Nâng cao chất lượng kiểm toán trong các gói tổng thầu có vốn Nhà nước

Kiểm toán Nhà nước tại các dự án theo hình thức hợp đồng tổng thầu nhằm góp phần tăng cường hiệu quả việc quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công.
Nâng cao chất lượng kiểm toán trong các gói tổng thầu có vốn Nhà nước ảnh 1Phần lớn dự án EPC ở Việt Nam có sử dụng vốn Nhà nước, thậm chí là vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, do đó phải chịu sự thanh tra, kiểm tra, Kiểm toán Nhà nước theo quy định của pháp luật. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Đầu tư theo hình thức hợp đồng EPC (hợp đồng tổng thầu) hiện đã được thực nhiều dự án, nhất là những dự án có yêu cầu về công nghệ cao. Hình thức này đem lại nhiều lợi ích cho xã hội, nhà thầu và chủ đầu tư, cho phép tận dụng được trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý của nhà thầu khi thực hiện dự án, gói thầu.

Tuy nhiên, tiến sỹ Hà Thị Mỹ Dung, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết trên thực tế, việc quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng EPC còn bất cập, do cơ chế chính sách liên quan chưa cụ thể, còn chồng chéo khiến việc thực hiện các hợp đồng EPC gặp nhiều khó khăn.

Bất cập trong giám sát, quản lý dự án EPC

Phát biểu tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán dự án theo hình thức hợp đồng EPC,” ngày 2/11, bà Dung nhấn mạnh những vướng mắc, bất cập trên đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của các dự án đầu tư thực hiện theo hình thức EPC. Hơn thế nữa, việc thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan kiểm tra độc lập cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả các dự án này.

[Cử tri kiến nghị tăng cường thanh tra, kiểm toán để chống lãng phí]

Cụ thể, theo bà Dung, hiện vẫn tồn tại những bất cập liên quan đến cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý để triển khai thực hiện theo mô hình EPC do thiếu các quy định về điều kiện để dự án đầu tư được thực hiện theo mô hình này.

Mặt khác, nhiều nhà thầu trong nước còn thiếu kinh nghiệm trong quản lý hợp đồng EPC, đặc biệt đối với các dự án mới, công nghệ cao. Bên cạnh đó, nhiều dự án theo hình thức hợp đồng EPC không đảm bảo tiến độ, chi phí hợp đồng phát sinh tăng, không hoàn thành dự án, không thanh quyết toán được.

“Thực tế cũng cho thấy nhiều dự án EPC do tổng thầu nước ngoài thực hiện rơi vào tình trạng phụ thuộc công nghệ nước ngoài, không phát triển được sản xuất vật tư, hàng hóa trong nước. Trong khi đó, công tác giám sát, quản lý các dự án thực hiện theo hình thức EPC của nhà nước còn hạn chế,” bà Dung nói.

Nâng cao chất lượng kiểm toán trong các gói tổng thầu có vốn Nhà nước ảnh 2Tiến sỹ Hà Thị Mỹ Dung, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước phát biểu. (Ảnh: Vietnam+)

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, điều kiện tiên quyết của dự án theo hình thức EPC là khả năng quản lý và hiệu quả hợp tác giữa chủ đầu tư và tổng thầu EPC. Tuy nhiên, quy định pháp lý cụ thể về loại hợp đồng EPC cho đến nay vẫn chưa có, thực tế chỉ có một số quy định chung nêu trong Nghị định số 48/2010/CP-NĐ, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP và số 99/2007/NĐ-CP .

“Chính vì vậy, việc thực hiện hợp đồng EPC có thể các bên hiểu và vận dụng khác nhau, gây ảnh  hưởng tiêu cực đến tiến độ và chất lượng công trình, đội vốn đầu tư... thậm chí phá vỡ hợp đồng,” ông Ánh cho hay.

Mặt khác, ông Ánh cho rằng phần lớn dự án EPC ở Việt Nam có sử dụng vốn Nhà nước (thậm chí là vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước) nên trình tự, thủ tục, hồ sơ giấy tờ liên quan đến các hoạt động tạm ứng, thanh quyết toán, mua sắm... phải tuân theo các qui định về quản lý tài chính công và tài sản công, do đó phải chịu sự thanh tra, kiểm tra, Kiểm toán Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Cần kiểm toán "vào cuộc"

Qua những kết quả kiểm toán, ông Trần Minh, Trưởng phòng Đầu tư dự án, Vụ Tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra dự án EPC còn tồn tại, hạn chế ở rất nhiều vấn đề, từ trong công tác lập và thẩm định phê duyệt, điều chỉnh dự án, khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán, tổ chức lựa chọn nhà thầu, đàm phán, ký kết hợp đồng xây dựng, quản lý tiến độ, nghiệm thu, thanh toán, đặc biệt là việc chấp hành chế độ tài chính, kế toán và các quy định khác.

Trên cơ sở đó, ông Minh kiến nghị thời gian tới nên tiếp tục quan tâm kiểm toán đối với các dự án này, từ đó nâng cao chất lượng kiểm toán các gói thầu EPC đồng thời góp phần tăng cường hiệu quả việc quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công.

Ông Minh đề xuất lựa chọn kiểm toán dự án theo phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu, theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

“Tăng cường kiểm toán hoạt động để đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của việc thực hiện các dự án theo hình thức hợp đồng EPC. Bên cạnh kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ cần quan tâm kiểm toán đánh giá, kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế chính sách về hợp đồng EPC,” ông Minh nói.

Về kinh nghiệm kiểm toán, ông Lê Văn Duẩn, Phó Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước Chuyên ngành V, chỉ ra các hợp đồng EPC hiện nay thường được xác lập thông qua lựa chọn nhà thầu EPC ngay sau khi thiết kế kỹ thuật tổng thể được phê duyệt, khi đó chủ đầu tư sẽ phê duyệt thiết kế và không phê duyệt dự toán xây dựng các hạng mục công trình. Vậy nên, việc kiểm soát chi phí cần tập trung ở khâu lập tổng mức đầu tư, giá gói thầu và công tác đấu thầu thương thảo hợp đồng.

Như vậy, kiểm toán viên có đủ cơ sở để giảm trừ giá trị dự toán phần xây dựng (sai khối lượng, sai đơn giá, định mức) thuộc dự toán gói thầu EPC, có thể kiến nghị chủ đầu tư thương thảo với nhà thầu EPC để giảm giá hợp đồng, qua đó giảm quyết toán hợp đồng EPC để tiết kiệm chi phí đầu tư cho dự án.

“Tuy nhiên, nội dung này thường không khả thi do nhà thầu EPC sẽ viện dẫn nhiều khoản chi phí mà nhà thầu phải gánh chịu mà chưa được tính toán trong giá gói thầu EPC. Đây là một hạn chế trong quá trình kiểm toán nội dung này,” ông Duẩn nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục