Theo trang mạng cfisnet.com, ưu thế khác nhau của ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là cơ sở để tiến tới một hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ba nước.
Không thể phủ nhận rằng căng thẳng ngày càng gia tăng trong quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc hiện nay sẽ ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán FTA Trung-Nhật-Hàn, nhưng điều đó sẽ không làm lung lay quyết tâm thiết lập FTA của ba nước.
Việc thành lập FTA này sẽ giúp tự do hóa hàng hóa, nhân sự và vốn, mang lại lợi ích cho việc điều chỉnh và phát triển ngành nghề của ba nước, cũng như thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế ở khu vực châu Á và thế giới.
Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã trở thành những quốc gia quan trọng trong nền kinh tế thế giới.
[Cạnh tranh Trung-Nhật trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương]
Tổng GDP của ba nước lên tới 20.000 tỷ USD, chiếm 20% GDP toàn cầu, đã vượt qua Liên minh châu Âu (EU) và chỉ đứng sau Khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ.
Mặc dù, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là những đối tác hợp tác kinh tế và thương mại quan trọng của nhau. Tuy nhiên, hợp tác thương mại giữa ba nước chỉ chiếm khoảng 20% tổng quy mô thương mại của cả nước.
Do đó, có tiềm năng lớn trong việc phát triển hợp tác kinh tế, thương mại giữa ba nước và đẩy nhanh việc xây dựng FTA Trung-Nhật-Hàn.
Quá trình phát triển quan hệ hợp tác Trung-Nhật-Hàn
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản và Hàn Quốc, còn Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt là đối tác thương mại lớn thứ hai và thứ ba của Trung Quốc và cũng là nhà đầu tư lớn thứ nhất và thứ hai.
Quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc không ngừng đi vào chiều sâu, chuỗi công nghiệp cũng mang tính liên kết cao, lợi ích của tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư phát triển sâu rộng.
Khi Trung Quốc và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1972, kim ngạch thương mại song phương chỉ là 1,1 tỷ USD.
Sau khi Trung Quốc thực hiện cải cách và mở cửa, kim ngạch thương mại song phương năm 1978 đạt 5,1 tỷ USD và năm 1981 đã vượt quá 10 tỷ USD. Sau 36 năm, đến năm 2017, con số này tăng lên 296,9 tỷ USD.
Kể từ khi kim ngạch thương mại Trung-Nhật vượt qua kim ngạch thương mại Mỹ-Nhật vào năm 2008, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản trong 12 năm liên tiếp.
Từ năm 1978, đầu tư trực tiếp của các công ty Nhật Bản vào Trung Quốc đã xuất hiện 4 cao trào, trở thành một trong những nhà đầu tư nước ngoài chính của Trung Quốc.
Sau năm 2013, do đồng yen tăng giá mạnh và trận động đất-sóng thần ở Nhật Bản, đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc đã bị thu hẹp, nhưng sau năm 2017, xu hướng đầu tư đã tăng dần trở lại.
Đặc biệt, đến năm 2018, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc-Nhật Bản đã cán mốc 300 tỷ USD, năm 2020 đạt 317,5 tỷ USD, hợp tác kinh tế thương mại giữa hai bên bước sang một giai đoạn mới.
Trong hai năm qua, dưới tác động của cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động, Trung Quốc và Nhật Bản đã đẩy mạnh hợp tác phát triển sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) và thị trường nước thứ ba, đồng thời hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực tài chính. Hai nước đã thiết lập một mối quan hệ mới từ “cạnh tranh sang phối hợp."
Về phía quan hệ Trung-Hàn, sau khi Trung Quốc và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai bên liên tục phát triển. Ngoại trừ năm 1997 và 2008 quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai bên suy giảm do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, những năm khác đều duy trì đà phát triển nhanh chóng.
Trong 10 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao Trung-Hàn (1992-2002), kim ngạch thương mại song phương đã tăng từ 5,02 tỷ USD lên 44,1 tỷ USD, tăng gần 8 lần. Hai nước đã thiết lập quan hệ “Đối tác hợp tác.”
Trong vòng 10 năm từ 2003-2013, kim ngạch thương mại tăng gấp 3 lần. Mối quan hệ giữa hai nước đã được nâng cấp lên thành “Đối tác chiến lược.”
Hiệp định thương mại tự do giữa Trung Quốc và Hàn Quốc có hiệu lực từ tháng 12/2015.
Dưới tác động của đại dịch COVID-19, kim ngạch thương mại song phương năm 2020 đạt 285,26 tỷ USD, quan hệ kinh tế thương mại Trung-Hàn đã bước sang một kỷ nguyên mới.
Xét đến hợp tác thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, hai bên cũng có quan hệ kinh tế và thương mại chặt chẽ. Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Nhật Bản.
Trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại song phương đều ở mức 70-80 tỷ USD, đầu tư lẫn nhau giữa hai bên không ngừng tăng lên.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Thương mại Nhật Bản, năm 2018, trong số các công ty Nhật Bản đầu tư ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Hàn Quốc là nơi các công ty Nhật Bản có tỷ lệ lợi nhuận cao nhất, lên tới 85%.
Trong quan hệ ngoại thương giữa Trung Quốc và Nhật Bản, xuất khẩu máy móc, thiết bị và sản phẩm điện tử của Trung Quốc sang Nhật Bản đã tăng lên đáng kể.
Phần lớn trong số này là dưới hình thức gia công, hầu hết các sản phẩm của doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc đều được xuất khẩu cho các công ty nội địa Nhật Bản, tức là trong phạm vi nội bộ công ty.
Trong khi đó, các mặt hàng Hàn Quốc nhập khẩu từ Trung Quốc cũng đã thay đổi từ các sản phẩm sơ cấp sang bán thành phẩm hoặc thành phẩm công nghiệp, thương mại trong phạm vi nội bộ ngành nghề ngày càng trở nên phổ biến.
Nền tảng đi đến FTA Trung-Nhật-Hàn
Các lợi thế công nghiệp khác nhau của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là cơ sở để hình thành FTA ba nước.
Nhật Bản và Hàn Quốc tương đối phát triển và có lợi thế rõ ràng trong các ngành sử dụng hàm lượng công nghệ cao, trong khi lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc chủ yếu nằm trong các ngành sử dụng nhiều tài nguyên và lao động.
Với những thay đổi của tình hình quốc tế và sự điều chỉnh cơ cấu kinh tế của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, việc làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa ba nước sẽ đem lại nhiều lợi ích.
So với châu Âu và Mỹ, FTA giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc muộn hơn EU và Bắc Mỹ. Việc Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc thành lập FTA sẽ góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng kinh tế ở châu Á và thế giới.
Kể từ khi Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc bắt đầu đàm phán FTA vào tháng 3/2013, tính đến tháng 4/2019, ba bên đã tổ chức được 16 vòng đàm phán. Ba nước đã trao đổi đầy đủ quan điểm về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, các vấn đề quy hoạch và đã có những tiến triển tích cực.
Đặc biệt, việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào cuối năm 2020 đã tạo điều kiện tốt để thúc đẩy đàm phán FTA Trung-Nhật-Hàn.
Trung Quốc sẵn sàng cùng Nhật Bản và Hàn Quốc tháo gỡ khó khăn, tận dụng nguồn lực hiện có, duy trì tham vấn, trao đổi thông qua nhiều hình thức như trao đổi trực tuyến, trao đổi qua điện thoại để đẩy nhanh tiến độ đàm phán FTA và cố gắng đạt được những kết quả thực chất càng sớm càng tốt.
Ở giai đoạn đầu của cuộc đàm phán FTA giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, phía Nhật Bản và Hàn Quốc lo ngại về việc mở cửa thị trường nông sản, và Trung Quốc cũng lo lắng về tác động đến lĩnh vực sản xuất ôtô và thiết bị.
Tuy nhiên, với việc hợp tác kinh tế và thương mại giữa ba nước ngày càng đi vào chiều sâu, tình hình đã có nhiều thay đổi đáng kể. Thị trường của ba nước ngày càng mở rộng cửa, đồng thời Trung Quốc cũng trở thành nhà sản xuất ôtô lớn.
Ba bên ý thức được việc Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc thiết lập một FTA có thể phát huy triệt để tác dụng bổ sung lẫn nhau trong lĩnh vực ngành nghề của ba nước.
Trung Quốc có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, thị trường rộng lớn, cơ cấu công nghiệp và thương mại sử dụng nhiều lao động hơn, nhưng vẫn còn khoảng cách giữa Nhật Bản và Hàn Quốc về công nghệ, vốn và trình độ đổi mới.
Phía Nhật Bản có nguồn vốn dồi dào và công nghệ tiên tiến, nhưng thị trường còn hạn chế. Còn thị trường của Hàn Quốc nhỏ và tài nguyên khan hiếm, việc thiết lập quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại chặt chẽ với hai nước láng giềng là Trung Quốc và Nhật Bản có thể thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Do đó, Hàn Quốc sẵn sàng thúc đẩy thiết lập FTA Trung-Nhật-Hàn, đặc biệt khi chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ đang gia tăng.
Việc xây dựng một FTA giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ không chỉ giúp thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài mà còn giúp điều chỉnh cơ cấu công nghiệp.
Là một quốc gia mới công nghiệp hóa, Hàn Quốc đã có kinh nghiệm công nghiệp hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công.
Với việc loại bỏ hoặc giảm bớt các rào cản thương mại và đầu tư, các nguồn lực khác nhau trong khu vực sẽ được phân bổ hợp lý hơn, có lợi cho việc mở rộng quy mô thị trường, tăng năng suất lao động, đạt được hội nhập kinh tế và thịnh vượng chung.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng khi ba nước ký kết hiệp định thương mại tự do, GDP của mỗi nước có thể tăng thêm 2%. Đặc biệt, khi FTA tiếp tục phát triển, nó sẽ không chỉ tăng cường hợp tác kinh tế giữa ba nước, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau về chính trị, mà còn có lợi cho hòa bình và tiến bộ của Đông Bắc Á, và sự phát triển của châu Á và thế giới.
Hội nhập kinh tế châu Á được thể hiện bởi FTA Trung-Nhật-Hàn sẽ giúp chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại và đảm bảo an ninh và ổn định kinh tế ở khu vực.
Quan hệ Nhật-Hàn ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán FTA Trung-Nhật-Hàn
Trong những năm gần đây, căng thẳng trong quan hệ Nhật Bản và Hàn Quốc ngày càng gia tăng.
Mâu thuẫn khó hàn gắn giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã ảnh hưởng đến Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc thường niên đã không được tổ chức vào năm ngoái như dự kiến và làm mất cơ hội hòa giải một phần quan hệ giữa hai bên.
Cùng với tác động của việc già hóa dân số trầm trọng và đại dịch COVID-19, sự suy thoái kinh tế của Nhật Bản đã làm gia tăng tâm lý phản đối giữa hai bên.
Xuất khẩu các sản phẩm của Hàn Quốc sang Nhật Bản gặp trở ngại. Năm 2020, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Nhật Bản là 25,08 tỷ USD, giảm 11,8% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu phụ tùng ôtô và các sản phẩm hóa dầu của Hàn Quốc sang Nhật Bản giảm đáng kể. Doanh số bán các sản phẩm Nhật Bản tại Hàn Quốc cũng tiếp tục giảm.
Công ty Uniqlo của Nhật Bản đã đóng cửa 26 cửa hàng tại thị trường Hàn Quốc vào năm ngoái và dự kiến sẽ còn một số cửa hàng sẽ đóng cửa trong năm nay.
Khi nói về quan hệ Nhật-Hàn thời gian gần đây, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản cho rằng quan hệ hai nước đang ở trong tình trạng khó khăn chưa từng có.
Không thể phủ nhận rằng mâu thuẫn gia tăng trong quan hệ Nhật-Hàn sẽ ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán FTA giữa ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng chắc chắn điều đó sẽ không làm lung lay quyết tâm thiết lập một FTA của ba nước.
Ngày 1/3/2021 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc đã nói rõ trong bài phát biểu của mình rằng Hàn Quốc sẵn sàng đối thoại với Nhật Bản bất cứ lúc nào và cam kết phát triển quan hệ Hàn-Nhật hướng tới tương lai.
Đồng thời, cam kết sẽ hợp tác để tổ chức thành công Thế vận hội Olympic Tokyo.
Dư luận tin rằng Olympic Tokyo được tổ chức trong năm nay có thể tạo cơ hội cho đối thoại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản./.