Đào tạo nhân lực cao cấp

Năm nay, đưa 85.000 lao động đi làm ở nước ngoài

Với mục tiêu đưa 85.000 lao động làm việc tại nước ngoài năm 2013, Việt Nam sẽ chú trọng khâu tạo nguồn lao động chất lượng cao.
Ngày 25/1, tại Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Lê Văn Thanh đã trả lời phỏng vấn của các phóng viên thông tấn, báo chí về kế hoạch xuất khẩu lao động đi làm việc tại nước ngoài trong năm 2013.

-Xin Phó Cục trưởng cho biết một số nét cơ bản về kết quả công tác đưa lao động ra ngoài nước năm 2012?
 
Ông Lê Văn Thanh: Trong năm 2012, chúng ta đã xuất khẩu được 80.000 lao động, đạt 88,9% kế hoạch. Tuy không đạt kế hoạch, nhưng cũng là kết quả tích cực trong điều kiện kinh tế thế giới khôi phục chậm, tỷ lệ thất nghiệp ở các nước tiếp nhận lao động tăng cao. Do chủ động dự báo tình hình, ngay từ đầu năm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm ổn định và giữ vững thị phần.
 
Nhờ đó, một số thị trường truyền thống vẫn được duy trì và phát triển, tiếp nhận một số lượng lớn lao động Việt Nam, như: Đài Loan 30.533 người; Nhật Bản 8.775 người; Hàn Quốc 9.228 người; Malayxia 9.298 người; Macau 2.304 người; Arập Xêút 2.360 người; UAE 1.731 người; Síp 1669 người…; đưa trở lại thị trường Libya 615 người.

Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tuy gặp nhiều khó khăn nhưng đã chủ động cơ cấu lại hoạt động, cơ cấu lại thị trường, tập trung vào các thị trường có thế mạnh; tăng cường công tác đào tạo người lao động đi làm việc ở nước ngoài, chú trọng bồi dưỡng kiến thức cần thiết về phong tục, tập quán, pháp luật Việt Nam và các nước tiếp nhận để nâng cao chất lượng lao động; liên kết với các cơ sở dạy nghề để đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu của thị trường…
 
 -Xin ông cho biết những định hướng chính của Cục Quản lý Lao động ngoài nước trong việc xuất khẩu lao động trong năm 2013?
 
Ông Lê Văn Thanh: Với mục tiêu đưa 85.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài, trong năm 2013, Cục Quản lý Lao động ngoài nước sẽ tập trung vào việc củng cố các thị trường truyền thống, bên cạnh đó, nghiên cứu khai thác thị trường mới, thị trường các nước thuộc khối OECD; chú trọng tạo nguồn lao động có chất lượng, tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động; chấn chỉnh việc thu phí cao, giám sát hoạt động đào tạo nhằm đảm bảo tất cả người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài đều được tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức cần thiết về ngoại ngữ, phong tục, tập quán, pháp luật của nước tiếp nhận lao động.

Cục Quản lý lao động ngoài nước chủ trương minh bạch các thông tin tuyển dụng về công việc, tiền lương, điều kiện hợp đồng lao động; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm, ý thức tuân thủ pháp luật cho người lao động khi muốn đi làm việc ở nước ngoài; công bố các địa chỉ tin cậy đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài hợp pháp; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan kịp thời phát hiện và xử lý những tiêu cực, lừa đảo trong hoạt động xuất khẩu lao động…
 
 -Những thị trường nào có nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam sang làm việc trong năm 2013, thưa ông?
 
Ông Lê Văn Thanh: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng chiến lược về xuất khẩu lao động, xây dựng thị trường trọng điểm, quảng bá hình ảnh lao động Việt Nam ở nước ngoài, với mục tiêu mỗi năm đưa trên 100.000 lao động đi làm việc. Năm 2013, một số thị trường có khả năng tiếp nhận nhiều lao động giản đơn đã có nhiều thay đổi về chính sách có lợi cho lao động nước ngoài.
 
Có thể kể đến như thị trường Malaysia, từ 1/1/2013 đã tăng mức lương tối thiểu cho lao động đồng thời các doanh nghiệp xuất khẩu lao động của Việt Nam cũng có sự lựa chọn đối tác kỹ hơn, đảm bảo đủ các điều kiện tốt mới đưa lao động sang.
 
Ở khu vực Trung Đông, Libya đã tiếp nhận lao động trở lại, hiện có gần 700 lao động Việt Nam đã trở lại làm việc tại đây. Đặc biệt là Qatar, đang có nhu cầu lớn lao động xây dựng phục vụ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Bộ Lao động Qatar đang phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam thực hiện dự án xây dựng Trung tâm đào tạo lao động sang Trung Đông.
 
Chúng tôi cũng đang xây dựng mô hình phù hợp để đưa lao động giúp việc gia đình sang Macau, Đài Loan và Malaysia...
 
-Mong muốn của nhiều người lao động là được làm việc tại những thị trường có mức thu nhập cao. Vậy người lao động cần chuẩn bị những gì để có thể tham gia vào những thị trường này thưa ông?
 
Ông Lê Văn Thanh: Hiện nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang thực hiện thí điểm một số chương trình đưa lao động có tay nghề, trình độ kỹ thuật cao phục vụ các nước phát triển. Đặc biệt, lao động trình độ cao đẳng và đại học ngành điều dưỡng cũng đang bắt đầu có cơ hội đi làm việc tại nước ngoài.
 
Ngoài triển khai năm đầu tiên tuyển chọn và đào tạo nhân viên y tế theo Chương trình phái cử ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản trong khuôn khổ hiệp định hợp tác kinh tế song phương, Cục Quản lý Lao động ngoài nước cũng đang phối hợp với Bộ Kinh tế Cộng hòa Liên bang Đức thực hiện chương trình thí điểm phái cử lao động loại hình này sang học tập, làm việc tại Đức. Arập Xêút cũng đã đặt vấn đề về nhu cầu tiếp nhận y tá, điều dưỡng Việt Nam, từ đó mở rộng sang các ngành nghề khác.

Cục cũng đang thúc đẩy ký được Hiệp định hợp tác lao động với Liên bang Nga, Lào, Thái lan… Việc này sẽ tạo cơ hội tốt hơn cho lao động Việt Nam sang làm việc tại các nước này. Điều then chốt cần phải trang bị cho lao động là trình độ ngoại ngữ tốt và ý thức kỷ luật và chấp hành pháp luật, đây là điểm yếu nhất của lao động Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài./.

Phúc Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục