Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.”
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp của Đề án là tuyên truyền, vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các lớp dạy tiếng Việt; động viên con em người Việt tham gia học tiếng Việt.
Đề án nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người Việt Nam ở nước ngoài về tầm quan trọng, lợi ích của việc học tiếng Việt trong việc góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam; tích cực vận động các hội đoàn, tổ chức, cá nhân tâm huyết trên địa bàn và trong nước tổ chức, bảo trợ lớp học tiếng Việt cho con em người Việt Nam ở nước ngoài; phát động phong trào cha mẹ cho con em đi học tiếng Việt đầy đủ, phù hợp với từng lứa tuổi; chủ động vận động chính quyền sở tại tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tổ chức các lớp học tiếng Việt thông qua việc cấp giấy phép hoạt động, cấp đất mở trường, mở lớp, cho mượn địa điểm tổ chức dạy tiếng Việt.
Về xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, Đề án tổ chức xây dựng Chương trình tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt 6 bậc (từ bậc 1 đến bậc 6), tổ chức biên soạn tài liệu dạy học tiếng Việt, thực hiện chủ trương từ một chương trình có thể biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa.
Trong đó, chỉnh sửa, nâng cấp hai bộ sách “Tiếng Việt vui” và “Quê Việt” (từ quyển 1 đến quyển 6) cho phù hợp với Chương trình dạy tiếng Việt theo Khung năng lực 6 bậc; tổ chức cuộc thi viết sách giáo khoa, biên soạn tài liệu dạy và học tiếng Việt theo Chương trình tiếng Việt 6 bậc tại các nước hoặc các khu vực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Theo Đề án, việc biên soạn tài liệu dạy học tiếng Việt song ngữ cho trẻ em lứa tuổi mầm non, học sinh tiểu học. Yêu cầu việc biên soạn tài liệu song ngữ hướng dẫn ông bà, cha mẹ dạy tiếng Việt cho con cháu trong gia đình phải phù hợp với các ngôn ngữ thông dụng và ngôn ngữ nước sở tại. Biên soạn tài liệu phát triển tiếng Việt thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật, thực hành tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt Nam.
Đề án cũng yêu cầu thường xuyên tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài tại Việt Nam và tại nước ngoài nơi có nhiều người Việt Nam sinh sống; cung cấp tài liệu, bồi dưỡng giáo viên qua Cổng thông tin dạy và học tiếng Việt trực tuyến theo Đề án “Tăng cường dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến cho người Việt Nam ở nước ngoài” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Việc thực hiện kế hoạch bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Việt cho con em kiều bào ở khu vực đặc thù (Campuchia, Lào…) theo Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, tình nguyện viên tham gia dạy tiếng Việt ở những nơi có điều kiện phù hợp.
Theo Đề án, giải pháp khác là đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học tiếng Việt, trong đó, tổ chức các lớp học, khóa học tiếng Việt ngắn hạn tại nước sở tại theo hình thức lớp học truyền thống, phù hợp với điều kiện, đặc điểm từng khu vực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Kết hợp tổ chức các khóa học tiếng Việt ngắn hạn, trại hè học tiếng Việt cho con em Kiều bào tại Việt Nam; phối hợp triển khai có hiệu quả với việc tổ chức dạy học tiếng Việt trên mạng trực tuyến theo Đề án “Tăng cường dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến cho người Việt Nam ở nước ngoài” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, Đề án nhấn mạnh tiếp tục duy trì và đổi mới việc tổ chức dạy tiếng Việt trên truyền hình, đài phát thanh dành cho người Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức thường xuyên và đa dạng hóa các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi tìm hiểu văn hóa lịch sử Việt Nam, ngày hội Văn hóa Việt Nam tại nước sở tại; kết hợp với các sự kiện tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá của Việt Nam ở nước ngoài như: Hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch…, đồng thời, hỗ trợ xây dựng tủ sách tiếng Việt, góc Việt Nam, thư viện Việt Nam tại các thư viện cộng đồng, các trung tâm học liệu hoặc các trường đông học sinh là người Việt Nam.
Các cơ quan, đơn vị cần xây dựng công cụ đánh giá kết quả học tập, cấp chứng chỉ cho người tham gia đánh giá theo Khung năng lực tiếng Việt 6 bậc như xây dựng bộ đề thi, ngân hàng câu hỏi kiểm tra, đánh giá năng lực tiếng Việt; xây dựng phần mềm thi và chấm thi bằng máy tính; xây dựng, ban hành phôi chứng chỉ tiếng Việt; ban hành Quy chế thi và cấp chứng chỉ tiếng Việt cho người nước ngoài./.