Tham luận tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX (nhiệm kỳ 2022-2027) chiều 28/11, đề cập đến vấn đề nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông Phật giáo, Hòa thượng, tiến sỹ Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự-Trưởng ban Thông tin Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định truyền thông là thước đo chiều sâu các hoạt động Phật sự.
Giáo hội đã xác định truyền thông Phật giáo là một bộ phận không thể tách rời trong sự nghiệp hoằng pháp.
Truyền thông bằng “thân giáo," nói đi đôi với làm
Việt Nam có 98 triệu dân, tính đến tháng 10/2022, đã có gần 85 triệu tài khoản Facebook, 13 triệu người dùng Instagram, 70 triệu Messenger. Việt Nam cũng thuộc nhóm 15 quốc gia lớn nhất trên không gian mạng; đứng thứ 9 thế giới về tổng lượt người dùng tải ứng dụng và thứ 10 về thời gian sử dụng ứng dựng trên smartphone.
Nhìn vào những con số này, Hòa thượng Thích Gia Quang cho rằng truyền thông Phật giáo chỉ đạt được hiệu quả cao khi biết vận dụng và ứng dụng các loại hình truyền thông hiện đại, bao gồm hệ thống báo chí-phát thanh-truyền hình chính thống và không thể thiếu các ứng dụng như Zalo, Youtube, Facebook...
Một phương thức truyền thông khác có sự vững bền và hiệu quả rất cao được Hòa thượng nhắc đến là “truyền thông bằng ‘thân giáo,’ nói đi đôi với làm, giữ gìn trang nghiêm đạo hạnh trong tu tập, giao lưu, ứng xử."
Khi đã xác định được vai trò của truyền thông, công tác thông tin, truyền thông của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần được định hướng về nội dung thật cụ thể, trong đó tập trung truyền thông các giá trị về đạo đức, nhân văn-nhân bản của giáo lý Phật giáo.
Truyền thông sự đóng góp của Phật giáo vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, xây dựng các giá trị phát triển bền vững theo quan điểm của Phật giáo; những đóng góp đối với công tác văn hóa, từ thiện xã hội; các hoạt động của đời sống dân sinh, đời sống kinh tế-xã hội; việc xây dựng văn hóa, các giá trị đạo đức tâm linh, đóng góp vào nền tảng giáo dục hiếu sinh với các cấp, ngành trong việc xây dựng nền tảng hướng thượng, trí tuệ cho tín đồ, công dân trong thời đại toàn cầu hóa.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc nên cần coi trọng việc truyền thông về tôn giáo đối với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với các nhiệm vụ cụ thể như xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự…
“Hiện nay, công tác quản lý truyền thông của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang gặp nhiều thách thức, phải đối mặt với các vấn đề quản lý thông tin trên một không gian ‘mở’ nhưng ‘ảo,’ những vấn đề về an ninh truyền thông theo góc nhìn của chính pháp đạo Phật, vấn nạn tin giả, sự phá hoại của hacker, tin tặc, các loại tội phạm thông tin, tâm lý chiến về tôn giáo," Hòa thượng Thích Gia Quang nhấn mạnh.
Trên cơ sở phân tích này, Hòa thượng cho rằng công tác quản lý truyền thông của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần đổi mới quan điểm, tư duy và cách thức quản lý từ truyền thống sang hiện đại; có tổ chức truyền thông chuyên nghiệp, chuyên gia truyền thông giỏi; xác định rõ thực trạng phát triển truyền thông và quản lý truyền thông, từ đó đề ra giải pháp cấp bách và lâu dài nhằm phát triển ngành truyền thông và nâng cao hiệu quả quản lý truyền thông.
[Chủ tịch nước dự lễ khai mạc Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ 9]
Theo Hòa thượng, Giáo hội cần có mô hình báo chí chuyên nghiệp, hạn chế tình trạng tự phát, hoạt động thiếu đồng bộ, thiếu phối hợp giữa các đầu mối thực hiện truyền thông Phật giáo như thực trạng đang diễn ra. Có bộ phận biên tập truyền thông am hiểu nội dung Phật giáo, có trình độ về chuyên ngành truyền thông, xây dựng và tuyển lựa những tác phẩm truyền thông một cách có định hướng, có tiêu chí cụ thể. Ngăn chặn và loại bỏ tình trạng “trăm hoa đua nở," đăng tải nội dung tự phát, tự tác, nhưng lại mang danh Phật giáo, mang danh Giáo hội.
Với sự phát triển của các nền tảng truyền thông, công tác chỉ đạo, quản lý truyền thông đang gặp không ít khó khăn. Sự bùng nổ của mạng xã hội như Facebook, Youtube... khiến cho Ban Thông tin Truyền thông Trung ương Giáo hội với chức năng, nhiệm vụ và nguồn lực tài chính, nguồn lực nhân sự hạn chế như hiện nay sẽ không có đủ công cụ, khả năng để kiểm soát thông tin, xử lý khủng hoảng truyền thông trên các trang mạng xã hội, trên mạng lưới truyền thông một cách kịp thời.
Giáo hội cần có những chính sách cụ thể về đầu tư tài chính, nguồn nhân lực, sự thống nhất trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện để công tác thông tin, truyền thông ngày càng có những đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự phát triển vững mạnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hoàn thiện trụ cột cho chuyển đổi số Phật giáo
Cũng liên quan đến vấn đề truyền thông, Thượng tọa Thích Minh Nhẫn, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng truyền thông xã hội đã thể hiện ưu thế của mình trong thời gian qua, đặc biệt trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 và khắc phục hậu quả thiên tai.
Tin tức về công tác thiện nguyện, lời khuyên chăm sóc sức khỏe, pháp thoại của chư tôn đức đã được xã hội hưởng ứng nhiệt tình. Tiếng nói của dư luận xã hội Phật giáo đã kịp thời đến được các cấp hữu quan, góp phần vào sự thành công của chương trình “ATM ôxy," “ATM gạo," phân phát hàng cứu trợ…
Mặt khác, chính nhờ truyền thông mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể xây dựng dòng chảy dư luận một cách tích cực, ứng phó hữu hiệu với một số trường hợp cá biệt. Thông qua truyền thông xã hội, đặc biệt là qua tương tác trên Facebook và Youtube, triết lý “chỉ ác, tác thiện” đã thâm nhập vào quảng đại xã hội, nhất là giới trẻ.
“Tuy nhiên, chúng ta khiêm tốn nhìn nhận chiến lược truyền thông xã hội hãy còn ở bước sơ khởi và cần nghiên cứu tiếp tục những mô hình truyền thông xã hội, đầu tư nguồn lực," theo Thượng tọa Thích Minh Nhẫn.
Bên cạnh truyền thông mạng, công tác chuyển đổi số cũng chứng kiến nhiều thay đổi lớn trong thời gian qua. Sự thành lập Văn phòng hành chính điện tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam và triển khai các dự án số hóa lưu trữ tài liệu, phổ biến Tam tạng Kinh điển trên mạng là những dấu ấn tiêu biểu trong công tác tin học hóa, chuyển đổi số của Giáo hội.
Văn phòng hành chính điện tử được xây dựng nhằm phục vụ các tiện ích về giải pháp họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố và kết nối với Trung tâm điều hành điện tử tại Văn phòng Trung ương Giáo hội, giải pháp họp không giấy, nhận dạng giọng nói, chuyển đổi giọng nói thành văn bản, số hóa văn bản hành chính…
Sự hình thành văn phòng hành chính điện tử trong công việc quản trị hành chính và đời sống hằng ngày đã thúc đẩy các hoạt động Phật sự của Giáo hội được phổ biến một cách nhanh nhất đến Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố.
Kiến nghị giải pháp nhằm hoàn thiện trụ cột cho chuyển đổi số Phật giáo, Thượng tọa Thích Minh Nhẫn đề xuất phát triển ứng dụng Tam tạng Kinh điển Phật giáo, làm tiền đề để phổ biến Phật giáo đến với mọi người.
Cùng với đó, xây dựng hệ thống lưu trữ văn bản hành chính điện tử của Giáo hội liên kết thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tạo thuận lợi trong việc tra cứu, trao đổi dữ liệu thông tin, thay việc phát hành văn bản giấy, chuyển đổi giấy chứng nhận tăng, ni, chứng điệp thọ giới truyền thống thành thẻ từ thông minh để thuận tiện quản lý và kiểm tra, hạn chế việc giả danh tu sỹ và những tác hại tiêu cực khác, đồng thời đáp ứng sự phát triển của thời đại kỷ nguyên số./.