NATO hài lòng với chiều hướng tăng ngân sách quốc phòng của các nước thành viên

Tổng Thư ký NATO bày tỏ hài lòng khi năm 2023 là năm thứ 9 liên tiếp chứng kiến xu hướng tăng cường đầu tư quốc phòng của các nước thành viên, tới 11% và là mức gia tăng chi tiêu quân sự chưa từng có.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg trong cuộc họp báo trước Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên NATO tại Brussels, Bỉ ngày 14/2/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg trong cuộc họp báo trước Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên NATO tại Brussels, Bỉ ngày 14/2/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 14/3 đã công bố báo cáo thường niên 2023, với tất cả các khía cạnh công việc của liên minh quân sự này trong năm qua.

Ông Stoltenberg trích dẫn kết quả từ cuộc khảo sát thường niên của NATO, lần đầu tiên có sự tham gia của Phần Lan và Thụy Điển, cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng ở cả hai bờ Đại Tây Dương dành cho liên minh quân sự này.

Người đứng đầu NATO nhấn mạnh: “Hơn 80% công dân của chúng tôi cho rằng Bắc Mỹ và châu Âu phải tiếp tục hợp tác cùng nhau vì an ninh chung của liên minh.”

Kết quả này chứng tỏ sự ủng hộ dành cho NATO vẫn rất vững chắc.

Năm 2023, NATO tiếp tục hỗ trợ chưa từng có cho Ukraine. Ông Stoltenberg ghi nhận lần đầu tiên, một số quốc gia thành viên trong khối đã gửi các hệ thống vũ khí và trang thiết bị tầm xa - trong đó có tên lửa Storm Shadow của Anh, tên lửa SCALP của Pháp và chiến đấu cơ F-16 - cho Ukraine.

Hiện nay, một số đồng minh đã ký thỏa thuận an ninh song phương với Ukraine.

Tổng Thư ký NATO bày tỏ hài lòng khi năm 2023 là năm thứ 9 liên tiếp chứng kiến xu hướng tăng cường đầu tư quốc phòng trên khắp châu Âu và Canada, lên tới 11% và là mức gia tăng chi tiêu quân sự chưa từng có.

Đối với năm 2024, ông Stoltenberg nhấn mạnh các đồng minh NATO ở châu Âu sẽ lần đầu tiên đầu tư tổng cộng 470 tỷ USD cho lĩnh vực quốc phòng, chiếm 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của những quốc gia này gộp lại.

Ông chia sẻ: “Năm nay, 2/3 số đồng minh sẽ đạt được mục tiêu 2% (GDP), so với chỉ 3 đồng minh vào năm 2014.”

Người đứng đầu NATO kỳ vọng các quốc gia thành viên trong khối sẽ thực hiện những bước tiếp theo để hỗ trợ Ukraine, tăng cường và tài trợ cho hệ thống phòng thủ của NATO, cũng như làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác trên toàn thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh, dự kiến diễn ra từ ngày 9-10/7 tới ở Washington (Mỹ).

Tại Hội nghị thượng đỉnh Vilnius (Litva) năm 2023, các quốc gia đồng minh NATO đã nhất trí về kế hoạch hành động quốc phòng mới nhằm thúc đẩy sản xuất, tăng cường sự gắn kết với ngành công nghiệp quốc phòng và nâng cao khả năng tương tác.

Tổng Thư ký Stoltenberg xác nhận NATO đã ký kết các hợp đồng trị giá hàng chục tỷ USD liên quan đến đạn dược và các năng lực quan trọng khác.

NATO cũng tăng cường quan hệ với các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Liên minh châu Âu (EU). Liên minh quân sự này đã trở nên mạnh mẽ hơn với sự tham gia của 2 thành viên mới là Phần Lan và Thụy Điển.

Tổng Thư ký Stoltenberg còn nêu bật sáng kiến Trung tâm Thúc đẩy Đổi mới Quốc phòng của NATO dành cho Bắc Đại Tây Dương (DIANA) đang tăng gấp đôi mạng lưới các trung tâm thử nghiệm.

Những địa điểm tầm cỡ thế giới này, nằm ở cả hai bờ Đại Tây Dương, sẽ tập trung giải quyết các thách thức quốc phòng và an ninh, đồng thời nâng cao lợi thế công nghệ của NATO trong những lĩnh vực từ trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng đến 5G, siêu vượt âm và tự động hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục