Ngày 12/12, Trung tâm Nghiên cứu và Lưu trữ Điện ảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức tọa đàm “Nhà sản xuất phim - Hiện trạng và xu thế phát triển."
Tọa đàm có sự tham dự của các đạo diễn, nhà sản xuất phim, nhà nghiên cứu điện ảnh, nhằm khẳng định vai trò quan trọng của nhà sản xuất phim trong lĩnh vực sản xuất phim điện ảnh, phim truyền hình, đồng thời thảo luận về xu hướng thị hiếu của khán giả Việt hiện nay.
Trong thời gian khoảng 10 năm trở lại, phim điện ảnh của Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt đa dạng về nội dung và đề tài từ thể loại phim tình cảm, hài, tâm lý xã hội, kinh dị... mang đến nhiều sự lựa chọn cho khán giả ở mọi giới và lứa tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động làm phim tại Việt Nam vẫn đang chạy theo xu hướng và thị hiếu của khán giả, chưa đáp ứng và thỏa mãn những mong đợi của khán giả ở mọi tầng lớp.
Số lượng phim sản xuất tại Việt Nam có tăng nhưng chất lượng chưa tương xứng. Vẫn còn khá nhiều phim khá “dễ dãi," hời hợt chọc cười khán giả một cách miễn cưỡng, thậm chí phim đầu tư kinh phí hàng tỷ đồng nhưng khi ra thị trường lại lỗ vốn đầu tư do không có khán giả.
Tại tọa đàm, các đại biểu khẳng định, nhà sản xuất phim là một nghề thực thụ, đóng vai trò quan trọng từ quá trình thai nghén đến sản xuất phim và để tác phẩm thu hút sự quan tâm của khán giả và tạo doanh thu kinh tế.
Thạc sỹ nghệ thuật Đỗ Lệnh Hùng Tú, Báo điện tử Tổ quốc, cho biết ở nước ngoài, vai trò của nhà sản xuất không chỉ là nhà đầu tư, bỏ tiền làm phim mà còn là người kiếm tiền sản xuất phim và tạo lợi nhuận để tiếp tục tái đầu tư. Họ chính là “bà đỡ” cho tác phẩm điện ảnh, đồng hành với những người làm phim ngay từ ý tưởng sáng tạo thành hiện thực màn ảnh.
Phó giáo sư-tiến sỹ Trần Luân Kim, Nguyên Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, nhận xét Việt Nam hiện chưa có đội ngũ làm phim thực thụ. Theo xu hướng sản xuất phim của thế giới, nhà sản xuất phim đóng vai trò rất lớn, quản lý toàn bộ quá trình. Vì vậy, họ phải là người hiểu về nghệ thuật và nắm vững về chính trị, xã hội. Đây là yếu tố quan trọng vì nếu hiểu rõ được thời thế, sự kiện xã hội, bộ phim đến với khán giả mới thật sự được quan tâm.
Tâm huyết với nghệ thuật thứ bảy, ông Trần Trọng Dần, Giám đốc Hãng phim CoCo Paris, cho biết, nhà sản xuất có thể chạy theo thị trường, nắm bắt thị hiếu của khán giả nhưng vẫn phải đặt sự sáng tạo trong mỗi tác phẩm điện ảnh lên hàng đầu. Tại Việt Nam, bản sắc Việt trong điện ảnh chưa ghi đậm dấu ấn. Đa số chỉ là sự lai hóa giữa phim Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và chưa có cá tính rõ ràng. Vậy nên, người sản xuất phim cần phải là người “đầu bếp” chuẩn năm sao, có khả năng giới thiệu với “thực khách” là khán giả ở mọi lứa tuổi về những “tác phẩm ẩm thực” đặc sắc nhất của mình hơn là hỏi xem họ thích gì.
Để hoàn thiện đội ngũ sản xuất phim, tạo ra những bộ phim có giá trị cao về nghệ thuật, phó giáo sư Trần Luân Kim cho rằng Nhà nước cần đào tạo xác định quyền lực nghề nghiệp của nhà sản xuất phim, đồng thời quy chuẩn hóa nghề này để tạo nhiều “cơ hội” cho nhà sản xuất./.