Nền kinh tế số Việt Nam dự kiến sẽ đạt 30 tỷ USD vào năm 2025

Theo một nghiên cứu, nền kinh tế số Việt Nam được định giá khoảng 3 tỷ USD vào năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD vào năm 2018 và dự kiến sẽ đạt 30 tỷ USD vào năm 2025.
Nền kinh tế số Việt Nam dự kiến sẽ đạt 30 tỷ USD vào năm 2025 ảnh 1Theo bài viết trên trang Open Gov Asia, nền kinh tế số Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. (Nguồn: opengovasia.com)

Nền kinh tế số của Việt Nam được định giá 9 tỷ USD vào năm 2018 và dự kiến đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Đây là nhận định được đưa ra trong bài viết đăng tải trên trang Open Gov Asia ngày 24/9.

Theo bài viết, nền kinh tế số Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, mang lại những đóng góp quan trọng cho kinh tế của đất nước.

Theo một nghiên cứu, nền kinh tế số Việt Nam được định giá khoảng 3 tỷ USD vào năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD vào năm 2018 và dự kiến sẽ đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. 

Trong những năm qua, Việt Nam đã chứng kiến sự bùng nổ trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến. Xu hướng thương mại điện tử và sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới trên Internet đã thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân.

[Kinh tế số sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng nhanh cho Việt Nam]

Bài báo nhấn mạnh thương mại điện tử là lĩnh vực phát triển nhanh nhất, tăng trưởng khoảng 30% mỗi năm, với doanh thu năm 2018 đạt khoảng 8 tỷ USD và ước tính đạt ít nhất 10 tỷ USD vào năm 2020.

Theo tác giả bài báo, các doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam cũng phát triển với doanh thu khoảng 6,1 tỷ USD, tạo ra hơn 851.000 việc làm.

Ngành quảng cáo trực tuyến đang phát triển nhanh chóng, với doanh thu dự báo hơn 1 tỷ USD vào năm 2020, cao gấp 3 lần so với số liệu năm 2016.

Tuy nhiên, bài viết cũng chỉ ra những thách thức đối với Việt Nam trong thời kỳ bùng nổ nền kinh tế số như vấn đề an ninh mạng, áp lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập...

Tác giả cho rằng để đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững, những vấn đề này đòi hỏi các giải pháp hỗ trợ đồng bộ và nỗ lực từ cả khu vực tư nhân và nhà nước, trong đó có việc tạo ra các hành lang pháp lý thuận lợi kèm theo các tài liệu quy phạm phù hợp với nền kinh tế số, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, trang bị các giải pháp công nghệ kỹ thuật số hiện đại, đưa ra chính sách ưu đãi thuế đối với hoạt động đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và bảo mật thông tin./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục