Theo hãng tin Reuters, ngày 24/2, Bộ Quốc phòng Nga thông báo quân đội của nước này đang hỗ trợ hỏa lực cho các lực lượng ở miền Đông Ukraine.
Trước đó, cùng ngày, đại diện lực lượng vũ trang của Cộng hoà Nhân dân Luhansk (LPR) tự xưng, ông Ivan Filiponenko cho biết lực lượng này đã phát động chiến dịch quân sự nhằm vào một số vùng lãnh thổ đang do quân đội Ukraine kiểm soát.
Ông Filiponenko cho biết các đơn vị dân quân chỉ nhắm đến các cơ sở quân sự, nơi tập trung binh sỹ và thiết bị quân sự của lực lượng vũ trang Ukraine và không gây đe doạ đối với dân thường.
Ông này cũng kêu gọi người dân LPR đang sống ở khu vực tiền tuyến, cũng như các vùng lãnh thổ do quân đội Ukraine kiểm soát, không ra khỏi nhà và xuống hầm trú ẩn.
Hiện có nhiều thông tin trái chiều về thiệt hại của hai bên. Theo hãng tin Interfax, hai máy bay quân sự Su-24 của Ukraine bị bắn rơi gần làng Smeloe và Stepovoye ở Donbass trong khi hai máy bay không người lái Bayraktar bị bắn rơi trên thành phố Shchastya ở Luhansk.
Trong khi đó, quân đội Ukraine thông báo có 5 máy bay và 1 trực thăng của Nga bị bắn hạ tại miền Đông Ukraine nhưng phía Nga bác bỏ thông tin này.
Theo hãng tin Sputnik, ngày 24/2, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết khối này có kế hoạch tổ chức sơ tán, bao gồm cả nhân viên khỏi các khu vực ở Ukraine bị ảnh hưởng bởi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.
[Nga khẳng định không gây đe dọa đối với dân thường ở Ukraine]
Phát biểu với báo giới, ông Borrell nêu rõ EU sẽ tích cực hỗ trợ các hoạt động sơ tán, bao gồm cả các nhân viên của khối, khỏi các khu vực bị ảnh hưởng bởi chiến sự. Ngoài ra, EU cũng sẽ xem xét các phương án để hỗ trợ cho Ukraine.
Trong động thái tương tự, Đại sứ quán Ấn Độ tại Ukraine cho biết đang triển khai các biện pháp nhằm sơ tán công dân Ấn Độ tại quốc gia châu Âu này.
Tại Moldova, Tổng thống Maia Sandu cho biết nước này sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp và sẵn sàng tiếp nhận hàng chục nghìn người đến từ nước láng giềng Ukraine.
Cùng chung quan điểm này, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin khẳng định nước này sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn từ Ukraine.
Bộ Ngoại giao Đan Mạch thông báo Đại sứ quán nước này tại Kiev đã đóng cửa vì lý do an ninh trong bối cảnh xung đột ở Ukraine.
Bộ Ngoại giao Latvia và Estonia cho biết Ngoại trưởng Latvia và Estonia, hiện đang ở Ukraine, sẽ rời thủ đô Kiev bằng đường bộ sau khi đến đây vào tối 23/2.
Ngoại trưởng hai nước nêu trên đã đến Ukraine trong một chuyến thăm kéo dài đến ngày 23/2.
Ngoại trưởng Ukraine đã lên kế hoạch gặp những người đồng cấp Latvia và Estonia vào ngày 24/2, song đã hủy sau khi xảy ra chiến sự ở miền Đông Ukraine.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine.
Trong bối cảnh quan ngại an ninh leo thang, cơ quan đường sắt Ukraine cho biết sẽ có các chuyến tàu sơ tán người dân tại miền Đông và khu vực Odessa, miền Nam Ukraine.
Trang tin NTV của Đức cho hay trước tình hình này, Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins tuyên bố Latvia đang phối hợp chặt chẽ với các đối tác EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về vấn đề Ukraine, đồng thời kêu gọi tiến hành tham vấn theo Điều 4 của NATO.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Latvia cho biết rạng sáng 24/2, khoảng 40 quân nhân Mỹ đã từ Italy tới Latvia. Đây là nhóm đầu tiên trong kế hoạch của Mỹ nhằm triển khai hơn 300 binh sỹ tới quốc gia Baltic này.
Các binh sỹ này đã tới Latvia vào khoảng nửa đêm giờ địa phương, trước khi xung đột xảy ra tại Ukraine, và sẽ đồn trú tại căn cứ quân sự Adazi, ngoại ô thủ đô Riga.
Tại quốc gia láng giềng Litva, Tổng thống Gitanas Nauseda đã ký sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp tại nước này do tình hình ở Ukraine. Văn kiện hiện đang chờ Quốc hội thông qua./.