Nam Á có thể dẫn đầu về an ninh năng lượng

Theo LHQ và cơ quan năng lượng khu vực, với tiềm lực năng lượng tái sinh lớn, Nam Á có thể dẫn đầu thế giới về an ninh năng lượng.
Các nghiên cứu của Liên hợp quốc và các cơ quan năng lượng khu vực ngày 7/1, cho biết với tiềm lực năng lượng tái sinh lớn, khu vực Nam Á có thể dẫn đầu thế giới về đảm bảo an ninh năng lượng.

Theo kết quả nghiên cứu của Công ty tư vấn và năng lượng quốc tế Sunil Ghose, các nguồn năng lượng tái sinh như gió, Mặt Trời, bioga quá dư thừa ở khu vực Nam Á nếu được khai thác thích hợp có thể cung cấp phần lớn nhu cầu năng lượng cho cả khu vực này và vùng lân cận.

Hiệp hội năng lượng gió (IWEA) và Chương trình năng lượng Mặt Trời của Ấn Độ cho biết tiềm năng nguồn năng lượng gió ở vùng biển có thể khai thác lên tới 65.000MW và nguồn năng lượng Mặt Trời có thể khai thác vào năm 2022 lên tới 20.000MW. Năng lượng gió có thể cung cấp 30% nhu cầu năng lượng của Ấn Độ và Pakistan.

Ông Ramesh Mehta, Giám đốc Tổ chức quốc tế Hành động viện trợ chống đói nghèo, nhấn mạnh lựa chọn tốt nhất và khả thi đối với các nước Nam Á là năng lượng Mặt Trời. Với 300 ngày nắng nóng mỗi năm, hầu hết các nước khu vực Nam Á đều có tiềm lực lớn về năng lượng Mặt Trời.

Banglades đặt mục tiêu khai thác năng lượng Mặt Trời đáp ứng ít nhất 10% nhu cầu năng lượng của nước này. Ông Richard Taylor, Giám đốc chấp hành Hiệp hội thủy điện quốc tế (IHA) nêu rõ hầu hết tiềm lực thủy điện thế giới là ở châu Á trong đó phần lớn là tại Nam Á. Tiềm năng thủy điện ở Butan tuy nhỏ nhưng cũng đạt tới 30.000MW.

Các nước Nam Á hy vọng khai thác nguồn năng lượng tái sinh khổng lồ của khu vực để cung cấp điện cho nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, các nhà kinh tế và các nhà khoa học nêu rõ khai thác các nguồn năng lượng này đòi hỏi nguồn vốn lớn và công nghệ cao của các nước phát triển mà các nước Nam Á không có.

Liên hợp quốc và các tổ chức năng lượng tái sinh quốc tế kêu gọi các nước phát triển đầu tư vào các dự án trong lĩnh vực này./

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục