Nga đa dạng hóa hình thức cung cấp khí đốt cho châu Á

Trong bối cảnh giá khí đốt ở châu Á tăng cao đột biến, hồi tháng 1/2021, công ty Yamal LNG của Nga đã thử nghiệm cho hai tàu chở khí đốt hóa lỏng đến Trung Quốc mà không cần tàu phá băng dẫn đường.
Nga đa dạng hóa hình thức cung cấp khí đốt cho châu Á ảnh 1Tàu Christophe de Margerie chở khí đốt hóa lỏng đến Trung Quốc (Nguồn: Neftegaz)

Trong bối cảnh giá khí đốt ở châu Á tăng cao đột biến, hồi đầu tháng 1/2021, lần đầu tiên, công ty Yamal LNG của Nga đã thử nghiệm cho hai tàu Nikolay Evgenov và Christophe de Margerie chở khí đốt hóa lỏng đến Trung Quốc dọc theo Tuyến đường Biển phía Bắc về phía Đông mà không cần có tàu phá băng dẫn đường.

Hai tàu này dự kiến sẽ cập cảng Đại Liên và Thiên Tân vào cuối tháng này. Nếu thử nghiệm thành công, chuyến đi này sẽ mở ra khả năng Nga có thể cung cấp khí đốt Yamal cho châu Á ngay cả khi không có tàu phá băng hạt nhân trong 9 tháng của năm, ngoại trừ thời gian từ tháng 3-5, khi điều kiện thời tiết ở Bắc Cực phức tạp nhất.

Giới chuyên gia Nga cho rằng Nga hiện là quốc gia duy nhất có khả năng vận chuyển hàng hóa quy mô lớn dọc theo Tuyến đường Biển phía Bắc, vì nước này có đội tàu phá băng hùng hậu. Về mặt kinh tế, điều này rất có lợi, vì con đường qua Bắc Băng Dương ngắn hơn hai lần so với con đường phía Nam qua kênh đào Suez.

[Nga muốn xúc tiến dự án tuyến đường ống 'Sức mạnh Siberia-2']

Với mức giá khí đốt cao bất thường hiện nay ở châu Á, khoảng 800 USD - 1000 USD/ 1.000 mét khối (cao hơn khoảng 2,5 lần so với châu Âu), nguồn cung khí đốt của Nga sang châu Á thông qua Tuyến đường Biển phía Bắc sẽ luôn có lãi.

Dựa trên đánh giá trữ lượng khí đốt tự nhiên khổng lồ trên bán đảo Yamal và thềm lục địa của Nga ở Bắc Cực, các chuyên gia dự đoán, Nga có thể sớm trở thành nhà cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) chính cho châu Á trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục