đoạn 2009-2010, kiểm toán thực hiện một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội… và báo cáo thông tin kịp thời về kết quả kiểm toán giúp Chính phủ, Quốc hội trong công tác quản lý, điều hành, giám sát.
- Vậy trong năm 2012, Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung kiểm toán vào những lĩnh vực nào ?
Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng: Những năm gần đây, Kiểm toán Nhà nước đã từng bước thực hiện kiểm toán hoạt động, trong thời gian tới, đặc biệt là năm 2012 toàn ngành sẽ đẩy mạnh kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề theo từng lĩnh vực mà dư luận xã hội đang quan tâm, đặt trọng tâm vào lĩnh vực quản lý như xăng dầu, điện, than, đất đai, phát triển nhà và đô thị, khai thác tài nguyên, khoáng sản, giáo dục và đào tạo, môi trường, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Về quy mô, Kế hoạch kiểm toán năm 2012 không tăng so với năm 2011 để tập trung thời gian và nhân lực nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm toán, đẩy mạnh kiểm toán chuyên đề.
Ngoài kế hoạch kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản nhà nước thường xuyên hàng năm, mỗi Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành và khu vực đều thực hiện ít nhất 1 cuộc kiểm toán chuyên đề.
Đặc biệt năm 2012, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện 16 cuộc kiểm toán chuyên đề, tăng 11 chuyên đề so với năm 2011, trong đó có chuyên đề hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/ 2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ; chuyên đề quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường giai đoạn 2009-2011; chuyên đề quản lý và sử dụng đất tại một số dự án, một số địa phương; chuyên đề hỗ trợ người nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2012, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiến hành thực hiện kiểm toán với phương châm tiếp cận nhiều chiều, trên nhiều phương diện để các kết luận, kiến nghị mang tính khả thi cao, cung cấp thông tin kịp thời phục vụ quản lý, điều hành của các cơ quan chức năng, Chính phủ, Quốc hội.
Đối với những trường hợp vi phạm pháp luật có dấu hiệu tham ô, tham nhũng hoặc lãng phí cần thiết phải hoàn chỉnh bằng chứng kiểm toán để kịp thời lập và chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền.
- Để thực hiện kiểm toán tốt những lĩnh vực mà dư luận xã hội quan tâm như trên, ông đã đặt ra những yêu cầu gì để nâng cao chất lượng công tác kiểm toán ?
Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng: Mọi người đều biết sản phẩm trí tuệ cuối cùng của hoạt động kiểm toán nhà nước chính là các thông tin trong Báo cáo kiểm toán. Giá trị của Báo cáo kiểm toán đã được quy định rất rõ trong Luật Kiểm toán nhà nước. Giá trị có ý nghĩa sâu xa hơn của Báo cáo kiểm toán còn là sự thừa nhận, sự ủng hộ của xã hội đối với các kết luận và kiến nghị kiểm toán.
Báo cáo kiểm toán hàng năm muốn ghi đậm dấu ấn về hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội thì phải đảm bảo chất lượng. Chất lượng không chỉ riêng ở các kiến nghị xử lý về tài chính mà còn là những kết luận và kiến nghị xác đáng về công tác quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước tầm vĩ mô.
Muốn nâng cao chất lượng kiểm toán, theo tôi, trước hết phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên song song với việc nâng cao năng lực quản lý và điều hành của thủ trưởng đơn vị.
Kiểm toán Nhà nước sẽ tiếp tục đổi mới công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ; nâng cao hiệu quả của việc áp dụng các chuẩn mực, quy trình, phương pháp kiểm toán và đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát chất lượng kiểm toán, kiểm soát đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên; tăng cường kiểm toán tổng hợp, giảm dần kiểm toán chi tiết và tập trung thời gian kiểm toán công tác quản lý, điều hành.
Tôi cho rằng kết quả của hoạt động kiểm toán nhà nước không chỉ có tác động mạnh mẽ đến kinh tế-xã hội mà còn là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý nghiên cứu và kịp thời đề ra các giải pháp có tính khả thi và phù hợp với thực tiễn, đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
Đây là vấn đề cốt lõi nhất, mang tính bản chất của hoạt động kiểm toán nhà nước và sự khác biệt giữa Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan cùng thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra khác trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị.
Đó cũng chính là sự tin cậy và yêu cầu của Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với hoạt động kiểm toán nhà nước trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế quốc tế.
- Như vậy, Kiểm toán Nhà nước sẽ đặt phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp và văn hoá ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước lên hàng đầu ?
Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng: Luật Kiểm toán nhà nước quy định: “Kiểm toán Nhà nước là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.” Như vậy, địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước không cho phép bất cứ cán bộ, kiểm toán viên nào được “lạm quyền” và vụ lợi.
Luật quy định: “Khi có hành vi vi phạm pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”
Trong hoạt động thực tiễn, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước còn ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến chất lượng của từng cuộc kiểm toán.
Chính vì vậy, để không ngừng nâng cao chất lượng kiểm toán và giữ gìn uy tín của Kiểm toán Nhà nước, trước hết, thủ trưởng các đơn vị phải tăng cường công tác giám sát, kiểm tra chất lượng kiểm toán, kiểm soát việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên, chú trọng giữ vững đoàn kết nội bộ, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, của từng cán bộ, kiểm toán viên trong thực hiện công vụ.
Vụ Pháp chế, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ sẽ tăng cường kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra, thanh tra đột xuất.
Mỗi cán bộ, kiểm toán viên phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật kiến thức, chính sách mới trong thực tiễn, thường xuyên rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, tác phong, ứng xử với các đơn vị được kiểm toán để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Kiểm toán Nhà nước sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử. Khi đơn vị xảy ra vi phạm, cấp ủy, thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước và trước pháp luật.
Tổng Kiểm toán Nhà nước và các Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước phụ trách các đơn vị kiên quyết không vì “bệnh thành tích” mà né tránh hoặc xử lý không nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm pháp luật.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thùy Dương (TTXVN/Vietnam+)