Nam Sudan sẵn sàng rút quân khỏi biên giới tranh chấp

Ngày 1/1, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir tuyên bố nước này sẵn sàng rút quân khỏi khu vực biên giới tranh chấp với Sudan.
Ngày 1/1, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir tuyên bố nước này sẵn sàng rút quân khỏi khu vực biên giới tranh chấp với Sudan. Động thái này báo hiệu về khả năng có thể đạt được thỏa hiệp tại cuộc gặp sắp tới giữa lãnh đạo hai nước.

Trong diễn văn nhân dịp Năm mới, ông Kiir khẳng định: "Để có thể thiết lập sứ mệnh giám sát biên giới, chúng tôi tạm thời rút lực lượng khỏi các khu vực biên giới". Mặc dù không công bố thời điểm rút quân, song ông Kiir cho biết động thái này sẽ cho phép thiết lập vùng biên giới phi quân sự giữa hai nước. Mặc dù vậy, phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Thông tin Nam Sudan Barnaba Marial Benjamin nói rằng kế hoạch rút quân khỏi các khu vực biên giới tranh chấp phải được cả hai nước phối hợp thực hiện.

Trước đó, Tổng thống Sudan Omar Al-Bashir đã tuyên bố sẵn sàng hội đàm với Tổng thống Nam Sudan để xúc tiến việc thực thi các thỏa thuận hợp tác mà hai bên ký kết hồi tháng Chín.

Hồi tháng 9/2012, hai bên đã nhất trí rằng việc rút quân khỏi khu vực biên giới tranh chấp là điều kiện tiên quyết để nối lại xuất khẩu dầu mỏ từ Nam Sudan qua Sudan. Tuy nhiên, việc thực thi thỏa thuận hòa bình giữa Sudan với Nam Sudan đã rơi vào bế tắc do những bất đồng giữa hai bên. Sudan tố cáo Nam Sudan hỗ trợ các tay súng nổi dậy ở vùng biên giới hai nước, gây trở ngại cho việc thực thi thỏa thuận hòa bình. Trong khi đó, Chính phủ Nam Sudan lại cho rằng chính Khartoum là lực lượng hậu thuẫn cho các tay súng đang hoạt động ở Nam Sudan.

[Sudan tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Nam Sudan]

Dự kiến, tổng thống hai nước trên sẽ gặp nhau trong tháng này tại một hội nghị thượng đỉnh, do Liên minh châu Phi (AU) làm trung gian để thảo luận về việc thiết lập vùng biên giới có cả binh lính hai nước cùng lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tham gia giám sát.

Nam Sudan tách ra độc lập khỏi Sudan từ tháng 7/2011 theo một thỏa thuận hòa bình năm 2005 nhằm chấm dứt nhiều thập kỷ nội chiến. Tuy nhiên kể từ đó, hai quốc gia này vẫn chưa phân chia đường biên giới, vốn chạy qua nhiều cơ sở sản xuất dầu mỏ ở nước Sudan thống nhất trước đây. Ngoài tranh cãi về đường biên giới, hai nước này hiện vẫn đang xung đột về Abyei, khu vực cả Khartoum và Giuba tuyên bố chủ quyền. Khu vực này hiện do các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc kiểm soát./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục