Sau một thế kỷ kinh doanh tại Brazil, nhà sản xuất thực phẩm Thụy Sỹ Nestle phải đối mặt với những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Việc cắt giảm phiếu hỗ trợ thực phẩm trong bối cảnh giá thực phẩm gia tăng khiến các tổ chức công đoàn ở quốc gia Nam Mỹ này rất bất bình.
Tại nhà máy sản xuất chocolate Garoto tại Vila Velha, bang Espírito Santo, Nestlé có kế hoạch giảm một nửa giá trị phiếu thực phẩm từ 680 real (khoảng 120 USD) xuống 350 real (60 USD).
Nhà máy sản xuất chocolate Garoto là một thương hiệu nổi tiếng được Nestlé mua lại vào năm 2001 và đã đưa "gã khổng lồ" thực phẩm Thụy Sỹ trở thành người dẫn đầu thị trường chocolate Brazil vào thời điểm đó.
Các nhân viên của nhà máy đã phản đối quyết định cắt giảm trợ cấp thực phẩm của Nestle ngay khi quyết định được thông báo vào tháng 1/2021. Việc cắt giảm trợ cấp tại nhà máy Vila Velha không phải là một trường hợp cá biệt.
Hai cơ sở sản xuất chocolate và sữa ở Feira de Santana, thuộc bang Bahia, phía Đông Bắc nước này, cũng bị ảnh hưởng. Tháng 11/2020, công ty đã giảm một nửa giá trị phiếu ăn cho hơn 600 nhân viên.
Brazil hiện là thị trường lớn thứ năm của Nestlé với doanh thu 2,79 tỷ CHF (2,94 tỷ USD) trong năm 2020. Nestlé trong năm vừa qua đã sa thải hơn 100 nhân viên tại các nhà máy ở Feira de Santana, ngoài việc đóng cửa một đơn vị khác ở Itabuna, thành phố cách đó 350km về phía Nam.
[Doanh nghiệp Thụy Sỹ mở cửa trở lại sau khi Chính phủ nới lỏng các hạn]
Ở Brazil, hỗ trợ thực phẩm, được cung cấp dưới dạng phiếu mà nhân viên có thể đổi lấy sản phẩm trong siêu thị, là hình thức không bắt buộc, nhưng thường được các công ty sử dụng như một cách để mang lại lợi ích cho nhân viên.
Trên thực tế, hình thức hỗ trợ này bổ sung cho tiền lương của người lao động và có thể là một cứu cánh cho những người làm công ăn lương thấp.
Việc cắt giảm lợi ích thực phẩm đến vào thời điểm Brazil đang đối mặt với tình hình đại dịch COVID-19 ngày càng xấu đi. Nhiều thành phố, bao gồm Vila Velha, nơi có nhà máy sản xuất chocolate Garoto, đã áp dụng các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại và đóng cửa các cơ sở kinh doanh như nhà hàng và quán bar. Ngoài ra, giá lương thực tăng liên tục, ảnh hưởng nhiều nhất đến người lao động lương thấp.
Ví dụ, giá gạo và đậu, chiếm phần lớn trong khẩu phần ăn chính của hầu hết người Brazil, đã tăng lần lượt 76% và 45% vào năm 2020. Con số này cao hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát trung bình trên toàn quốc (4,5%). Giá các mặt hàng thiết yếu khác như thịt, dầu ăn và đường cũng tăng trong những tháng gần đây. Sự mất giá của đồng real của Brazil, các yếu tố mùa vụ và sự gia tăng xuất khẩu lương thực trong những năm gần đây là những lý do giải thích cho tình trạng này.
Nestlé Brazil đã tiến hành các cuộc đàm phán với các tổ chức công đoàn khác nhau ở từng khu vực. Theo các thành viên công đoàn, việc cắt giảm trợ cấp lương thực bắt đầu đầu tiên ở São Paulo, nơi chiếm 50% lực lượng lao động của công ty.
Năm 2019, công ty đã sa thải hơn 200 công nhân, nhưng cho phép họ làm việc trở lại sau khi nhận lệnh của tòa án. Tuy nhiên, đổi lại các công đoàn buộc phải chấp nhận thỏa thuận cắt giảm các quyền lợi của nhân viên, bao gồm cả phiếu hỗ trợ ăn uống.
Artur Júnior, Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nhân Quốc gia trong các ngành công nghiệp thực phẩm và liên quan (CNTA Afins), giải thích: “Với việc đất nước đang đối mặt với tình trạng thất nghiệp gia tăng liên tục, chúng tôi không có lựa chọn nào khác."
Theo Phó Chủ tịch Júnior, Nestlé giống như nhiều công ty lớn khác, đang tận dụng lợi thế của cải cách lao động Brazil mà Quốc hội nước này thông qua vào năm 2017. Cải cách làm giảm khả năng thương lượng của công đoàn. Khi doanh nghiệp tăng cường thuê lao động thì họ cũng dễ dàng sa thải lao động hơn.
Nhà máy đầu tiên của Nestle tại Brazil được xây dựng vào năm 1921 tại Araras, thuộc bang São Paulo, và được sử dụng để sản xuất sữa đặc. Ngày nay, Nestle có hơn 20.000 nhân viên, với các đơn vị sản xuất ở 8 bang và 25 thành phố của Brazil. Để đánh dấu một thế kỷ có mặt tại đất nước này, công ty đã thực hiện một chiến dịch quảng cáo với chủ đề “nuôi dưỡng một tương lai tốt đẹp hơn.”
Tuy nhiên, nhiều công nhân gặp khó khăn trong việc mua thức ăn trong thời kỳ đại dịch. Chẳng hạn như trường hợp của Ronivaldo de Jesus Almeida, 32 tuổi, nhân viên kho hàng tại nhà máy Vila Velha của Nestlé, phiếu ăn do công ty cung cấp tương đương khoảng 1/3 tiền lương của anh (1.944 real).
Giống như hầu hết phụ nữ Brazil, vợ của anh Almeida không có thu nhập ổn định và gia đình anh còn phải nuôi con gái. Với một người đã làm việc tại nhà máy Vila Velha trong một thập kỷ, anh Almeida cho rằng việc cắt giảm phúc lợi thực phẩm là sự "thiếu tôn trọng."
Trên trang web của mình, Nestlé tuyên bố họ đang làm rất nhiều điều cho nhân viên và cộng đồng khi cần đối phó với đại dịch COVID-19 và đặc biệt đề cập đến việc cải thiện an ninh lương thực: “Chúng tôi đã quyên góp cho các ngân hàng thực phẩm, các tổ chức giao thực phẩm và các tổ chức cứu trợ như Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ để hỗ trợ những người gặp khó khăn.” Tuy nhiên, ở Brazil, công ty lại cắt giảm phúc lợi lương thực của công nhân./.