Nga chỉ trích các lệnh trừng phạt của Mỹ làm tổn hại đối thoại 2 nước

Bộ Ngoại giao Nga cũng khẳng định gói trừng phạt mới của Washington chỉ khiến cuộc đối thoại giữa hai nước về hàng loạt vấn đề, cả theo cơ chế đa phương lẫn song phương, trở nên khó khăn hơn.
Nga chỉ trích các lệnh trừng phạt của Mỹ làm tổn hại đối thoại 2 nước ảnh 1Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. (Nguồn: TASS)

Vài giờ sau khi gói biện pháp trừng phạt đầu tiên mà Mỹ áp dụng nhằm vào Nga do vụ cựu điệp viên Nga bị đầu độc tại Anh chính thức có hiệu lực, ngày 27/8, điện Kremlin tuyên bố bất kỳ phản ứng nào của Tổng thống Nga Vladimir Putin đều phù hợp với lợi ích quốc gia.

Trong một tuyên bố, Điện Kremlin cho biết cần có thêm thời gian để đánh giá những tác động của các biện pháp trừng phạt của Mỹ trước khi cân nhắc các phản ứng.

Tuy nhiên, tuyên bố khẳng định Tổng thống Putin sẽ hành động phù hợp với lợi ích quốc gia Nga.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cũng khẳng định gói trừng phạt mới của Washington sẽ không thể buộc Moskva thay đổi con đường đã lựa chọn, là kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia, mà chỉ khiến cuộc đối thoại giữa hai nước về hàng loạt vấn đề, cả theo cơ chế đa phương lẫn song phương, trở nên khó khăn hơn.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova một lần nữa chỉ trích việc Mỹ áp đặt trừng phạt Moskva dù không có bằng chứng nào chứng minh Moskva đứng sau vụ cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái bị đầu độc.

Bà nhấn mạnh Moskva coi quyết định mới của Washington là một phần của chính sách có chủ định mà Mỹ theo đuổi nhằm làm xói mòn cơ chế quốc tế trong lĩnh vực kiểm soát và không phổ biến vũ khí, gồm cả vũ khí hóa học.

[Gói biện pháp trừng phạt thứ nhất của Mỹ nhằm vào Nga có hiệu lực]

Cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng chính sách trừng phạt của Mỹ nhằm vào các nước khác, vốn là các đối tác của Liên minh châu Âu (EU), buộc châu Âu phải phản ứng.

Trong bài phát biểu tại hội nghị thường niên những người đứng đầu phái đoàn ngoại giao của Đức ở nước ngoài, Ngoại trưởng Maas nhấn mạnh: “Chính sách trừng phạt của Washington khiến chúng ta phải tìm kiếm một câu trả lời của châu Âu, và việc Mỹ gấp rút phát động các biện pháp trừng phạt không cụ thể chống lại Nga, Trung Quốc và các đối tác thương mại khác của EU gây ảnh hưởng đáng kể đối với châu Âu và Đức. Vì vậy, chúng ta phải phản ứng trước điều đó.”

Quan chức ngoại giao hàng đầu của Đức lưu ý EU đang tìm cách phát triển các thể chế độc lập với Mỹ, nhất là Quỹ Tiền tệ châu Âu, và tạo ra một hệ thống thanh toán giúp họ có thể bảo vệ các quan hệ kinh doanh với Iran. Tuy nhiên, ông Maas vẫn nhấn mạnh Mỹ là “đối tác thân thiết nhất” của EU.

Trước đó cùng ngày, gói biện pháp trừng phạt đầu tiên mà Mỹ áp dụng chống Moskva do vụ đầu độc cựu điệp viên Nga tại Anh đã có hiệu lực. Theo đó, Mỹ chấm dứt các hoạt động hỗ trợ, hoạt động buôn bán vũ khí và cấp tài chính dành cho Nga.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng sẽ từ chối các khoản tín dụng và cấm xuất khẩu sang Nga một số công nghệ và mặt hàng an ninh. Gói biện pháp trừng phạt này không được áp dụng với hạng mục hợp tác giữa Nga và Mỹ trong lĩnh vực vũ trụ.

Ngày 8/8, Mỹ thông báo sẽ áp đặt 2 gói trừng phạt mới nhằm vào Nga sau khi Washington cáo buộc Moskva đứng sau vụ đầu độc nêu trên.

Gói biện pháp trừng phạt thứ hai, dự kiến được áp dụng từ tháng 11/2018, bao gồm hạ cấp quan hệ ngoại giao, cấm hãng hàng không Nga Aeroflot bay đến Mỹ, cấm xuất khẩu và nhập khẩu.

Biện pháp trừng phạt này chỉ được dỡ bỏ nếu Nga đưa ra bảo đảm sẽ không sử dụng vũ khí hóa học trong tương lai và đồng ý cho phép Liên hợp quốc tiến hành các cuộc kiểm tra “tại chỗ.” Cho đến nay, Nga luôn bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến vụ đầu độc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục