NAPAS ký thỏa thuận hợp tác với AliPay phục vụ khách du lịch

Thông qua hợp tác giữa NAPAS, các ngân hàng và Alipay, các đơn vị bán hàng sẽ được cung cấp thêm một phương thức thanh toán thuận tiện, đáp ứng nhu cầu của các khách du lịch Trung Quốc.
NAPAS ký thỏa thuận hợp tác với AliPay phục vụ khách du lịch ảnh 1Ông Lê Quốc Hưng, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách điều hành NAPAS và bà Zhao Ying, Giám đốc điều hành AliPay ký kết thỏa thuận hợp tác. (Nguồn: NAPAS)

Ngày 10/11, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và Công ty quản lý dịch vụ thanh toán của Trung Quốc (Alipay) chính thức thiết lập quan hệ hợp tác thông qua việc ký kết thỏa thuận chiến lược giữa hai bên.

NAPAS đã và đang triển khai kết nối hệ thống với các tổ chức thẻ quốc tế, các tổ chức chuyển mạch quốc gia, các công ty thanh toán quốc gia để cung cấp phương tiện thanh toán cho các kênh thanh toán chính thống tại Việt Nam.

Thông qua hợp tác giữa NAPAS, các ngân hàng và Alipay, các đơn vị bán hàng sẽ được cung cấp thêm một phương thức thanh toán thuận tiện, mới mẻ để đáp ứng nhu cầu của các khách du lịch Trung Quốc thực hiện chi tiêu, mua sắm bằng ứng dụng thanh toán Alipay - tương tự như thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ hay tài khoản ngân hàng - khi đến Việt Nam.

[Tỷ phú Jack Ma: "Dùng điện thoại, kẻ móc túi sẽ thất nghiệp hết"]

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong năm 2016, khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam đạt 2,7 triệu, chiếm 27% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Trong quý 1, khách du lịch Trung Quốc tăng 64% so với cùng kỳ năm 2016, đạt gần 950.000 lượt, chiếm 30% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Bà Nguyễn Tú Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị NAPAS cho biết: “Với hợp tác giữa NAPAS, các ngân hàng và Alipay, các khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam ngoài phương tiện thanh toán bằng thẻ UnionPay có thể sử dụng thêm phương tiện thanh toán thông qua ứng dụng Alipay - đang rất được phổ biến tại Trung Quốc. Việc tổ chức kết nối và cung cấp các dịch vụ thanh toán thông qua cổng chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử của NAPAS giúp đưa luồng tiền thanh toán của các giao dịch xuyên biên giới đi qua hệ thống các ngân hàng và tổ chức thanh toán tại Việt Nam.”

Ra mắt bởi Alibaba Group vào năm 2004, Alipay hiện có hơn 520 triệu người dùng đang hoạt động, chủ yếu ở Trung Quốc. Alipay đã được phát triển từ một chiếc ví kỹ thuật số cho đến một phong cách sống. Người dùng có thể gọi taxi, đặt phòng khách sạn, hẹn gặp bác sĩ, mua vé xem phim, thanh toán hóa đơn tiện ích hoặc mua các sản phẩm quản lý tài sản trực tiếp trong ứng dụng.

Ngoài các khoản thanh toán trực tuyến, Alipay đang mở rộng để thanh toán ngoại tuyến tại cửa hàng cả trong và ngoài Trung Quốc. Alipay đã triển khai dịch vụ tới hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ bao gồm các thị trường lớn như Singapore, Anh, Bỉ, Pháp, Mỹ, Úc, Indonesia…. và hỗ trợ thanh quyết toán 18 loại tiền tệ phổ biến trên thế giới. Thị trường Việt Nam là một trong những thị trường mục tiêu tiếp theo của Alipay nằm trong chiến lược kinh doanh toàn cầu.

Ông Eric Jing, Tổng Giám đốc Công ty Ant Financial Services cho biết: “Alipay đã lựa chọn NAPAS là đơn vị đầu mối để triển khai hợp tác các dịch vụ thanh toán với sự tin tưởng vào kinh nghiệm và vị thế của NAPAS tại thị trường Việt Nam nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế trong lĩnh vực thanh toán. Chúng tôi hy vọng cung cấp cho những khách hàng của Alipay những trải nghiệm tương tự khi họ du lịch tại Việt Nam, đồng thời các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam có thể quảng bá những sản phẩm trên nền tảng Alipay và thu hút thêm nhiều hoạt động giao thương về thương mại điện tử giữa hai quốc gia.”

Trên cơ sở đánh giá khả năng và tiềm lực của hai bên, NAPAS và Aplipay sẽ tiếp tục trao đổi, tiến tới mở rộng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong việc thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

Việc hợp tác giữa hai bên được thúc đẩy nhân dịp tỷ phú Jack Ma, Chủ tịch của Alibaba đến Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục