Ngày 27/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moskva đang nỗ lực giải quyết tình hình xung quanh Hành lang Lachin thông qua lực lượng gìn giữ hòa bình và ở cấp độ chính trị.
Bà Zakharova nêu rõ: "Những nỗ lực cần thiết để giải quyết tình hình xung quanh Hành lang Lachin đang được lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga thực hiện trên thực địa cũng như ở cấp độ chính trị nhằm đưa về đúng lộ trình đã vạch ra trong thỏa thuận ba bên ngày 9/11/2020."
Theo bà, Nga cho rằng "điều tối quan trọng là phải đảm bảo rằng chính quyền Armenia đóng góp vào việc tìm kiếm giải pháp được cả hai bên chấp nhận."
Hôm 24/4 vừa qua, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh "không có lựa chọn thay thế" cho thỏa thuận năm 2020 và Moskva đang phối hợp với cả Azerbaijan và Armenia để giải quyết tình hình hiện nay. Ông Peskov nêu rõ: "Nga đang tiếp tục tiếp xúc với cả hai nước và tình hình thực sự khó khăn."
Trong khuôn khổ chuyến thăm Azerbaijan, ngày 27/4, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna tuyên bố hòa bình giữa Azerbaijan và Armenia liên quan tới khu vực tranh chấp Nargony-Karabakh là "có thể."
[Armenia: LHQ có thể cử phái đoàn tìm hiểu thực tế tới Hành lang Lachin]
Ngoại trưởng Colonna nhấn mạnh: "Có thể kết thúc xung đột và kiến tạo hòa bình. Quá trình này sẽ dài và khó khăn nhưng có khả năng thành công." Bà Colonna còn phản đối quyết định của Azerbaijan thiết lập một trạm kiểm soát ở đầu Hành lang Lachin nối Armenia với vùng Nargony-Karabakh.
Quan hệ giữa Azerbaijan và Armenia leo thang căng thẳng sau khi Baku ngày 23/4 thiết lập một trạm kiểm soát trên tuyến đường bộ duy nhất đi qua lãnh thổ Azerbaijan và nối Armenia với khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh.
Cụ thể, Cơ quan biên phòng Azerbaijan cho biết lực lượng này đã thiết lập trạm kiểm soát trên biên giới bên trong lãnh thổ nước này, lối vào tuyến đường Lachin-Khankendi (phía Armenia gọi là Stepanakert).
Bộ Ngoại giao Armenia cho rằng việc Azerbaijan thiết lập trạm kiểm soát trên là vi phạm thỏa thuận ngừng bắn mà các bên đã đạt được năm 2020. Trong thỏa thuận ngừng bắn này, Azerbaijan nhất trí đảm bảo an ninh cho người, xe cộ và hàng hóa di chuyển dọc tuyến đường trên ở cả hai phía.
Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào nước này. Căng thẳng gia tăng giữa hai nước láng giềng với đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.
Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hàng chục cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, nhưng chưa tìm được biện pháp hòa giải phù hợp.
Hồi tháng 5/2022, hai nước thông báo đã thành lập ủy ban phân định biên giới và động thái này được đánh giá là bước đi hướng tới việc sớm chấm dứt tranh chấp khu vực Nagorny-Karabakh./.