NATO-Nga hướng tới xây dựng quan hệ chiến lược

Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tuyên bố tổ chức này mong muốn tăng cường hợp tác với Nga trong khuôn khổ Hội đồng Nga-NATO.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mong muốn tăng cường hợp tác với Nga trong khuôn khổ Hội đồng Nga-NATO.

Đây là tuyên bố của Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đưa ra sau phiên họp Hội đồng Nga-NATO cấp ngoại trưởng ngày 4/12 tại Brussels (Bỉ).

Phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, ông Rasmussen cho biết tại phiên họp lần này, Hội đồng Nga-NATO đã có một cuộc thảo luận tích cực và mang tính xây dựng về nhiều vấn đề thời sự quốc tế nóng, cũng như bàn thảo các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ hợp tác song phương và hướng tới xây dựng mối quan hệ chiến lược. Các ngoại trưởng cũng đã thông qua chương trình hợp tác NATO-Nga năm 2013.

Theo ông Rasmussen, quan hệ hợp tác giữa Nga và NATO phát triển rất tốt đẹp trong nhiều lĩnh vực như chống buôn bán ma túy, khủng bố và đặc biệt là vấn đề Afghanistan.

Trong khuôn khổ chương trình Hội đồng Nga-NATO, hơn 2.500 chuyên gia chống buôn bán ma túy từ Afghanistan, các nước Trung Á và Pakistan đã trải qua khóa đào tạo tại Nga.

Bên cạnh đó, Nga còn giúp đào tạo hàng chục nhân viên kỹ thuật hàng không, cũng như cung cấp các phụ tùng thiết yếu cho lực lượng không quân Afghanistan.

Ngoài ra, Nga và NATO còn mở rộng các thỏa thuận hợp tác liên quan đến việc trung chuyển hàng hóa của NATO đến và ra khỏi Afghanistan, cũng như khởi động dự án chung về chống khủng bố trong ngành vận tải hàng không dân dụng.

Tổng Thư ký Rasmussen nhấn mạnh rằng đây là nền tảng rất tốt giúp thúc đẩy hiện thực hóa chương trình hợp tác đầy tham vọng trong năm tới.

Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng xác nhận cuộc họp diễn ra trong bầu không khí cởi mở, tin tưởng và mang tính đối tác, trong đó hai bên đã thảo luận các biện pháp giúp củng cố an ninh cho các nước thành viên NATO và Nga.

Theo ông Lavrov, Nga và NATO có lập trường chung về nhiều vấn đề như chống khủng bố, buôn bán ma túy và cướp biển... Hai bên cũng nhất trí sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc thảo luận để tìm giải pháp tháo gỡ những bất đồng tồn đọng, trong đó có kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu và vấn đề Afghanistan sau năm 2014 - thời điểm lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế hầu hết được rút khỏi chiến trường Nam Á này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục