Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, bảo vệ quyền lợi lao động nữ

Ngày làm việc thứ hai Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc 12, nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ.
Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, bảo vệ quyền lợi lao động nữ ảnh 1Quang cảnh phiên họp. (Nguồn: TTXVN)

Tiếp tục ngày làm việc thứ hai, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, nhiều đại biểu đến từ các bộ, ngành đã đóng góp những ý kiến tâm huyết nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ.

Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề

Chia sẻ tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho biết, kết quả điều tra lao động việc làm quý 3 năm 2016 của Tổng cục Thống kê, cả nước có 53,27 triệu lao động có việc làm, trong đó, có 25,8 triệu lao động nữ có việc làm (chiếm 48,48%).

Những năm qua, việc nâng cao nguồn nhân lực, tạo việc làm cho phụ nữ là một trong những mục tiêu quan trọng được ưu tiên hàng đầu. Quỹ quốc gia về việc làm tiếp tục phát huy vai trò hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, nhất là lao động nữ khu vực nông thôn.

Tính đến tháng 11/2016, tổng nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm đạt trên 5.040 tỷ đồng, doanh số cho vay hàng năm từ 2.000-2.500 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ giải quyết việc làm cho khoảng 100.000 lao động mỗi năm (năm 2016 hỗ trợ tạo việc làm cho khoảng 105 nghìn lao động), trong đó lao động nữ chiếm khoảng 60%.

Ngoài ra, Quỹ quốc gia về việc làm còn dành riêng một kênh quản lý nguồn vốn cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để giải quyết việc làm cho các hội viên với tổng nguồn Quỹ là 62 tỷ đồng năm 2016, hỗ trợ tạo việc làm cho trên 1.000 hội viên.

Nhiều mô hình tạo việc làm, nâng cao tay nghề như: câu lạc bộ phụ nữ; tổ vay vốn; phụ nữ yêu khoa học; phụ nữ liên kết với doanh nghiệp... đã góp phần tăng cường sự tham gia của lao động nữ trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được đẩy mạnh. Từ năm 2011 đến nay, mỗi năm, Việt Nam đưa được từ 80-100 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó, 35-40% là nữ giới, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững; tạo điều kiện cho lao động nữ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, hội nhập và rèn luyện tác phong công nghiệp, kỷ luật trong lao động sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ.

Đề cập những giải pháp về dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết, đổi mới công tác quản lý về giáo dục nghề nghiệp, được coi là một trong hai giải pháp đột phá của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Trong đó, tập trung xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật giáo dục nghề nghiệp; Rà soát, ban hành đầy đủ các chuẩn, định mức kỹ thuật trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp để quản lý và vận hành hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo chuẩn; hoàn thiện, nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đáp ứng được yêu cầu quản lý thông qua việc chuẩn hóa cán bộ quản lý các cấp.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm; xã hội hóa công tác dạy nghề, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho người lao động, nhất là lao động nữ nông thôn lớn tuổi; Đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, nhất là sàn giao dịch việc làm, tổ chức thường xuyên phiên giao dịch việc làm lưu động đến các vùng nông thôn, tăng cơ hội tiếp cận thông tin việc làm phù hợp với trình độ và khả năng cho lao động nữ.

Bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ

Trưởng Ban nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trịnh Thanh Hằng cho biết, giai cấp công nhân Việt Nam với 43,6% nữ công nhân viên chức lao động là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Bởi vậy, việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho các lao động nữ là một trong những trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Thực hiện chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ công nhân viên chức lao động, tổ chức Công đoàn cùng Hội Phụ nữ phối hợp trong công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến nữ công nhân viên chức lao động.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về công tác vận động nữ công nhân viên chức lao động, chương trình hành động về bình đẳng giới với các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Hai bên chủ động rà soát và đóng góp ý kiến tích cực tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nữ cán bộ, công chức và công nhân lao động, đặc biệt đề xuất quy định về chính sách nghỉ thai sản cho lao động nữ từ 4 tháng lên 6 tháng và chính sách giảm số năm đóng bảo hiểm từ 20 năm xuống 15 năm cho cán bộ, công chức cấp xã, phường, thị trấn…

Trong thời gian tới, tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến phức tạp, khó lường, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen sẽ tác động trực tiếp tới vấn đề việc làm, thu nhập của người lao động, trong đó có lao động nữ.

Trong giai đoạn tới Công đoàn và Hội Phụ nữ củng cố và kiện toàn ban nữ công quần chúng, thực hiện tốt vai trò tham mưu giúp Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp về công tác xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến lao động nữ, về giới, bình đẳng giới, vì sự phát triển của phụ nữ, công tác cán bộ nữ, dân số, sức khỏe sinh sản, gia đình, trẻ em; đại diện tham gia giải quyết các vấn đề có liên quan trực tiếp đến lao động nữ, trẻ em, vận dụng cụ thể hóa tinh thần nghị quyết Đại hội lần này vào hoạt động nữ công một cách phù hợp.

Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục lắng nghe, tập hợp tâm tư, nguyện vọng của lao động nữ, tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động, thủ trưởng đơn vị để bảo đảm thực hiện pháp luật, chính sách đối với lao động nữ; kiến nghị với Nhà nước sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, chính sách, chế độ liên quan đến lao động nữ và bình đẳng giới, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, ổn định.

Bà Trịnh Thanh Hằng khẳng định, công đoàn sẽ tham gia tích cực trong việc chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ và những vấn đề liên quan đến lao động nữ như: tuổi nghỉ hưu; điều kiện, môi trường làm việc, an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng các thiết chế dành cho công nhân tại các khu công nghiệp như vấn đề nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo, bếp ăn tập thể, nhà vệ sinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục