Nền kinh tế thế giới có thể lần đầu đạt mốc 100.000 tỷ USD vào 2022

CEBR có trụ sở tại London (Anh) dự báo GDP toàn cầu trong năm 2022 sẽ cao hơn so với mức trước đại dịch và lần đầu tiên sẽ lên tới 100.000 tỷ USD.
Nền kinh tế thế giới có thể lần đầu đạt mốc 100.000 tỷ USD vào 2022 ảnh 1Người dân mua thực phẩm trong siêu thị tại Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo báo cáo thường niên của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) được công bố ngày 26/12, sản lượng kinh tế thế giới sẽ lần đầu tiên đạt mốc 100.000 tỷ USD vào năm 2022, bất chấp các tác động đeo đẳng của đại dịch COVID-19.

Trong báo cáo, CEBR có trụ sở tại London (Anh) dự báo GDP toàn cầu trong năm 2022 sẽ cao hơn so với mức trước đại dịch và lần đầu tiên sẽ lên tới 100.000 tỷ USD. Năm 2020, CEBR dự báo kinh tế thế giới sẽ đạt mốc này vào năm 2024.

Theo các nhà phân tích, bất chấp sự xuất hiện của biến thể Omicron vào cuối tháng 11 vừa qua, các quốc gia trên thế giới sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế ít siết chặt hơn nhờ khả năng miễn dịch được cải thiện nhiều, trong khi khả năng thích ứng hơn với đại dịch của nền kinh tế đồng nghĩa là các biện pháp hạn chế được áp đặt trở lại sẽ gây ít thiệt hại hơn so với trước đây.

CEBR cho rằng lạm phát sẽ là vấn đề hàng đầu mà các nước cần phải giải quyết trong những năm tới.

[Những thách thức lớn nhất đối với kinh tế thế giới trong năm 2022]

Phó Chủ tịch CEBR, Douglas McWilliams nêu rõ: "Vấn đề quan trọng đối với năm 2022 là cách thức đối phó với lạm phát của các nền kinh tế thế giới, hiện tỷ lệ lạm phát tại Mỹ đã lên tới 6,8%."

Theo báo cáo, Trung Quốc đang trên đà chiếm vị trí của Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030. Ấn Độ được dự báo sẽ vượt Pháp vào năm 2022 trong khi Anh sẽ giành lại vị trí là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới vào năm 2023.

Báo cáo cũng dự báo Đức có thể vượt Nhật Bản về sản lượng công nghiệp vào năm 2033 trong khi Nga sẽ lọt vào top 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2036./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục