Năm 2016: Cánh tả Mỹ Latinh trước yêu cầu đổi mới để tiến lên

Cánh tả tại Mỹ Latinh hay bất kỳ một phong trào tiến bộ nào trên thế giới đều có cao trào và thoái trào. Tuy nhiên, điều then chốt đó là cần phải cập nhật, đổi mới để tiếp tục tiến lên.
Năm 2016: Cánh tả Mỹ Latinh trước yêu cầu đổi mới để tiến lên ảnh 1(Nguồn: Getty Images)

Như một quy luật của cuộc sống, cánh tả tại Mỹ Latinh hay bất kỳ một phong trào tiến bộ nào trên thế giới đều có cao trào và thoái trào. Tuy nhiên, điều then chốt đó là cần phải cập nhật, đổi mới để tiếp tục tiến lên.

Năm 2016 sắp qua chứng kiến nhiều thay đổi trong phong trào cánh tả của khu vực, đặt ra nhu cầu cấp thiết thay đổi để phát triển. 

Thời kỳ hoàng kim

Nói tới cánh tả Mỹ Latinh không thể phủ nhận vai trò lãnh tụ về mặt tinh thần và lý tưởng của Cách mạng Cuba. Sự thành công của Cách mạng Cuba, dưới sự lãnh đạo của cố Tổng Tư lệnh Fidel Castro, vào năm 1959, đã thay đổi lịch sử Mỹ Latinh, tạo sức lan tỏa và ảnh hưởng sâu rộng trên toàn khu vực.

Cách mạng Cuba tạo tiền đề cho phong trào tiến bộ đấu tranh chống lại các chế độ độc tài và dẫn tới thành công của các cuộc cách mạng ở Nicaragua, El Salvador, Guatemala, Colombia, Chile, Uruguay và Argentina.

Đỉnh điểm cao trào của cánh tả Mỹ Latinh bắt đầu vào năm 1999, khi cố Tổng thống Hugo Chavez, lãnh đạo Venezuela, cùng với đó là hàng loạt các đảng cánh tả trong khu vực đều nắm quyền như ở Brazil, Argentina, Uruguay, Bolivia, Ecuador.

Liên minh Bolivar cho các dân tộc châu Mỹ (ALBA, gồm Antigua và Barbuda, Bolivia, Cuba, Dominica, Ecuador, Nicaragua, Saint Vincent và Grenadines và Venezuela), dựa trên ý tưởng về việc hội nhập kinh tế, chính trị và xã hội của các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe, đã được thành lập vào năm 2004.

ALBA đấu tranh vì người nghèo, công bằng xã hội, hướng tới sự thịnh vượng trên tinh thần của Cách mạng Cuba và sự ủng hộ về mặt kinh tế của Venezuela. Các phong trào, chính phủ cánh tả tại Mỹ Latinh đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ về vật chất của Venezuela, dưới thời cố Tổng thống Hugo Chavez.

Trong gần 2 thập kỷ qua, cánh tả Mỹ Latinh đã đạt nhiều thành tựu vượt bậc trong cuộc chiến chống đói nghèo và bất bình đẳng xã hội. Khu vực đã trải qua một cuộc chuyển đổi trên tất cả các lĩnh vực từ năm 2002 đến 2014, khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng mạnh và tỷ lệ người nghèo giảm xuống 11%.

Lợi ích từ tăng trưởng kinh tế từ đầu những năm 2000 và những chính sách xã hội ư tiên cho người nghèo đã giúp hơn 72 triệu người tại khu vực đã thoát khỏi tình trạng đói nghèo và 94 triệu người đã gia nhập tầng lớp trung lưu với tăng trưởng kinh tế và hội nhập xã hội cao.

Tuy nhiên, việc phân bổ lợi ích không đồng đều giữa các nhóm tuổi và các cộng đồng dân cư bản địa đã dẫn đến sự bất bình đẳng cao trong khu vực, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn. 

Nhu cầu thay đổi

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã tác động mạnh tới kinh tế của Mỹ Latinh, khu vực phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu nguyên liệu. Kinh tế thế giới suy giảm dẫn tới nhu cầu về nguyên liệu giảm theo. Điều này khiến giá nguyên liệu giảm và ảnh hưởng tới nguồn thu trực tiếp của các quốc gia trong khu vực, đặc biệt đối với các các chính phủ cánh tả khi đang triển khai hàng loạt các dự án, chương trình phúc lợi xã hội cho người nghèo.

Ngoài ra, khả năng điều hành và quản lý yếu kém đã kéo theo tình trạng tham nhũng tràn lan. Chính sách tiền tệ kém hiệu quả khiến lạm phát tăng mạnh, cùng với đó là yếu tố tác động bên ngoài, sự trỗi dậy của cánh hữu, chủ nghĩa bảo thủ đã phần nào làm suy giảm lòng tin của người dân.

Nhiều nhà phân tích nhận định các lực lượng cánh tả Mỹ Latinh đang rơi vào khủng hoảng, với thắng lợi của phe cánh hữu tại Argentina (năm 2015), Tổng thống Brazil Dilma Rousseff bị phế truất, khủng hoảng chính trị tại Venezuela, tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Chile Michelle Bachelet giảm mạnh, Tổng thống Ecuador Rafael Correa không tái tranh cử, Tổng thống Bolivia Evo Morales thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 2 vừa qua để sửa đổi Hiến pháp cho phép tái tranh cử vào năm 2019... 

Năm 2016: Cánh tả Mỹ Latinh trước yêu cầu đổi mới để tiến lên ảnh 2Tổng thống Brazil Dilma Rousseff bị phế truất. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Khủng hoảng của cánh tả Mỹ Latinh hiện tại đều có nhiều biểu hiện chung và đặc điểm cụ thể của mỗi nước. Đơn cử, kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu nguyên liệu, không đa dạng hóa thị trường và hàng hóa, thiếu tích lũy và không có khả năng để chống lại sức mạnh của độc quyền tư nhân trong hệ thống truyền thông, mặc dù tại nhiều nước đã ban hành luật và các biện pháp cụ thể.

Trong mỗi quốc gia, trong mỗi cuộc khủng hoảng, các chính quyền đều phải đối mặt với sức mạnh của phương tiện truyền thông. Các phương tiện truyền thông, được phe đối lập hậu thuẫn, đã thông tin phiến diện, thiếu trung thực về các vấn đề xã hội.

Cụ thể là tìm mọi cách che đậy sự tiến bộ xã hội, phớt lờ những mặt tích cực mà chính quyền làm được, chỉ tập trung bới móc những khía cạnh tiêu cực, chỉ trích những vấn đề tồn tại, thậm chí bóp méo, tuyên truyền sai lệch, xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh của các nhà lãnh đạo, nhằm mục đích gây mất lòng tin của người dân.

Từ thực tế này, giới chuyên gia nhận định các chính quyền cánh tả Mỹ Latinh cần xây dựng một dự án chiến lược cho khu vực, không chỉ để vượt qua chủ nghĩa tự do mới và sức mạnh của tiền bạc, mà còn để xây dựng xã hội công bằng, hữu nghị, có chủ quyền, tự do và loại bỏ tất cả các hình thức bóc lột, thống trị và áp bức.

Trong bối cảnh hiện tại, để tiến bước và bảo vệ những thành quả của mình, điều các chính phủ cánh tả không thể không chú trọng thực thi là đề cao tinh thần đoàn kết, đổi mới toàn diện về cả kinh tế, chính trị và xã hội, cũng như có một chiến lược, đường lối phát triển dài hạn.

Năm 2017, với dự báo kinh tế Mỹ Latinh phục hồi và tăng trưởng trở lại sau 2 năm suy thoái, sẽ là một năm then chốt để các phong trào, các đảng và chính phủ cánh tả trong khu vực đoàn kết, cải tổ sâu rộng, lấy lại niềm tin của người dân, hướng tới thắng lợi tại các cuộc tổng tuyển cử nhiệm kỳ mới, như ở Ecuador (2017), Brazil, Mexico, Venezuela vào năm 2018 và thắng lợi của Tổng thống Bolivia Evo Morales trong cuộc trưng cầu dân ý lần 2, cũng như củng cố những thành quả của cánh tả tại El Salvador và Nicaragua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục