Bài 1: Tiềm năng và bản sắc du lịch ở vùng Đông Nam Bộ

Nâng tầm phát triển cho ngành du lịch ở vùng Đông Nam Bộ

Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 2 bài viết về du lịch Đông Nam Bộ - một trong 7 vùng du lịch có vai trò quan trọng trong Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam tầm nhìn 2030.
Nâng tầm phát triển cho ngành du lịch ở vùng Đông Nam Bộ ảnh 1Khu du lịch khoáng nóng Bình Châu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Huỳnh Ngọc Sơn/TTXVN)

Khu vực Đông Nam Bộ gồm Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh.

Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định, Đông Nam Bộ là một trong 7 vùng du lịch có vai trò quan trọng đối với phát triển du lịch cả nước.

Ngành du lịch các địa phương trong vùng đánh giá đúng thế mạnh, nhìn nhận “điểm nghẽn” có những giải pháp tháo gỡ nhằm phát triển du lịch từng địa phương cũng như toàn vùng xứng tầm ngành kinh tế mũi nhọn ở khu vực được kỳ vọng trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước.

Nội dung này được phóng viên TTXVN đề cập qua hai bài viết: "Nâng tầm du lịch Đông Nam Bộ."

Khu vực giàu tiềm năng

Là một trong những vùng du lịch trọng điểm của cả nước, Đông Nam Bộ hội tụ rất nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn như du lịch sinh thái rừng, sinh thái biển-đảo, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, ẩm thực, du lịch MICE…

Các chuyên gia phân tích vùng Đông Nam Bộ có đường bờ biển dài 350km, nhiều bãi tắm đẹp như Vũng Tàu, Long Hải, Côn Đảo...

Khu vực này còn có nhiều tài nguyên du lịch sinh thái gắn liền với vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển, khu bảo tồn, các khu rừng ngập mặn như Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ; hệ thống các Vườn Quốc gia: Nam Cát Tiên (Đồng Nai), Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), Bù Gia Mập (Bình Phước), Lò Gò-Xa Mát (Tây Ninh)...

Đồng thời, nhiều địa phương có tài nguyên du lịch gắn liền với cảnh quan núi như núi Bà Đen (Tây Ninh) được công nhận là Quần thể di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng núi Bà; núi Bà Rá (Bình Phước); núi Dinh (Bà Rịa-Vũng Tàu); núi Chứa Chan (Đồng Nai)...

[Kết nối tour du lịch liên tỉnh TP.HCM-Đồng Nai-Bình Dương bằng tàu hỏa]

Các tài nguyên du lịch tự nhiên gắn liền với cảnh quan, hệ sinh thái sông, hồ như: sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, sông Đồng Nai, hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An (Đồng Nai), hồ Thác Mơ (Bình Phước).

Tiến sỹ Lê Văn Khoa, trường Đại học Thủ Dầu Một, nhận định vị trí nằm liền kề Đồng bằng sông Cửu Long, cửa ngõ phía Tây nối với các nước Campuchia, Thái Lan, Malaysia thông qua mạng lưới đường bộ xuyên Á, phía Đông có hệ thống cảng biển Sài Gòn, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thị Vải, khu vực Đông Nam Bộ giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, đặc biệt là du lịch.

Nâng tầm phát triển cho ngành du lịch ở vùng Đông Nam Bộ ảnh 2Du khách trải nghiệm tour du lịch sinh thái hồ Trị An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Đây chính là nơi hội tụ đầy đủ các điều kiện tự nhiên và nhân văn để phát triển các loại hình du lịch về nguồn, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển…

Không chỉ có vậy, là vùng đất có bề dày hơn 300 năm hình thành, phát triển, Đông Nam Bộ còn sở hữu di tích lịch sử-văn hóa, nhiều nét văn hóa đặc sắc, là nền tảng để hình thành nhiều sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch gắn với di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh Trần Thế Thuận, địa bàn thành phố có 185 di tích lịch sử-văn hóa, trong đó có 60 di tích quốc gia đặc biệt và cấp quốc gia.

Rất nhiều di tích đã trở thành điểm đến du lịch như di tích Dinh Độc Lập, Bến Nhà Rồng, Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, Nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành.

Thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa cùng các di sản văn hóa phi vật thể rất đa dạng. Chỉ tính riêng các lễ hội, Bà Rịa-Vũng Tàu có 12 lễ hội truyền thống, thể hiện sự giao thoa màu sắc văn hóa truyền thống của cả ba miền Bắc-Trung-Nam hết sức độc đáo, trong đó tiêu biểu là Lễ giỗ bà Phi Yến, Lễ giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Lễ hội Nghinh Ông tại đình Thắng Tam, Lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành, Lễ hội Trùng Cửu, Lễ hội Dinh Cô, Lễ giỗ Ông Trần-Nhà Lớn Long Sơn.

Bên cạnh đó, Đông Nam Bộ còn là nơi có hệ thống các làng nghề phong phú và đa dạng, đều khắp ở các tỉnh, thành, đã được thống kê. Tiêu biểu, Thành phố Hồ Chí Minh có các làng mành trúc Tân Thông Hội, bánh tráng Phú Hòa Đông, nem Thủ Đức, dệt Bảy Hiền...

Bà Rịa-Vũng Tàu có làng cá Phước Hải, làng bánh tráng An Ngãi, mỹ nghệ sò ốc Vũng Tàu... Đồng Nai có các làng gốm Biên Hòa, làng bưởi Tân Triều, dệt thổ cẩm Tà Lài. Tây Ninh có làng nghề bánh tráng Trảng Bàng, làm muối tôm ở Gò Dầu, Trảng Bàng. Bình Phước có các nghề dệt thổ cẩm Bù Đăng; gốm sứ, mây tre đan Bù Đốp...

Nhiều điểm đến, sản phẩm trải nghiệm thu hút du khách

Trên cơ sở tài nguyên du lịch đa dạng, các tỉnh thành khu vực Đông Nam Bộ đã phát huy thế mạnh, hình thành, khai thác nhiều điểm đến, sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Từng địa phương đều có những điểm đến ghi dấu ấn, “gọi đúng” nét đặc thù, thể hiện bản sắc vùng đất, con người.

Nâng tầm phát triển cho ngành du lịch ở vùng Đông Nam Bộ ảnh 3Ga cáp treo đưa du khách lên đỉnh núi Bà Đen. (Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN)

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh: Trong giai đoạn phục hồi, phát triển du lịch sau dịch COVID-19, bên cạnh các điểm đến quen thuộc đã làm nên thương hiệu du lịch thành phố, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực phát triển nhiều sản phẩm, điểm đến đến trải nghiệm cho du khách theo hướng mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng với hàng loạt hành trình mới mẻ, tạo ấn tượng với du khách. Đó là Gò Vấp - Trăm năm tìm lại dấu xưa, Tân Bình - Biết bao điều thú vị, Hóc Môn - Vùng đất lịch sử, Quận 12 - Còn bao điều mới lạ, Quận 1 - Sống động Sài Gòn hay tour Ký ức Sài Gòn-Chợ Lớn, lái xe Vespa khám phá Quận 3 đa sắc màu, tạo sự mới mẻ cho du khách dù đã đến Thành phố Hồ Chí Minh nhiều lần.

Ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các địa phương, đơn vị, hiệp hội, doanh nghiệp tăng cường tổ chức nhiều sự kiện du lịch, văn hóa quy mô gắn với khai thác hiệu quả trên 360 điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch được hình thành từ tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa.

Với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thế mạnh du lịch biển đảo, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa-tâm linh, sinh thái với các điểm đến như Khu Du lịch phức hợp Hồ Tràm Strip, Khu Du lịch Cáp treo Hồ Mây, Khu Du lịch Lan Rừng Resort Phước Hải, Khu Du lịch Six Senses Côn Đảo.

Tiêu biểu, Resort Melia Hồ Tràm liên tục được bổ sung các sản phẩm, dịch vụ trải nghiệm, tăng thời gian lưu trú của du khách như Đại nhạc hội Let’s Charm Fest được tổ chức tại Charm Resort Hồ Tràm, Khu thương mại-dịch vụ Hamptons Plaza Hồ Tràm với cầu ngắm biển dài nhất châu Á, phố thương mại, dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế đã thu hút du khách đến nghỉ dưỡng tại khu vực Hồ Tràm (huyện Xuyên Mộc).

Tại thành phố biển Vũng Tàu, các sự kiện văn hóa-thể thao, lễ hội ẩm thực được tổ chức vào nhiều thời điểm trong năm, góp phần làm nên kết quả khá ấn tượng của du lịch địa phương trong năm 2022.

Tổng lượt khách du lịch đến tham quan và nghỉ dưỡng tại tỉnh đạt trên 12,6 triệu lượt, doanh thu từ dịch vụ lưu trú tăng tới gần 128% so với năm 2021, công suất phòng của các cơ sở lưu trú, nhất là các cơ sở lưu trú có vị trí gần biển luôn đạt hơn 95%.

Du lịch Đồng Nai, với thế mạnh gần Thành phố Hồ Chí Minh và ngay trên địa bàn có nhiều khu công nghiệp, tập trung lượng lớn người lao động, tỉnh tập trung khai thác các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng dịp cuối tuần.

Năm 2022, điểm đến Công viên nước Vịnh Kỳ diệu tại thành phố Biên Hòa được đưa vào hoạt động với sức chứa lên đến 30.000 du khách. Đồng thời, điểm đến này còn được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập 5 kỷ lục, gồm công viên nước lớn nhất Việt Nam, biển nhân tạo lớn nhất Việt Nam, sóng nhân tạo cao nhất Việt Nam, dòng sông kỳ diệu dài nhất Việt Nam và có màn hình led ngoài trời lớn nhất Việt Nam. Tất cả đã tạo thêm sản phẩm du lịch, điểm đến vui chơi giải trí mới cho du khách khi đến Đồng Nai.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai, Nguyễn Thị Mộng Bình, phát triển đa dạng sản phẩm, tỉnh tiếp tục mở rộng, phát triển nhiều điểm đến là các nhà vườn trồng cây ăn quả như chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, mít, bưởi ở các thành phố Biên Hòa, Long Khánh, huyện Xuân Lộc.

Với ưu thế thời gian di chuyển ngắn các, tour tham quan nhà vườn được được thiết kế linh hoạt, du khách có thể kết hợp tham quan và mua sắm, thưởng thức đặc sản trái cây. Vào mùa trái chín (từ tháng 5 đến tháng 9), mỗi ngày, các nhà vườn đón hàng ngàn lượt du khách đến tham quan.

Ngoài những điểm đến ghi dấu ấn của du lịch từng địa phương, các doanh nghiệp du lịch còn khai thác các sản phẩm tour mang tính liên kết, đưa du khách đến trải nghiệm ở nhiều địa phương, nhiều sắc thái văn hóa trong cùng một hành trình tour.

Các tour du lịch liên kết như Thành phố Hồ Chí Minh-Tây Ninh-Bình Dương với chủ đề “Sắc xanh ngày mới,” “Chinh phục nóc nhà Nam Bộ" hay Thành phố Hồ Chí Minh- Bình Dương-Bình Phước với chủ đề “Tình đất đỏ miền Đông,” Thành phố Hồ Chí Minh-Đồng Nai-Bà Rịa Vũng Tàu với tên gọi “Thiên nhiên xanh mát, sắc biển hòa ca”... góp phần tạo sự hấp dẫn cho du lịch Đông Nam Bộ.

Từ năm 2020-2022, các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ đã đón được trên 73,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó hơn 70,4 triệu khách nội địa, hơn 3 triệu khách quốc tế, tổng doanh thu đạt hơn 260 tỷ đồng./.

Đón đọc bài 2: Cơ hội bứt phá mới cho du lịch vùng Đông Nam Bộ

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục