Nâng tầm cao mối quan hệ hợp tác Việt Nam-ADB

Đến nay, ADB đã phê duyệt 114 khoản vay cho VN cùng nhiều dự án hỗ trợ kỹ thuật và luôn được coi là đối tác tốt của Chính phủ VN.
Việt Nam chính thức gia nhập ADB vào năm 1966. Sau một thời gian gián đoạn, từ tháng 10/1993, quan hệ  giữa Việt Nam-ADB đã chính thức được nối lại.

Trong thời gian qua, quan hệ Việt Nam-ADB ngày càng được duy trì, củng cố và phát triển, đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Đặc biệt, Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam từ 3-6/5/2011 cho thấy sự tham gia, hợp tác ngày càng tích cực của Việt Nam trong ADB cũng như khẳng định một tầm cao mới của mối quan hệ này.

Thể hiện vị thế của Việt Nam

Ngân hàng Nhà nước cho biết, Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44 là sự kiện có ý nghĩa quốc tế với sự tham dự của hơn 3.300 đại biểu là lãnh đạo cấp cao, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước thành viên, các nhà đầu tư, các chủ tịch hội đồng quản trị/tổng giám đốc các tập đoàn tài chính, các ngân hàng, các công ty lớn, các quan chức địa phương, các hãng thông tấn, truyền thông và các tổ chức phi chính phủ.

Hội nghị này đã và đang được Chính phủ và các Bộ, ngành tập trung chuẩn bị để mang đậm dấu ấn Việt Nam thông qua các chương trình, sự kiện được cân nhắc chọn lọc và chuẩn bị kỹ lưỡng, lồng ghép với việc tuyên truyền, quảng bá các thành tựu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và những nỗ lực của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44 tại Hà Nội có ý nghĩa quan trọng thể hiện uy tín và vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Đồng thời đây cũng là trách nhiệm của Việt Nam với tư cách là thành viên đối với ADB, góp phần tăng cường mối quan hệ và hợp tác chặt chẽ giữa ADB và Việt Nam thông qua quá trình chuẩn bị và tổ chức Hội nghị. Đây cũng là một cơ hội rất tốt để Việt Nam quảng bá và giới thiệu với bạn bè quốc tế về đất nước, con người Việt Nam, chứng tỏ uy tín và khả năng tổ chức, quản lý của Việt Nam đối với các sự kiện quốc tế cao cấp.

Trong khuôn khổ Hội nghị sẽ có 19 cuộc hội thảo tập trung vào các chủ đề: thị trường vốn và tài chính; hội nhập và hài hoà hoá các quy định ở châu Á trong môi trường hậu khủng hoảng; châu Á năm 2050 (hội thảo của các Thống đốc); cùng nhau hướng tới một quy định tài chính tốt hơn và một sự ổn định ở châu Á; một châu Á thu nhập trung bình, các thách thức về chính sách; thay đổi xu hướng tăng trưởng toàn cầu và dòng vốn vào châu Á; thu hẹp khoảng cách- xúc tác vốn tư nhân cho đầu tư cơ sở hạ tầng; vai trò của khu vực tư nhân trong việc thúc đẩy hội nhập khu vực; các hội thảo chung (ADB/IMF và ADB/JICA - Nhật Bản);...

ADB là đối tác quan trọng của Việt Nam


Kể từ năm 1993, khi ADB nối lại hoạt động tại Việt Nam, cho đến tháng 3/2011, ADB phê duyệt 114 khoản vay cho Chính phủ Việt Nam trị giá 9,09 tỷ USD, một khoản bảo lãnh trị giá 325 triệu USD, 255 dự án hỗ trợ kỹ thuật, trị giá 199,5 triệu USD và 26 dự án tài trợ khác trị giá 150,1 triệu USD. Việt Nam cũng tham gia vào các dự án hỗ trợ kỹ thuật của ADB dành cho Tiểu vùng sông Mê Kông. Hiện nay, Việt Nam là một trong những thành viên nhận nhiều nguồn tài trợ nhất từ Quỹ phát triển châu Á (ADF) và cũng là một nước được ADB cung cấp đáng kể các khoản vay thông thường (OCR).

Những tác động của hỗ trợ từ ADB đối với quá trình phát triển của Việt Nam là khá lớn và đã hỗ trợ tích cực các sáng kiến phát triển cũng như các chương trình cải cách và chương trình hành động của Chính phủ. Việc áp dụng phương pháp quản trị dựa trên kết quả (result-based management) trong Chương trình và Chiến lược quốc gia (CSP) gần đây nhất của ADB sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá một cách khách quan hơn và đem lại kết quả phát triển, hiệu quả cao hơn nữa cho Việt Nam trên con đường phát triển tương lai.

Trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, tầm quan trọng của những hỗ trợ từ ADB đã được khẳng định bởi quá trình chuyển đổi kinh tế cũng như sự tăng trưởng nhanh chóng đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể, dự án đường cao tốc huyết mạch Hà Nội - Lạng Sơn, hành lang kinh tế Đông Tây, đường cao tốc Hà Nội - Phnom Penh… với sự tài trợ của ADB, đã góp phần đẩy nhanh quá trình xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế tại các khu vực này. ADB cũng tài trợ phát triển lĩnh vực năng lượng như phát triển năng lượng hidro, nhiệt điện, tái tạo năng lượng, gas sinh học, hệ thống truyền tải điện... yếu tố then chốt cho sự phát triển kinh tế quốc gia.

Hỗ trợ của ADB đối với phát triển nông thôn, thủy lợi đã giúp tăng năng suất nông nghiệp và thu nhập nông dân thông qua việc nâng cao khả năng tiếp cận thị trường và các đầu vào sản xuất, đa dạng hóa các loại cây trồng có giá trị cao và cải tiến các thông lệ quản lý nguồn nước.

Kể từ những năm 1990, hỗ trợ của ADB cũng đã có tác động đối với các lĩnh vực xã hội, chẳng hạn như trong lĩnh vực y tế dự phòng, kiểm soát dịch bệnh xuyên biên giới, giáo dục trung học và giáo dục chuyên nghiệp. ADB đã trợ giúp Chính phủ nâng cao chất lượng của các cán bộ nhà nước thông qua các chương trình đào tạo và hiện đại hoá quản lý nhà nước và hỗ trợ những nỗ lực của Chính phủ chống tham nhũng và hướng đến bình đẳng giới. ADB cũng góp phần thay đổi căn bản lĩnh vực hành chính công từ mô hình quản trị dựa trên đầu vào sang mô hình quản trị dựa trên hiệu quả công việc.

Báo cáo “Đánh giá chương trình hỗ trợ quốc gia dành cho Việt Nam” được công bố năm 2009, đã kết luận: Các chương trình và chiến lược hỗ trợ mà ADB tiến hành ở Việt Nam giai đoạn 1999-2008 được đánh giá là thành công dựa trên những kết quả mà nó mang lại. Nhìn chung, ADB được coi là một đối tác tốt của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Việt Nam bày tỏ sự hài lòng với sự hợp tác này.

Mặc dù những trợ giúp tài chính của ADB chỉ chiếm một phần khiêm tốn trong chi tiêu của Chính phủ Việt Nam, nhưng ADB được đánh giá là một đối tác đáng tin cậy nhiều năm qua trong việc tài trợ giúp Việt Nam khắc phục những yếu kém và lỗ hổng trong đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực thể chế, đảm bảo cho quá trình chuyển đổi kinh tế của Việt Nam đi đúng hướng. ADB đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế cao và nâng cao mức sống của người dân Việt Nam qua việc hỗ trợ phát triển xã hội, bảo vệ, khai thác và tái tạo hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường...

Các ưu tiên hỗ trợ của ADB


Chương trình và Chiến lược quốc gia (CSP) xác định các lĩnh vực thống nhất ưu tiên, những lĩnh vực mà ADB có thể hỗ trợ các mục tiêu và chiến lược phát triển của quốc gia theo hướng phản ứng nhanh, thích hợp và định hướng tới kết quả, có sự tham vấn với chính phủ, các đối tác phát triển và các bên liên quan khác.

Hiện nay, Chương trình và Chiến lược quốc gia (CSP) là một công cụ hoạch định chủ yếu để định hướng các hoạt động của ADB trong tại các nước thành viên đang phát triển (DMC), đồng thời cũng là công cụ giám sát kết quả thực hiện CSP. CSP phù hợp với chu kì xây dựng kế hoạch của quốc gia, thông thường là 5 năm và kế hoạch hoạt động cuốn chiếu theo chỉ tiêu định hướng trong thời gian 3 năm trên cơ sở điều chỉnh hằng năm. Thời kì và định hướng của CSP có thể thay đổi trên cơ sở đánh giá giữa kỳ thực hiện Chương trình và Chiến lược quốc gia có tính đến hoàn cảnh cụ thể của từng quốc gia.

Kể từ khi quan hệ được nối lại năm 1993, hoạt động của ADB được định hướng thông qua Chiến lược hoạt động tạm thời (IOS), giai đoạn 1993-1995, Chiến lược hoạt động quốc gia (COS), giai đoạn 1996-2000 và Chương trình và Chiến lược quốc gia, giai đoạn 2002-2004 và Chương trình và Chiến lược quốc gia, giai đoạn 2007-2010. CSP giai đoạn 2007-2010 được hoạch định dựa trên việc áp dụng mô hình quản trị dựa trên kết quả và phù hợp với Chương trình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006-2010.

Trên cơ sở Chương trình và Chiến lược quốc gia 2007-2010, mục tiêu của ADB là hỗ trợ Chính phủ Việt Nam giảm tỷ lệ nghèo xuống khoảng 10-11% vào năm 2010. Mục đích hỗ trợ của ADB là giúp Chính phủ Việt Nam tạo lập nền tảng cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và tăng việc làm, bao gồm những hỗ trợ để: Tăng trưởng kinh tế định hướng doanh nghiệp và vì người nghèo; công bằng xã hội và phát triển cân đối; bảo vệ Môi trường và quản trị.

Hợp tác khu vực qua các chương trình GMS sẽ được đẩy mạnh để thúc đẩy sự phát triển thương mại xuyên quốc gia cũng như tạo ra các cơ hội mới liên quan tới các vùng biên giới kém phát triển và giải quyết các vấn đề xuyên quốc gia như bệnh truyền nhiễm mang tính cộng đồng, các tác động tiêu cực của quá trình phát triển như vấn đề môi trường.

Trọng tâm ngành của Chương trình và Chiến lược quốc gia (CSP) 2007-2010 tập trung vào mối liên hệ giữa tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên với hoạt động giảm nghèo thông qua hoạt động quản lý nguồn nước và nguồn lực ven biển. ADB sẽ hỗ trợ hoàn thiện công tác quy hoạch và phát triển đô thị tại một số thành phố nhất định nhằm cải thiện các dịch vụ công các khu vực ngoại vi các thành phố lớn, tránh được các vấn đề tiêu cực của quá trình đô thị hóa nhanh chóng mà một số các siêu đô thị tại châu Á đang vấp phải hiện nay. ADB cũng dành ưu tiên khuyến khích khu vực tư nhân khi đầu tư vào lĩnh vực vận chuyển hành khách công cộng và các dự án môi trường đô thị khác, trong đó bao gồm việc tài trợ các dự án nước sạch và xử lý nước thải.

Chương trình và Chiến lược quốc gia đã thiết lập một danh mục các khu vực và tiểu khu vực phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và những phân loại ưu tiên dựa trên Chiến lược trung hạn II và lợi thế so sánh của ADB như một Ngân hàng Phát triển Khu vực./.

Xuân Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục